(HNM) - Những
Nếu đầu tư TTBYT đáp ứng đúng nhu cầu sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, song nếu chỉ vì lợi nhuận thì lại vô cùng lãng phí. Không chỉ vậy, thiết bị không bảo đảm còn gây tác hại về chất lượng điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
Nhiều thiết bị hỏng vẫn được xuất cấp
Kết thúc quá trình thanh tra công tác quản lý nhà nước về trang thiết bị và công trình y tế (TTB&CTYT) của ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2014, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện Công ty TNHH MTV Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam chưa thực hiện tốt nhiệm vụ dự trữ quốc gia về TTBYT. Đơn vị này được giao bảo quản 78 loại với 576 TTBYT dự trữ quốc gia. Giai đoạn 2011-2014, Công ty đã ký hợp đồng với 3 đơn vị: Công ty cổ phần TTBYT Medinsco, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Vimec và Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco để quản lý TTBYT dự trữ quốc gia, nhưng chưa thực hiện đúng trách nhiệm được giao. Nhiều TTBYT hết hạn sử dụng, kém chất lượng… không được phát hiện kịp thời, báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến xử lý. Nhiều thiết bị hư hỏng, chất lượng kém vẫn được xuất cấp cho các đơn vị và khi cấp phát không lập biên bản bàn giao, không trả phiếu xuất kho gây bức xúc, hoài nghi tại cơ sở tiếp nhận.
Khi Thanh tra Chính phủ "sờ gáy" Ban Quản lý dự án hỗ trợ y tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ - Bộ Y tế (PMU) cũng phát hiện gói thầu mua sắm một số thiết bị chưa sát với thực tế. Còn khi kiểm tra các sở y tế: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình, Bình Định và Bình Dương, thì đến 4/5 sở y tế không thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về việc đầu tư, mua sắm, quản lý TTB&CTYT; 2/5 sở không thành lập Đoàn kiểm tra hoặc Tổ kiểm tra giám sát các hoạt động về quản lý và sử dụng TTBYT. Một số bệnh viện (BV) như: Nội tiết trung ương, Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, K trung ương không thành lập Hội đồng khoa học kỹ thuật cấp cơ sở để thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật đối với các thiết bị công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp.
"Cục vàng" hay đống sắt vụn?
Kiểm tra 5 BV trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, gồm các BV: Nhi đồng 2, Tai Mũi Họng, Bình Dân, Chấn thương chỉnh hình và Trưng Vương cho thấy, các gói thầu không nêu yêu cầu về năm sản xuất, không nêu cụ thể về yêu cầu chứng chỉ quản lý chất lượng ISO đối với nhà sản xuất, dẫn đến hồ sơ của đơn vị trúng thầu không có chứng chỉ ISO. Tại BV Răng Hàm Mặt trung ương TP Hồ Chí Minh, một số gói thầu không nêu yêu cầu về năm sản xuất của thiết bị, dẫn đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm TTBYT năm 2012, nhưng thiết bị trúng thầu được sản xuất năm 2009, 2010. Đối với BV Răng Hàm Mặt trung ương TP Hồ Chí Minh và BV K trung ương, việc bàn giao thiết bị thực hiện chưa chặt chẽ, nhiều thiết bị khi bàn giao, không ghi số sê ri máy, thiếu tờ khai hải quan nhập khẩu thiết bị… Qua kết quả kiểm tra này, dư luận lo lắng về nguy cơ kết quả xét nghiệm không chính xác do hệ thống máy móc, thiết bị không bảo đảm quy chuẩn được "tuồn" vào các cơ sở y tế.
Đề cập đến vấn đề TTBYT cũ đã qua sử dụng, bác sĩ Chu Thanh Hương (BV Đại học Y Hà Nội) cho rằng, TTBYT ở nước ngoài khi đã loại bỏ mà ta mang về thường rơi vào những trạng thái, lạc hậu về kỹ thuật, nếu chúng ta dùng thì đừng hy vọng phát triển nền y tế. Ngay cả với TTBYT hiện đại có thể là "cục vàng" đối với y khoa nhưng nếu thiếu người có khả năng khai thác thì cũng chỉ là... đống sắt vụn.
Chờ… lời giải đáp
Một thời gian dài, ngành Y tế thực hiện theo chuẩn nên đã đầu tư ồ ạt trang thiết bị cho tất cả các tuyến y tế, chưa xem xét đến yếu tố con người, khiến tình trạng máy về nhưng chưa có người sử dụng. Nhiều chuyên gia cho rằng, không nhất thiết cứ phải đầu tư trang thiết bị, trong khi cơ sở chưa sẵn sàng về nhân lực, trình độ chuyên môn và nhu cầu thực tế của người dân để bảo đảm thiết bị ấy được khai thác một cách hiệu quả.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, tại hầu hết BV đa khoa tuyến tỉnh, huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm, phụ trách công tác TTBYT rất thấp, chỉ có 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Nhiều cơ sở y tế sử dụng TTBYT chưa hiệu quả, thậm chí lãng phí, gây ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân.
Hơn 90% TTBYT ở Việt Nam được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó đủ nói lên tầm quan trọng của việc kiểm soát đầu vào, quản lý sử dụng những thiết bị có liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân. Thế nhưng, trước hàng loạt sai phạm từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp kinh doanh, đơn vị sử dụng mặt hàng đặc biệt này, khiến dư luận hoài nghi. Chất lượng thực tế của những loại máy móc, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế hiện nay nơi nào đáng tin cậy? Những "lỗ hổng" khiến một số doanh nghiệp lợi dụng để nhập khẩu những máy móc cũ được "phù phép" để kiếm siêu lợi nhuận bao giờ được khỏa lấp?
Kết quả thanh, kiểm tra, xác minh tại 7 doanh nghiệp sản xuất, 17 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu TTBYT, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 4/7 doanh nghiệp kinh doanh một số TTBYT do công ty sản xuất khi chưa được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm; 2/7 doanh nghiệp có sản phẩm sản xuất hết hạn đăng ký lưu hành... Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu TTBYT phát hiện 8/17 doanh nghiệp không thực hiện báo cáo về tình hình nhập khẩu TTBYT hằng năm gửi Bộ Y tế; 4/17 doanh nghiệp có một số cán bộ, nhân viên phụ trách về kỹ thuật chưa có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành về TTBYT. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.