(HNM) - Thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa (XHH) là hướng đi đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư y tế còn hạn hẹp. Tuy nhiên, để việc thực hiện chủ trương XHH đạt hiệu quả, ngành y tế cần sớm khắc phục những hạn chế, bất cập.
- Xin ông cho biết những kết quả bước đầu trong thực hiện XHH y tế tại Hà Nội?
- Việc thực hiện chính sách XHH y tế tại các bệnh viện (BV) công lập ở Hà Nội bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Về cơ bản, các BV thực hiện liên doanh, liên kết hoặc góp vốn mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) đã chấp hành đúng quy trình, thủ tục được quy định tại Thông tư số 15/2007/TT-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế về đầu tư, lựa chọn đối tác, thẩm định và quyết định dự án, tổ chức quản lý, khai thác dự án sau khi đưa vào sử dụng… Công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia KCB trong các BV công lập đã được chủ động thực hiện…
Thực hiện tốt chủ trương XHH, ngành y tế sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Bá Hoạt |
- Nhiều BV, dù đang trong tình trạng quá tải, phải cho bệnh nhân nằm ghép nhưng vẫn dành diện tích đáng kể tại các buồng bệnh được đầu tư bằng ngân sách nhà nước để kê giường điều trị dịch vụ theo yêu cầu. Ông nghĩ gì về điều này?
- Đó là điều không thể chấp nhận được. Bởi một khi quyền lợi riêng - chung không được giải quyết hài hòa, thiếu công khai, minh bạch thì tất yếu tạo ra sự mặc cảm, thái độ phản ứng từ phía người bệnh. Cách thức nói trên không tạo ra sự công bằng giữa người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế và người bệnh thanh toán theo giá dịch vụ. Theo hướng dẫn của Sở Y tế về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, cơ sở vật chất thực hiện XHH phải không liên quan đến BV công, có nguồn nhân lực riêng. Trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được quy định đó.
- Vậy theo ông, làm thế nào để đưa việc triển khai XHH y tế tại các BV công về đúng quỹ đạo, nhất là tránh tạo ra sự nhập nhèm riêng - chung?
- Vấn đề XHH có mặt tích cực và tiêu cực, cần được nhìn nhận một cách toàn diện. Đơn vị nào tuân thủ quy định, tài chính thu chi công khai minh bạch, tự giám sát... người đứng đầu có biện pháp quản lý, giám sát chặt thì khó xảy ra "chuyện này, chuyện kia". Về nguyên tắc, những tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục nhằm bảo đảm hài hòa quyền lợi chính đáng của BV, người bệnh và nhà đầu tư, trong đó quyền lợi của người bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, biểu dương và nhân rộng những mô hình hoạt động XHH có hiệu quả, cung ứng những dịch vụ y tế chất lượng cao, cần xử lý nghiêm các cơ sở y tế công lập vi phạm chính sách và quy định của Nhà nước, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện đúng chủ trương XHH dịch vụ y tế, tạo chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo, cán bộ trực tiếp thi hành nhiệm vụ, nhà đầu tư và người bệnh.
- Nhiều ý kiến cho rằng, công tác XHH hoạt động y tế vẫn còn tồn tại bất cập là do sai phạm chưa được xử lý, chấn chỉnh kịp thời sau những lần thanh tra, kiểm tra…
- Hầu hết những đơn vị để xảy ra sai sót là do chưa tuân thủ đầy đủ quy định, hướng dẫn; công tác giám sát, tự kiểm tra và vai trò của người đứng đầu, của tập thể chưa rõ ràng. Đây cũng là vấn đề được ngành y tế rất quan tâm, tìm cách chấn chỉnh trong thời gian tới. Trước hết, việc cần làm là tăng cường thanh tra - kiểm tra tại các cơ sở thực hiện chủ trương XHH y tế. Tới đây, Sở Y tế sẽ yêu cầu các BV rà soát lại công tác XHH y tế, đơn vị nào còn tồn tại, sai sót thì phải kịp thời chấn chỉnh. Sở Y tế sẽ tăng cường các đợt thanh - kiểm tra định kỳ, đột xuất và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những đơn vị còn để xảy ra tình trạng công - tư không minh bạch. Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, bảo đảm nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người bệnh và các bên đối tác. Các đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai danh mục và mức thu của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để người bệnh biết, lựa chọn. Nghiêm cấm phía BV công gợi ý, ép buộc người bệnh sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế bằng thiết bị liên doanh, liên kết trong khi tại đơn vị có loại thiết bị đó và còn đủ khả năng đáp ứng. Công tác XHH cần phải tách bạch riêng - chung một cách rõ ràng, cả về nhân lực và cơ sở vật chất…
- Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, việc đưa loại hình khám dịch vụ "ra ở riêng" liệu có thể thực hiện một cách dứt điểm?
- Việc không cho các phòng bệnh KCB theo hình thức tự nguyện, dịch vụ "ở chung" trong khu công lập thể hiện sự minh bạch, đây là điều cần phải thực hiện. Có thể, trước mắt, các BV sẽ gặp khó khăn trong triển khai nhưng Hà Nội cần quyết tâm thực hiện bằng được phần việc này. Dứt khoát phải chấm dứt chuyện một bên thì thái độ phục vụ niềm nở, còn bên kia thì thờ ơ, cáu gắt.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.