(HNM) - Ngày 18-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thay thế Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 21-6-2007.
Điều chỉnh quy hoạch...
Theo Quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007, Hà Nội sẽ phải di dời 197 khu dân cư với 30.230 hộ dân, tương ứng 129.567 nhân khẩu, diện tích 2.854,87ha, tổng chi phí khoảng 100.000 tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho việc quản lý hệ thống đê điều, khai thác hiệu quả diện tích đất ven sông, huy động các nguồn lực phục vụ công tác di dời…, TP Hà Nội đề xuất Bộ NN&PTNT thỏa thuận xây mới tuyến đê hữu Hồng, đoạn qua khu vực trung tâm, tịnh tiến ra ngoài bãi sông, dọc theo tuyến chỉ giới thoát lũ. Tuy nhiên đến nay, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có văn bản chấp thuận đề xuất của thành phố.
Trên cơ sở thực tế từ năm 2007 điều kiện khí hậu, thủy văn trên lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình thay đổi do có nhiều hồ thủy điện được xây dựng có tác dụng trị thủy nên năm 2011 Chính phủ đã ban hành Nghị định bãi bỏ các khu phân lũ, chậm lũ. Hầu hết các địa phương trên lưu vực sông cũng đề xuất cho phép quy hoạch, khai thác, sử dụng bãi sông vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình, nhà ở… Ngày 18-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 257/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, thay thế Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 21-6-2007. Đây là cơ sở để các địa phương triển khai biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống lũ cho hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, điểm mới của quy hoạch này là đề cập đến việc quản lý, sử dụng bãi sông, đưa ra quan điểm ứng xử với các khu dân cư hiện hữu, khu vực bãi sông chưa có công trình... Căn cứ quy hoạch này, Hà Nội chỉ phải di dời 9 khu dân cư với 1.900 hộ, thay vì phải di dời 197 khu với 30.230 hộ dân như quy hoạch cũ. Các khu vực còn lại sẽ được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có… Như vậy, có thể thấy đã có hướng mở cho việc quy hoạch, sử dụng hiệu quả đất vùng bãi. Vấn đề là cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cơ quan liên quan.
Khẩn trương vào cuộc
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng: Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18-2-2016 là quyết định tạo đột phá, gỡ nút thắt cho Hà Nội trong nhiều năm bởi phải di dời lượng dân cư quá lớn là thiếu khả thi. Quyết định này đã nhìn thẳng vào sự thật và đưa ra định hướng có tính khả thi cao. Thực hiện Quyết định 257/QĐ-TTg, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung hoàn thành nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết cho từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, nhằm cụ thể hóa các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng khu vực bãi sông, dựa trên các định hướng chung của Quyết định 257/QĐ-TTg. Trong đó, xác định cụ thể các khu vực công trình, nhà ở phải di dời; khu vực dân cư tập trung hiện có; khu vực bãi sông đủ điều kiện xây dựng mới công trình làm cơ sở lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng có liên quan đến sử dụng bãi sông. Sau đó, sẽ hiệu chỉnh Quy hoạch đê điều TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ NN&PTNT phê duyệt trên cơ sở xem xét, đề xuất phương án chọn; đề xuất đầu tư nâng cấp các tuyến đê bảo đảm đủ khả năng chống lũ thiết kế và chống được lũ ở mức nước cao hơn…
Tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với Bộ NN&PTNT vào ngày 16-2-2017, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp để rà soát quy hoạch sử dụng 2.230ha đất bãi sông Hồng khu vực nội thành, trong đó có 804,5ha đang có dân cư sinh sống và quy hoạch xây dựng mới 131,275ha; xây dựng kè bờ sông (lát mái) và làm đường dọc sông Hồng để ngăn chặn hiệu quả vi phạm lấn chiếm bãi sông, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, đô thị. Đối với khu vực ngoại thành, TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT thỏa thuận cho Hà Nội cải tạo, nâng cấp các tuyến đê bối kết hợp làm đường giao thông phục vụ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế và nhu cầu đi lại của người dân sinh sống ngoài vùng đất bãi; phối hợp cùng thành phố rà soát lại quy hoạch sử dụng đất đối với 5.470ha đất bãi sông Hồng, trong đó có 2.172,51ha dân cư hiện hữu…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận những đề xuất của thành phố và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội cùng các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho các địa phương hài hòa lợi ích phòng, chống lũ lụt và quản lý, sử dụng hiệu quả đất bãi ven sông…
Đầu tháng 1-2017, UBND TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung làm Trưởng ban. Việc nghiên cứu quy hoạch chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, lập quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì; Giai đoạn 2, quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn còn lại trên địa bàn thành phố. Các nhà đầu tư được lựa chọn có thể mời thêm nhiều đơn vị tư vấn thiết kế tham gia nghiên cứu, lập nhiều phương án quy hoạch để có thể lựa chọn được phương án khả thi nhất. Quá trình lựa chọn ý tưởng thiết kế sẽ được cơ quan quản lý thực hiện trước ngày 30-3.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.