Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Gỡ tiến độ cho nhà máy xử lý rác

Dạ Khánh| 30/06/2022 06:16

(HNM) - Trước thực trạng “bấp bênh” trong xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, việc thúc tiến độ, sớm đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác thải hiện đại được xem là giải pháp bền vững, vừa tiết kiệm được quỹ đất dành cho xử lý chôn lấp, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường từ rác thải. Vậy, tiến độ các dự án này ra sao?

Dự án Nhà máy Điện rác Seraphin (thị xã Sơn Tây) đang được chủ đầu tư tăng tốc thực hiện.

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đang chạy thử

Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (công suất xử lý rác 4.000 tấn/ngày - đêm, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn) do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội là chủ đầu tư. Đây là dự án đốt rác phát điện (rác thải không phân loại) được triển khai đầu tiên tại Hà Nội. Khởi công năm 2018, theo kế hoạch đưa vào vận hành cuối năm 2019, nhưng dự án đã điều chỉnh tiến độ đến tháng 10-2021, rồi đến tháng 1-2022 và đang tiếp tục "trượt" tiến độ...

Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn. Đến nay các công trình, thiết bị thuộc giai đoạn 1 (công suất 800 tấn/ngày - đêm) đã hoàn thành và từ tháng 5-2022 đã vận hành thử nghiệm. Đồng thời, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành hiệu chỉnh kiềm lò, thông thổi đường ống hơi của lò số 3, 4, 5. Trong thời gian hiệu chỉnh, chạy thử, nhà máy đốt khoảng 50-210 tấn rác/ngày. Chủ đầu tư cũng đang xin chạy thử hòa lưới điện, dự kiến đầu tháng 7-2022 sẽ được phê duyệt. Đến ngày 15-7, giai đoạn 1 sẽ cơ bản vận hành ổn định.

Với giai đoạn 2, việc thi công đã hoàn thành 100% khối lượng; giai đoạn 3 đã hoàn thành 95% khối lượng. Về nguyên nhân chậm tiến độ, Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Đức Hưng cho biết, dịch Covid-19 kéo dài khiến các chuyên gia nước ngoài khó nhập cảnh, việc vận chuyển, nhập khẩu thiết bị, máy móc về Việt Nam cũng bị chậm trễ. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thuộc về chủ đầu tư khi lập dự án đã chưa tính đến các thủ tục nghiệm thu phần xây dựng, môi trường, đóng điện, phát điện..., nên dẫn đến lúng túng, bị động.  

Không chỉ là dự án đốt rác phát điện đầu tiên tại Hà Nội, đây còn là dự án đốt rác phát điện không cần phân loại rác thải đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên rất thiếu kinh nghiệm. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, UBND huyện Sóc Sơn nhanh chóng giải quyết thủ tục liên quan. Tuy nhiên, có những thủ tục lại phụ thuộc các bộ, ngành, đặc biệt đến nay việc điều chỉnh quy hoạch điện 8 chưa hoàn thành.

Điện rác Seraphin đặt mục tiêu vượt tiến độ

Là nhà máy thứ hai, Nhà máy Điện rác Seraphin (công suất xử lý rác 1.500 tấn/ngày - đêm, nằm trong Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn) đã được chủ đầu tư là Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin (Tập đoàn AMACCAO), khởi công từ ngày 30-3-2022.

Với cam kết thi công trong 20 tháng để đưa nhà máy vào hoạt động, Tổng Giám đốc Dự án Vũ Văn Ngọc cho biết, Tập đoàn AMACCAO đã dồn nguồn lực về tài chính, máy móc, vật tư, thiết bị và bố trí gần 300 cán bộ, công nhân làm 3 ca trên công trường. Sau 3 tháng khởi công, dự án đã thi công xong gần 10.000m2 hệ thống nhà điều hành, nhà chuyên gia, bãi tập kết thiết bị và công trình phụ trợ; san nền xong 90%; ép cọc trên 95% các hạng mục. Một số các hạng mục khác như: Bể rác, các bể xử lý nước thải, nhà máy chính, ống khói… cũng đang được gấp rút thi công. Để vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tổng thầu đã đặt hàng sản xuất song song kết cấu nhà xưởng tại các nhà máy để sau khi hoàn thành hệ thống móng, bệ máy, sẽ lắp đặt song song cả thiết bị và kết cấu nhà xưởng. Dự kiến tháng 10-2022 thiết bị sẽ được tập kết tại dự án. Đầu năm 2023 sẽ lắp hệ thống nồi hơi, hệ thống đường ống, hệ thống máy phát, thiết bị điện và phấn đấu cuối năm 2023 đưa nhà máy vào vận hành, vượt tiến độ ít nhất 2-3 tháng so với cam kết với thành phố.

“Nhà đầu tư luôn tự cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc nhằm đạt và vượt tiến độ đề ra. Tuy nhiên, do đặc thù Nhà máy điện rác là loại hình công nghệ mới, quy trình thủ tục rất nhiều. Mỗi sự thay đổi thiết kế, kỹ thuật dù là nhỏ cũng sẽ phải trình duyệt qua mấy chục thủ tục với nhiều cơ quan…, nên không tránh khỏi lo lắng là dự án vẫn còn một số nội dung phải hiệu chỉnh về chủ trương đầu tư và hồ sơ kỹ thuật, song song với công tác xây dựng và lắp đặt tại hiện trường, dẫn đến tiến độ cuối cùng có thể bị ảnh hưởng nếu không được các cấp, ngành liên quan tạo điều kiện tháo gỡ” - ông Vũ Văn Ngọc chia sẻ.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tiến độ triển khai các nhà máy điện rác Sóc Sơn, Seraphin được thành phố đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành kiểm tra, phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Nếu hai nhà máy này đi vào hoạt động, khối lượng rác thải xử lý chôn lấp chỉ còn khoảng 10%, theo đó bài toán xử lý rác thải của thành phố sẽ hết nan giải.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Gỡ tiến độ cho nhà máy xử lý rác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.