Kinh tế

Bài cuối: Kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế đêm cho Hà Nội

ThS. Phạm Hoàng Hà 11/07/2023 - 06:29

Hà Nội với tư cách là một trong hai thành phố loại đặc biệt của Việt Nam đã cam kết phát triển kinh tế đêm là ưu tiên của giai đoạn 2020-2025.

Từ kinh nghiệm quốc tế của của một số thành phố lớn ở các quốc gia như Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan, Nhật Bản… bài viết đề xuất 6 ý tưởng chính sách mang tính kịp thời, hiệu quả, bền vững về phát triển kinh tế đêm có thể áp dụng cho Hà Nội.

hanoi.jpg
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thu hút người dân, du khách trải nghiệm.

Sáu ý tưởng chính sách

Thứ nhất, cần thay đổi tư duy về kinh tế đêm với xã hội, dân cư, và các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Với xu hướng phát triển tất yếu của kinh tế đêm, thành phố Hà Nội cùng với Chính phủ, các bộ, ngành cần phải hiểu và tuyên truyền nghiêm túc, đúng đắn cho xã hội, người dân về khái niệm, tầm quan trọng và lợi ích của kinh tế đêm. Thêm vào đó là tăng cường lực lượng an ninh để bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

Thứ hai, nghiêm túc xây dựng chiến lược, chính sách cho kinh tế đêm bài bản, chuyên nghiệp bắt đầu bằng việc thành lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý. Phần lớn các quốc gia phát triển kinh tế ban đêm đã phân quyền việc quản lý hoạt động kinh tế này tới các cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố, cấp quận).

Thực hiện chủ trương này, chính quyền các địa phương có thể bổ nhiệm chức vụ chủ chốt quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm. Đó có thể là một cá nhân chuyên trách như kinh nghiệm “Thị trưởng ban đêm” tại Amsterdam (Hà Lan) hay “Giám đốc điều hành đêm” tại thủ đô London (Vương quốc Anh), Sydney (Australia) hay một hội đồng gồm nhiều thành phần tham gia nền kinh tế ban đêm như Pháp…

Chức vụ quản lý này hoàn toàn tách biệt với chức vụ quản lý chính quyền địa phương đối với các hoạt động kinh tế ban ngày. Đây sẽ là đơn vị xây dựng chiến lược, chính sách, cơ chế phát triển kinh tế đêm, phối hợp với các cơ quan trung ương trong việc nghiên cứu, kinh nghiệm, chính sách của các nước để xây dựng chương trình hành động cụ thể và riêng biệt cho phát triển kinh tế đêm.

Đồng thời, Hà Nội cũng nên đề xuất với Trung ương xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế đêm, theo đó các sản phẩm, dịch vụ chủ yếu sẽ là: Ẩm thực (nhà hàng, khách sạn), nghệ thuật (thời trang, phim ảnh, lễ hội, sự kiện, âm nhạc), thể thao (phòng gym, đi bộ, các bộ môn bóng), thương mại (trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi)…

Thứ ba, về chính sách phát triển dịch vụ giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, các thành phố trên thế giới khai thác kinh tế ban đêm đều chú trọng mở rộng, cải thiện hệ thống giao thông công cộng, tăng thời gian phục vụ trong đêm của dịch vụ giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt hay dịch vụ dùng chung xe đạp công cộng.

Tại Trung Quốc, Vương quốc Anh hay Pháp, các tuyến tàu điện ngầm đi qua các khu vực thương mại sầm uất vào ban đêm được kéo dài thời gian hoạt động nhằm phục vụ cả khách hàng và người lao động cung ứng dịch vụ. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, thiết bị chiếu sáng công cộng, wifi công cộng, dịch vụ 5G cũng được các quốc gia này chú trọng tại các khu vực du lịch, thương mại lớn.

Thứ tư, khuyến khích vai trò tiên phong, sáng tạo của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp tiềm năng trong phát triển các ngành nghề kinh tế đêm. Cho các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu kéo dài thời gian mở cửa và các loại hình dịch vụ như kinh nghiệm của Amsterdam (Hà Lan), London (Anh), Seoul (Hàn Quốc).

Khuyến khích phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ tài chính, như Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai chương trình trợ cấp cụ thể đối với các hoạt động kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ ban đêm, hay quảng bá các hoạt động du lịch về đêm. Như đã đề cập, các hộ kinh doanh tại Bắc Kinh có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD để thúc đẩy hoạt động kinh doanh vào buổi tối. Hình thức hỗ trợ tài chính này tại Vương quốc Anh, Australia tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, chi phí thuê mặt bằng, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh ban đêm bị tác động như từ việc giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra.

Thứ năm, về chính sách triển khai, quản lý, cấp phép, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, nhà hàng, trung tâm thể thao, giải trí được khuyến khích kéo dài thời gian mở cửa 24 giờ. Các cơ sở kinh doanh rượu cũng được cấp phép mở cửa muộn tại khu vực ngoại thành.

Hoạt động kinh tế ban đêm nên được áp dụng thí điểm tại một số khu vực quy hoạch nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng mô hình. Thêm vào đó Hà Nội nên có các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế đêm ví dụ như thu phí sử dụng điện, nước vào thời gian ban đêm rẻ hơn so với ban ngày. Các loại chính sách này có thể giảm thiểu áp lực lên hệ thống cung cấp điện, nước vào ban ngày vì nó tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích một bộ phận người dân, người lao động chuyển sang hoạt động vào ban đêm.

Hơn nữa chính sách này tác động trực tiếp đến những đơn vị, cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế vào ban đêm. Khi chi phí cung cấp sản phẩm và dịch vụ giảm thì các đơn vị kinh doanh đêm sẽ rất thuận lợi trong việc giảm giá bán, phân phối và cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Giá thành thấp hơn sẽ là một lợi thế rất lớn về cạnh tranh trong việc huy động nguồn vốn đầu tư và làm tăng nhu cầu của khách hàng tham gia sử dụng các dịch vụ, sản phẩm kinh tế đêm.

Thứ sáu, về quy hoạch không gian, Hà Nội cần xác định rõ khu vực cần được đặt an ninh lên hàng đầu, đó là trụ sở của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tập đoàn nhà nước, tập đoàn tư nhân, trụ sở các tổ chức thế giới, đại sứ quán…

Ba nhóm giải pháp

Hiện tại, Hà Nội có 2 quận là Hoàn Kiếm và Ba Đình là nơi đặt các trụ sở, cơ quan cần được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, thế nhưng tại các quận này lại có các khu vui chơi giải trí sầm uất nhất. Điều này tạo ra ít nhiều khó khăn cho việc phát triển kinh tế đêm một cách quy mô cho Hà Nội vì các chính sách bảo đảm trật tự an ninh ở những quận trung tâm đặt các trụ sở nhưng lại tạo ra một rào cản để phát triển kinh tế đêm như ở các quận, huyện khác.

Vì vậy, Hà Nội cần quy hoạch không gian riêng ví dụ như quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, và Tây Hồ là những nơi có chính sách về an ninh, sinh hoạt, giao thông đặc thù để bảo đảm an toàn tối đa cho hoạt động chính trị, điều hành và phát triển quốc gia. Di chuyển về mặt không gian toàn bộ những đơn vị kinh doanh có trong kinh tế đêm ra khu vực khác và áp dụng chính sách đặc thù nhằm phát triển tối đa kinh tế đêm tại các khu vực này. Khi có những sự sắp xếp hợp lý như trên, mỗi khu vực sẽ có một chức năng riêng và các khu vực này sẽ được đồng bộ hóa để phát triển hết tiềm năng.

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, để Thủ đô Hà Nội phát triển kinh tế đêm, thành phố cần quan tâm đến ba nhóm giải pháp: Phát triển, đồng bộ hóa, tạo tính liên kết cho hạ tầng, đặc biệt là giao thông công cộng của đô thị. Bên cạnh đó Hà Nội cần có nhiều chính sách ưu đãi cho các hoạt động kinh tế diễn ra trong khoảng thời gian từ 18h ngày hôm trước đến 6h ngày hôm sau, ví dụ như chính sách tài chính (thuế, phí, lệ phí, lãi suất vay vốn, chính sách chi khuyến khích các doanh nghiệp và hộ kinh doanh kinh tế đêm…), chính sách ưu tiên về phí (phí sử dụng điện, nước…), chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho đầu tư (gói hỗ trợ).

Nhưng trước khi có các chính sách ưu đãi này, Hà Nội cần xác định rõ về mặt không gian cho phát triển kinh tế đêm, những nơi tách biệt và không ảnh hưởng đến các khu vực đặt trụ sở hành chính, và hoạt động chính trị. Sau đó, Hà Nội sẽ có thể nới lỏng thời gian hoạt động kinh doanh như hiện nay cho các khu vực trên.

Nhóm giải pháp cuối cùng là tập trung vào làm marketing và tạo thương hiệu cho thành phố. Hà Nội cần tạo dựng một cách chuyên nghiệp và luôn làm mới các sự kiện dựa trên văn hóa nghìn năm văn hiến của Hà Nội nhằm tạo sự thu hút. Mục tiêu của Hà Nội là trở thành một nơi “phải đến” trong nước, khu vực và châu lục.

ThS. Phạm Hoàng Hà
(Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế đêm cho Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.