Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Di tích đặc thù cần được quản lý theo cơ chế đặc thù

Minh Ngọc| 08/04/2016 06:56

(HNM) - Đặt trong bối cảnh đặc thù của một di tích

Một trong những ngôi nhà đang xây dựng có phép ở thôn Mông Phụ.


Đẩy nhanh tiến độ giãn dân

Bố trí đất giãn dân để đưa một số hộ dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở ra khỏi vùng lõi di tích được coi là giải pháp khả thi trong chuỗi giải pháp mà các cơ quan chức năng đưa ra, nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển đối với di tích Làng cổ Đường Lâm. Trong quá trình triển khai quy hoạch bảo tồn, TP Hà Nội đồng ý và tạo điều kiện cho thị xã Sơn Tây vay vốn từ nguồn Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để tiến hành giải phóng mặt bằng khu vực Đồi Trung, thuộc thôn Phụ Khang làm nơi tái định cư cho dân. Sau hơn hai năm triển khai, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 với diện tích hơn 4ha vẫn chưa xong.

"Nguồn vốn không thiếu nhưng công tác GPMB không thể nhanh vì một số hộ có đất trong khu vực nói trên không còn hồ sơ giao đất để xác định quyền sử dụng đất. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã đền bù GPMB cho 120 hộ, còn 40 hộ đã sử dụng đất lâu dài nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh quyền sử dụng đất. Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc này nhưng việc xác định quyền sử dụng đất gặp rất nhiều khó khăn. Dù tập trung mọi nguồn lực chúng tôi cũng khó có thể hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đất giãn dân trong năm 2016" - bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Ban đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm nhận định, công tác GPMB đã khó, việc xác định đúng đối tượng tái định cư để không lãng phí quỹ đất còn khó hơn. "Số hộ có nhu cầu bức thiết về nhà ở rất nhiều, chúng tôi đã khảo sát và có danh sách ban đầu. Tuy nhiên, không phải hộ nào có nhu cầu bức thiết về nhà ở cũng có điều kiện mua đất giãn dân và xây nhà mới, trong khi Nhà nước không thể bao cấp toàn bộ. Trước tình hình đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nghiên cứu, tìm ra giải pháp hợp lý để phương án giãn dân thực sự hiệu quả" - ông Giang Mạnh Hoằng kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm nhấn mạnh: "Biết là khó, song khó vẫn phải làm. Chậm giãn dân ngày nào, bức xúc về xây dựng nhà ở nói riêng, về công tác bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ nói chung tăng lên ngày đó. Do vậy, tiến độ GPMB, công tác giãn dân cần được thực hiện nhanh hơn" - ông Sơn nói.

Cần xây dựng cơ chế quản lý đặc thù

Với đặc thù là di tích chồng di tích, di tích "chứa" mọi sinh hoạt của con người nên giải pháp lâu dài, bền vững để bảo tồn làng cổ được xác định từ lâu, đó là để người dân sống trong di tích có cuộc sống ổn định nhờ di tích. Song trên thực tế, nhiều dự án hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch từ sản phẩm nông nghiệp đã được triển khai ở Đường Lâm trong những năm qua, chưa có dự án nào thành công.

Ông Dương Hữu Lâm, thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm: Nếu không sớm quản lý theo quy hoạch, giá trị Làng cổ Đường Lâm sẽ bị mai một. Đa số người dân chúng tôi hiểu được như vậy và sẵn sàng thực hiện để giữ gìn vốn di sản. Chúng tôi chỉ mong các quy định về bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ bất cập ở chỗ nào sẽ sớm được khắc phục, điều chỉnh ở chỗ đó, tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định trong di tích.


Khảo sát cho thấy, sau 10 năm loay hoay với các mô hình phát triển du lịch, dịch vụ, số hộ gia đình "sống khỏe" từ danh hiệu di tích chỉ đếm trên đầu ngón tay, tính cả người buôn bán lặt vặt với nguồn thu vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, số người làm dịch vụ ở Đường Lâm hiện nay chỉ khoảng 10%. Điều đó lý giải vì sao du khách đến làng cổ tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy một vài thương hiệu nhỏ như: Chè lam ông Hùng, bánh chè xanh Cam Lâm, rượu nhà ông Thể, kẹo dồi bà Hiền...

So với mục tiêu thị xã Sơn Tây từng đề ra, đến năm 2015, xã Đường Lâm có 40 hộ sống được nhờ du lịch và con số này sẽ tăng lên 70% vào năm 2020 thì những con số kể trên khiến bất kỳ ai cũng thấy trăn trở. Về vấn đề này, ông Giang Mạnh Hoằng cho rằng, mô hình phù hợp nhất để thúc đẩy kinh tế ở Đường Lâm phát triển chính là khoanh vùng diện tích đất nông nghiệp thành các khu chuyên canh để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng nếu làm như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch nông thôn mới đã có. Do đó, không còn cách nào tốt hơn là cùng với sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, Đường Lâm cần có một cơ chế đặc thù để phát triển.

Đối với vấn đề bức xúc nhất hiện nay là khoảng lùi xây dựng nhà ở, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Đô thị thị xã Sơn Tây khẳng định, các khúc mắc sẽ cơ bản được giải quyết, nếu làng cổ ở Đường Lâm được quản lý theo cơ chế đặc thù. Nói cách khác là các cơ quan chức năng của thị xã Sơn Tây được chủ động giải quyết linh động theo từng trường hợp cụ thể.

Chẳng hạn như nhà ông Lê Bá Lợi, thôn Đoài Giáp, nếu đặt trong tương quan cả tuyến đường đã xây dựng nhà trước đó đều giáp mặt đường, một mình nhà ông thụt tít vào trong, nhìn không phù hợp. Hay nhà ông Lê Văn Đào, ở thôn Đông Sàng không nhất thiết phải lùi đúng 6m so với mép đường. Hơn nữa, mặt cắt ngang của các tuyến đường, ngõ ở nông thôn ở những đoạn khác nhau thường có chiều dài khác nhau nên việc quy định cứng nhắc khoảng lùi, rõ ràng là chưa hợp lý. Tương tự, việc xây dựng nhà ở theo mẫu thiết kế sẽ không tránh khỏi vướng mắc, nếu thiếu định hướng thống nhất ngay từ đầu.

Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng cho biết, nhận thấy một số vấn đề bất cập, chính quyền thị xã đã mời đại diện các sở, ngành chức năng của thành phố về nghiên cứu, xem xét. Do e ngại điều chỉnh quy định về khoảng lùi sẽ phá vỡ cảnh quan, không gian di tích, đại diện các ngành chức năng chưa đồng ý với đề xuất của địa phương. "Trước những cái khó như thế, thị xã Sơn Tây mong muốn được các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho địa phương quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm theo cơ chế đặc thù. Cơ chế này cụ thể như thế nào thì các bên liên quan sẽ bàn bạc, xây dựng và thống nhất. Với các công trình nhà ở xây dựng không phép hoặc sai phép, thị xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng khảo sát, nghiên cứu để tìm ra hướng giải quyết hợp lý, hợp tình" - ông Đặng Vũ Nhật Thăng nói.

Vậy là sau hơn 10 năm đón nhận danh hiệu di tích quốc gia, công tác quản lý, bảo tồn di tích làng cổ ở Đường Lâm vẫn còn nhiều việc phải làm. Mục tiêu đưa Làng cổ Đường Lâm trở thành di sản văn hóa thế giới sẽ xa vời nếu thiếu các giải pháp bảo tồn, phát triển đúng hướng từ phía các cơ quan chức năng cũng như mỗi người dân Đường Lâm ngay từ hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Di tích đặc thù cần được quản lý theo cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.