(HNM) - Sau 20 năm thực hiện, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế cũng như thách thức mới nảy sinh.
- Đề nghị Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội?
- Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII), việc xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nói riêng đã có chuyển biến nhất định. Trong việc cưới, tình trạng tảo hôn, ép hôn, hôn nhân cận huyết thống… không còn phổ biến; việc mời khách dự tiệc cưới đã được nhiều địa phương quy định, bảo đảm tiết kiệm. Trong việc tang, tình trạng để thi hài trong nhà quá thời gian quy định, hoạt động mê tín dị đoan, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa đã giảm. Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội đạt nhiều kết quả. Hiện tượng rải tiền không đúng quy định, đốt đồ mã tràn lan, chèn ép du khách, cờ bạc trá hình, bói toán… được chấn chỉnh kịp thời. Các nghi thức mang tính bạo lực, phản cảm như chém lợn, treo trâu, đâm trâu… được cải tiến về hình thức cho phù hợp. Đã xuất hiện những điển hình tốt, những mô hình mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chiến lược “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng.
- Thưa Thứ trưởng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn những hạn chế nhất định. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế này?
- Có thể thấy, bên cạnh những kết quả nêu trên, ở một số nơi, một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng phô trương, lãng phí trong việc cưới; những nghi thức rườm rà, không hợp thuần phong, mỹ tục trong việc tang; hoạt động mê tín dị đoan, những nét tiêu cực về văn hóa ứng xử trong lễ hội. Dù không nhiều nhưng vẫn còn những đám cưới xa hoa. Việc ganh đua xây cất mồ mả gây lãng phí tiền của có chiều hướng tăng ở không ít địa phương. Hành vi phản cảm trong lễ hội đã giảm, nhưng chưa đáng kể... Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ chưa đầy đủ khiến việc thực hiện còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu, có biểu hiện “đánh trống, bỏ dùi”. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở một số nơi chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong hướng dẫn, quản lý, tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn lỏng lẻo. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành còn thiếu gương mẫu trong thực hiện việc cưới, việc tang. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa phục vụ việc triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ còn hạn chế.
- Để khắc phục tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, cần tập trung cho những giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?
- Các cấp, các ngành cần tiếp tục quán triệt tinh thần Chỉ thị 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII); Thông báo kết luận 83-TB/TƯ, ngày 27-6-2007 của Ban Bí thư và Kết luận 34-KL/TƯ, ngày 20-12-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc cưới, việc tang, lễ hội. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể trong tổ chức thực hiện. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện, kịp thời tạo dư luận, lên án những biểu hiện tiêu cực, những phong tục, tập quán lạc hậu, đồng thời cổ vũ, động viên các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Tăng cường nghiên cứu khoa học nhằm làm sáng tỏ những phong tục, tập quán, nghi thức không còn phù hợp hoặc còn nhiều quan điểm khác nhau, từ đó vận động nhân dân tự giác thực hiện, đồng thời dự báo xu hướng phát triển để đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả. Xây dựng các mô hình mới, qua đó tìm ra cách làm hay, hiệu quả và nhân rộng mô hình mới, điển hình tiên tiến. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng, qua đó kịp thời chấn chỉnh và xử lý các sai phạm…
- Vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên là yếu tố quan trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Giải pháp cho vấn đề này là gì?
- Cán bộ, đảng viên có vai trò tiên phong, đi đầu trong thực hiện nếp sống văn minh. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, chưa tự giác thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Trong việc này, cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những hành vi sai phạm. Cần thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi có cán bộ, đảng viên thuộc quyền vi phạm quy định liên quan tới việc cưới, việc tang, lễ hội. Khi đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy vai trò đi đầu, gương mẫu thì cuộc vận động sẽ có được kết quả bền vững.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: Lâu nay, các quy định về thực hiện nếp sống văn minh còn chung chung, thiếu cơ chế giám sát, chế tài xử lý nên việc triển khai chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Không thể để xảy ra tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”. Mọi ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức... cần xây dựng quy tắc, chế tài, áp dụng bình đẳng, công khai trong tập thể, ai vi phạm đều phải chịu sự điều chỉnh. Đặc biệt, người đứng đầu phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện thì mới mong người khác làm theo. Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam Lương Hồng Quang: Giải pháp quan trọng là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyên dương, nhân rộng gương điển hình, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực, đi ngược lại tinh thần Chỉ thị 27-CT/TƯ. Cần có quy định cụ thể nhằm “xốc lại” vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, xử lý thích đáng những người có trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm trong triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.