(HNM) - Đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu xã hội là việc làm cấp thiết, nhưng hiện việc quản lý hoạt động dạy nghề đang có nhiều bất cập. Theo quy định, các trung tâm dạy nghề thuộc quyền quản lý của UBND các cấp, còn những trường nghề thuộc Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH quản lý.
Sự vào cuộc còn hạn chế
Hiện nay công tác dạy nghề được thực hiện bởi một bên là các cấp chính quyền địa phương, một bên là các bộ, ngành, do đó việc lãnh đạo, điều hành mang đặc thù khác nhau là tất yếu. Đặc biệt, nhiều khi cùng là một mô hình dạy và học nghề, nhưng các trường, trung tâm dạy nghề hoạt động mỗi nơi một kiểu. Tìm hiểu thực tế được biết, các trung tâm dạy nghề do chính quyền địa phương quản lý, được quan tâm, bảo đảm về hoạt động đào tạo như cơ sở có thể tự lựa chọn, đề xuất phương thức, bộ môn đào tạo, nhưng lại vướng về chính sách đầu tư, bởi chính sách đầu tư được thực hiện trên mặt bằng chung với mức kinh phí do cơ quan chủ quản "rót" từ trên xuống. Ví dụ, Trung tâm Dạy nghề huyện Thạch Thất được thành lập dựa trên cơ ngơi cũ của Hội Chữ thập đỏ huyện nên diện tích và cơ sở vật chất rất hạn chế; máy móc, trang thiết bị lạc hậu. Đại diện lãnh đạo huyện cho biết, địa phương mong muốn có cơ chế, chính sách để có nguồn vốn mở thêm một số ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người lao động trên địa bàn. Việc này đã được đề xuất nhiều lần nhưng hiện vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Tương tự, do thiếu sự quan tâm chỉ đạo, định hướng nên thực tế hiện nay hầu hết các cơ sở dạy nghề đều thiếu chiến lược đào tạo dài hơi. Có thể kể đến những bất cập nổi rõ như không có sự khảo sát nhu cầu xã hội trước khi chọn ngành nghề để đào tạo; đầu tư dàn trải hoặc thiếu đầu tư về công tác tuyển sinh nên không thu hút được học viên; mối liên kết với các DN sử dụng lao động yếu… Bà Trần Thị Kim Liên, Phó Hiệu trưởng Trường tư thục Công nghệ Thăng Long khẳng định, công tác dạy nghề trên địa bàn thành phố đang được thực hiện theo nhu cầu của nhà trường mà chưa quan tâm đến nhu cầu của nhà tuyển dụng và nhu cầu của xã hội. Một bất cập khác, do thiếu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành chức năng nên đã xuất hiện tình trạng gây bức xúc cho những người làm công tác dạy nghề. Cụ thể là cơ chế liên thông CĐ lên ĐH. Nếu như trước đây cơ chế thi cử, tính điểm cho thí sinh học xong CĐ lên ĐH được thực hiện riêng, có thang điểm thấp hơn, thì nay đòi hỏi thí sinh dự tuyển vào ĐH cùng với học sinh THPT. Vì vậy cánh cửa ĐH dường như đóng hẳn đối với những đối tượng này.
Một dẫn chứng khác là ngay cả những mô hình trường nghề thuộc UBND TP Hà Nội quản lý, khá thuận lợi về cơ chế, chính sách, được đầu tư, quan tâm đồng bộ, song cũng phải tự bươn chải để có thể duy trì hoạt động. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, trường phải tự thân vận động trong việc lôi kéo học viên bằng cách bảo đảm cho họ về việc làm sau khi ra trường. Cụ thể là trường liên kết đào tạo với DN để vừa có thể chia sẻ gánh nặng về kinh phí đào tạo đồng thời bảo đảm "đầu ra" chắc chắn cho học viên.
Đổi mới cách làm cho phù hợp
Yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm sớm tạo đột phá, đổi mới căn bản hệ thống đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, trước hết phải bắt đầu từ sự thống nhất trong công tác quản lý các cơ sở đào tạo. Cùng với đó, theo bà Trần Thị Kim Liên, các trường nghề, trung tâm dạy nghề cần chú trọng đào tạo ngành nghề đặc thù để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, để xoay chuyển tình trạng ảm đạm trong công tác tuyển sinh học nghề như hiện nay, vấn đề quan trọng là các trung tâm, nhà trường cần tập trung tuyên truyền, dự báo được nhu cầu của xã hội cũng như "bắt tay" với các DN để giải bài toán "đầu ra" cho học viên. Mặt khác, ông Nguyễn Thế Hùng kiến nghị, Nhà nước không nên để các đơn vị là trường trung cấp, CĐ, ĐH được phép tuyển sinh như hiện nay mà chính sách phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT phải được luật hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển sinh, sàng lọc chất lượng "đầu vào" của các cơ sở dạy nghề.
Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lại cho rằng, đã đến lúc phải sáp nhập hai hệ thống đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề thuộc Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp thống nhất. Nhìn lại, hơn 10 năm kể từ khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp bị phân chia về hai bộ quản lý, chất lượng đào tạo nghề vẫn giậm chân tại chỗ, thậm chí còn yếu hơn trước đây vì nhiều lý do. Ở nhiều địa phương, năng lực quản lý các trường nghề, trung tâm dạy nghề yếu kém nên chất lượng dạy nghề thấp, nhiều dự án đầu tư tiền tỷ song không mang lại hiệu quả, thậm chí thất thoát, lãng phí.
Cùng với việc đổi mới quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo xu thế hội nhập, thiết nghĩ, các cơ quan thẩm quyền, quản lý cần mạnh dạn đổi mới chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề ở từng lĩnh vực, cấp đào tạo... Có như thế mới tạo cú hích - nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, có tay nghề, kỹ năng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế thời hội nhập. Đồng thời, cần sớm khắc phục các hiện tượng mặt trái của công tác đào tạo nghề như loạt bài đã nêu. Trong đó, cũng cần tập trung nguồn lực dành cho các chương trình đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp đang bị phân tán, chia cắt manh mún, khó đầu tư bài bản cũng như tạo ra môi trường học nghề, thực hành nghề hấp dẫn. Để nâng cao trình độ tay nghề của người lao động Việt Nam, cần phải áp dụng các chương trình đào tạo ngành nghề tiếp cận chuẩn của khu vực và thế giới. Cuối cùng, cần có sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, để thanh niên, giới trẻ yên tâm chọn con đường vào trường nghề, gắn bó và tiến thân bằng sự đam mê nghề nghiệp thì Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích, thay đổi cơ chế trả lương đúng theo năng lực, trình độ tay nghề của họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.