(HNM) - ''Tây Nguyên vẫn như một cô gái đẹp cần đánh thức và chưa kịp chuyển mình với sự đổi thay của kinh tế - xã hội đất nước... Cây mắc-ca là một lợi thế rất lớn có thể phát triển hàng triệu héc ta tại Tây Nguyên...
Mắc-ca "Made in Vietnam"
Cho đến nay, nhiều người vẫn không biết Việt Nam đã có hạt mắc-ca. Không thua kém chất lượng so với những loại mắc-ca đến từ Australia, mắc-ca "Made in Vietnam" cũng khá ngon, giá lại "mềm" hơn. Dạo qua một số nhà hàng ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, mắc-ca Việt Nam được bày bán rộng rãi để giới thiệu với du khách nước ngoài bằng cách đóng thành từng túi 250g, với đủ thương hiệu, từ Nữ hoàng Mắc-ca, Vietmaca, đến thương hiệu tư nhân như Mắc-ca nhà ông Ba..., giá bán quanh ngưỡng 100 nghìn đồng/túi.
Nông dân Tây Nguyên học cách ghép giống cây mắc-ca. |
So với thổ nhưỡng ở Australia, vùng đất ở Tây Nguyên hoàn toàn không thua kém, thậm chí khí hậu còn phù hợp hơn trong việc trồng mắc-ca. Hơn nữa, kỹ thuật trồng mắc-ca lại khá đơn giản, ngoài yếu tố về đất đai, chỉ cần cung cấp đủ nước, ánh sáng mặt trời là cây có thể phát triển cho sản lượng thu hoạch cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cần phải tìm được "đầu ra" cho loại hạt này để có phương án phát triển phù hợp, không để tình trạng "được mùa rớt giá". Nhiều người cũng đặt câu hỏi, nếu là loại hạt mang giá trị cao về kinh tế, được mệnh danh là hạt "triệu đô" hay thậm chí là "tỷ đô", tại sao trong suốt những năm gần đây, Australia không mở rộng diện tích trồng mắc-ca và đây có phải thời điểm tốt để Việt Nam mở rộng dự án này?
Tây Nguyên có 13 loại đất, trong đó có 2 triệu héc ta đất bazan màu mỡ phù hợp cây công nghiệp (chiếm 80% diện tích cà phê cả nước). Tây Nguyên có những loại cây công nghiệp quan trọng nhưng vẫn chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhận định: “Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại cơ cấu của vườn rừng. Rừng đâu chỉ có keo và bạch đàn. Ta có thể xây dựng những vườn rừng bằng những loại cây lấy quả như mắc-ca. Cuối năm vừa rồi tôi sang Australia dự hội thảo về mắc-ca. Khắp các châu lục đều đến dự. Họ ước tính, thị trường mắc-ca còn sôi động lắm. Việt Nam ta được đánh giá là nước có nhiều triển vọng… Vì vậy, cần mạnh dạn bàn bạc dân chủ để sớm đưa mắc-ca và một số loại cây khác thành những ngành hàng chủ lực cho chúng ta”.
Thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên có những thời kỳ, cà phê, hạt tiêu vì “khát nước” đã chết cháy hàng loạt. Để tìm được loại cây trồng mới thay thế, vừa chịu được cái khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, cây mắc-ca được coi là một trong những lựa chọn giá trị.
Một chuyên gia từng có nhiều năm "lăn lộn" với Tây Nguyên, GS Hoàng Hòe chia sẻ: Để có được cây trồng mới như mắc-ca, chúng ta phải mất 20 năm "nằm gai, nếm mật", có lúc tưởng chừng như đứt gánh. Bù lại, sự cố gắng ấy đã được đền đáp xứng đáng với hàng nghìn hộ dân đã giàu nhờ mắc-ca.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, TS Nguyễn Đức Hưởng: Trong hàng nghìn hộ trồng mắc-ca đang cho thu hoạch, không có hộ nào than phải mang mắc-ca đi tìm chỗ bán, thậm chí có nhiều hộ được thương lái tìm mua khi cây chưa ra quả. Theo thống kê, trên thế giới nhiều năm trở lại đây, cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Tây Nguyên hiện có cây cà phê là chủ lực, nhưng phần lớn đã già cỗi, khoảng 60-70% đang đứng trước yêu cầu tái canh. Cây mắc-ca có thể thay thế cây cà phê hoặc trồng xen canh, với tuổi đời khai thác lên tới 60 năm. Tây Nguyên có khoảng 5 triệu héc ta cây công nghiệp, có thể trồng xen 1 triệu héc ta cây mắc-ca. Có thể trồng ngay 250.000 héc ta, nhưng chừng đó cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu...
Cần phát triển có bài bản
Tiềm năng Tây Nguyên sẵn có, nhưng không phải không có khó khăn. Theo các chuyên gia, cây giống là then chốt, quyết định hiệu quả của mắc-ca. Nếu trồng bằng giống thực sinh, khả năng thích ứng và năng suất sẽ kém hẳn so với giống trồng bằng phương pháp ghép và chiết. Tuy nhiên, nguồn cung ứng giống cây mắc-ca bảo đảm chất lượng đang là nỗi lo của các địa phương cũng như người trồng.
Được biết, cả vùng Tây Nguyên hiện có khoảng gần 1.000 cơ sở bán giống mắc-ca, trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng có khoảng hơn 600 cơ sở. Đáng lo ngại là, chỉ có khoảng 40% số cơ sở này có giấy phép kinh doanh, còn lại là chưa có xác nhận về chất lượng, thậm chí có cơ sở bán cây giống không có nguồn gốc, xuất xứ. Cũng bởi vậy, TS Nguyễn Đức Hưởng cho rằng, điều quan trọng là kiểm soát được nguồn gốc của giống cây mắc-ca.
Mặc dù không ít người bày tỏ lo lắng về đầu ra của hạt mắc-ca, song hầu hết chuyên gia đều tin tưởng, triển vọng phát triển mắc-ca rất tốt. Bên cạnh thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, mắc-ca có thị trường rộng lớn, cung vẫn không đủ đáp ứng cầu. Song, để đưa cây mắc-ca phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế, cần giải quyết tốt vấn đề quy hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy hoạch trồng mắc-ca đến năm 2030 là khoảng 34.000 héc ta, trong khi theo nghiên cứu của Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, khả năng có thể lên đến 200.000 - 400.000 héc ta. Nếu bài toán về quy hoạch rõ ràng hơn sẽ là cơ sở khoa học để tính toán việc đầu tư cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần có sự tham gia của ngân hàng trong việc hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi với người dân trồng mắc-ca. Đặc biệt, cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, giống và tiêu thụ sản phẩm.
Nhìn nhận đúng giá trị và có hướng đi đúng đắn được coi là chiếc chìa khóa then chốt cho sự thành bại của loại cây trồng có cơ hội mang lại triệu đô cho vùng đất Tây Nguyên. Đánh giá về cơ hội của mắc-ca đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Mắc-ca có thể trở thành ngành hàng mới bởi Việt Nam có đủ nguồn lực. Phát triển mắc-ca nếu không nhanh là mất cơ hội. Song, bên cạnh yêu cầu về chuẩn hóa giống, quy trình chăm sóc, Việt Nam cần tạo được chuỗi giá trị chế biến sâu, tạo được những sản phẩm khai thác giá trị đích thực của mắc-ca như tinh dầu, dầu ăn, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, chứ không dừng ở những sản phẩm cơ bản hay xuất khẩu thô. Về giai đoạn mới phát triển mắc-ca tại Việt Nam, sẽ còn không ít khó khăn, nên cần phải quyết tâm, nỗ lực, nếu không sẽ mất thời cơ.
Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, nếu được quy hoạch bài bản, có sự liên kết của nhà nông, ngân hàng, cơ quan chức năng, đặc biệt là có những chính sách hỗ trợ đối với loại cây trồng mới như mắc-ca, chắc chắn tham vọng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia sản xuất mắc-ca hàng đầu thế giới là hoàn toàn khả thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.