Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Cần triển khai có lộ trình, khoa học

Đình Hiệp| 30/12/2021 06:12

(HNM) - Không thể phủ nhận những kết quả tích cực mà việc triển khai Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 (Nghị quyết 653) đem lại, song từ thực tiễn tại các địa phương cho thấy, công tác sắp xếp vẫn còn một số bất cập cần sớm được tháo gỡ. Trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, việc sắp xếp các đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 cần được triển khai có lộ trình, bài bản và khoa học để phù hợp với thực tế và đem lại hiệu quả cao nhất.

Quang cảnh Hội nghị giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2021” tại huyện Phú Xuyên.

Tháo gỡ vướng mắc từ thực tế

Việc triển khai Nghị quyết 653 trên địa bàn Hà Nội đã nhận được sự đồng thuận rất lớn từ cấp ủy, chính quyền các cấp đến đa số người dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp. Tuy nhiên, trong đợt giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, vẫn còn nhiều ý kiến từ thực tế tại các địa phương gặp phải trong và sau quá trình triển khai thực hiện. Đây là những kiến nghị cụ thể, thiết thực để Quốc hội xem xét trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn cả nước.

Cho rằng sau sáp nhập với khối lượng công việc của cán bộ, công chức tăng lên nhiều, Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Minh Hương kiến nghị, trong lộ trình tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cần quan tâm thêm chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách và cán bộ cơ sở, bởi mức hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung của xã hội. Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư xây mới nhà sinh hoạt cộng đồng, bởi sau khi sáp nhập dân cư tăng khiến địa điểm sinh hoạt cũ không đủ sức chứa cho các hoạt động chung.

Để việc sắp xếp trong giai đoạn tới hiệu quả, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho rằng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cần có một khoảng thời gian nhất định để xây dựng phương án cụ thể, đồng thời đánh giá tác động của mọi mặt đời sống xã hội. 

“Song song với sắp xếp đơn vị hành chính thì việc đo đạc, cắm mốc, xác định đường địa giới hành chính mới cần được triển khai thực hiện nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý hành chính. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần tạo điều kiện và có cơ chế hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ do tác động của việc thay đổi địa giới hành chính theo quy định”, đồng chí Nguyễn Quang Trung kiến nghị.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong giải quyết khó khăn sắp xếp cán bộ dôi dư, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Xuyên Lê Thanh Hải cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn tiếp theo cần chú ý đến thời gian thực hiện. Trong đó, cần thực hiện vào cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng vào năm 2024 hoặc 2029 là phù hợp cho công tác sắp xếp cán bộ.

Nhất trí với quan điểm này, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh kiến nghị, đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chí về diện tích hoặc dân số thì chưa tiếp tục sắp xếp và cần có lộ trình thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách đối với người nghỉ công tác khi thực hiện sắp xếp để bảo đảm thuận lợi trong bố trí sắp xếp đội ngũ.

Gắn sắp xếp với xây dựng chính quyền đô thị

Phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chiều 24-12 vừa qua liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 653, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, do các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống văn hóa của Thủ đô, mặt khác thành phố đang thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nên Hà Nội đề nghị Trung ương cho phép chưa tiếp tục thực hiện sắp xếp 5 đơn vị hành chính cấp xã còn lại trong giai đoạn hiện nay.

“Đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích của đơn vị hành chính các cấp được quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25-5- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do tiêu chuẩn hiện nay quá cao so với thực tế tại các địa phương, đặc biệt là tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Hà Nội”, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai, những ý kiến, kiến nghị của các địa phương trong đợt giám sát vừa qua cũng như báo cáo giải trình làm rõ của UBND thành phố Hà Nội là những kinh nghiệm quan trọng. “Đoàn giám sát sẽ đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội các kiến nghị từ thực tiễn tại Hà Nội, lộ trình tiếp tục triển khai thực hiện cũng như việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022-2030”, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc sắp xếp trong giai đoạn tới cần tính đến các yếu tố như lịch sử, văn hóa, tôn giáo, địa lý vùng miền…, đồng thời gắn với xây dựng chính quyền đô thị của Hà Nội.

Rõ ràng, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Hà Nội đã đem lại hiệu quả thiết thực nhờ sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận của người dân. Để việc sắp xếp trong giai đoạn tiếp theo không chỉ tại Hà Nội mà nhiều địa phương khác mang lại hiệu quả thực sự, góp phần nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền ở địa phương và phục vụ nhân dân tốt hơn thì những kiến nghị thỏa đáng trên rất cần được quan tâm tháo gỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Cần triển khai có lộ trình, khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.