Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Doanh nghiệp phải làm “đầu kéo”

Nguyễn Mai - Bạch Thanh| 25/05/2016 07:18

(HNM) - Sau khi gia nhập TPP, sản xuất nông nghiệp, làng nghề chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nước ngoài, người nông dân dễ bị tổn thương. Do vậy, việc dạy nghề cho LĐNT cần được điều chỉnh phù hợp...



Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Sau khi gia nhập TPP, sản xuất nông nghiệp, làng nghề chịu sức ép cạnh tranh lớn từ nước ngoài, người nông dân dễ bị tổn thương. Do vậy, việc dạy nghề cho LĐNT cần được điều chỉnh phù hợp; đồng thời phải có DN làm "đầu kéo" giải quyết việc làm cho LĐNT.

Dạy nghề mây tre đan xuất khẩu làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Thái Hiền


Giám sát chặt công tác dạy nghề…

Đào tạo nghề cho LĐNT là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho LĐNT. Đặc biệt chủ trương này có ý nghĩa quan trọng giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí đào tạo nghề trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất trong việc dạy nghề cho LĐNT hiện nay chính là thiếu định hướng công tác đào tạo. Các địa phương thường tập trung dạy các ngành nghề hiện có, chưa chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của người dân. Ông Phạm Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: "Đối với khu vực nông thôn, cán bộ phải tư vấn cho nông dân học nghề gì phù hợp với thực tế và mang lại việc làm sau khóa học, đồng thời tạo "sinh lực" mới cho việc dạy nghề ở nông thôn. Thêm nữa, thay vì chú trọng mở lớp học nghề tràn lan, Nhà nước cần chú trọng vào chuyên môn sao cho lớp học đạt chất lượng nhất".

Theo Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 (Đề án 1956), trong giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT. Bình quân mỗi năm 1,1 triệu lao động. Yêu cầu cũng đặt ra là 80% có việc làm mới và thu nhập cao hơn. Để đạt được con số này, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho rằng phải rà soát, sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề. Bởi hiện nay, cả nước có hơn 1.000 cơ sở đào tạo nghề, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Có những cơ sở dạy nghề cán bộ, giáo viên đông hơn học viên cho nên rà soát, sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề là đòi hỏi bức thiết nhất. "Chính phủ đang đặt hàng Bộ LĐ-TB&XH làm việc này" - ông Dũng cho biết.

Dạy nghề theo nhu cầu thị trường

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung: Muốn công tác đào tạo nghề đi vào chiều sâu, chính quyền địa phương phải điều tra kỹ lưỡng nhu cầu học nghề của nông dân trước khi tổ chức dạy nghề cho trúng, đúng, khi đó nông dân không bỏ lớp và sử dụng các nghề đã học vào thực tế. Bà Nguyễn Hồng Lý, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Các ngành nghề đào tạo cho nông dân phải phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của thị trường trong nước và nước ngoài. Các hình thức dạy nghề phải đa dạng, như: Dạy sơ cấp nghề, dạy nghề trung cấp, dạy nghề thường xuyên, lấy nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi dạy nghề, truyền nghề theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Điều này sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT.

Để thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, Nhà nước cần có lộ trình lâu dài và thực hiện theo phương châm "mưa dầm thấm lâu", giúp người dân hiểu được giá trị của học nghề. Điều quan trọng hơn, các ngành, các cấp cần đẩy nhanh hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, với nghề NN, cần hướng người học liên kết thành các mô hình sản xuất, kinh doanh. Đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn vay và tìm "đầu ra" cho nông sản để người dân đứng vững và giữ được nghề. Đối với nghề phi NN, đào tạo nghề chưa đủ, mà phải có DN làm "đầu kéo" giúp nông dân cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, tạo quy trình sản xuất bền vững, phát huy được ngành nghề đào tạo. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ DN để kéo họ vào cuộc, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đến tháng 5-2016, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tổ chức dạy nghề cho hơn 25 nghìn lao động nông thôn, với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 51 tỷ đồng. Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các DN trên địa bàn gắn kết với các cơ sở dạy nghề để tuyển chọn công nhân và tiêu thụ sản phẩm cho lao động sau khi học nghề.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Doanh nghiệp phải làm “đầu kéo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.