(HNM) - Thực tế cho thấy, để giải bài toán quá tải trường học không chỉ phụ thuộc vào vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô, mà còn rất cần sự chung sức của nhiều lực lượng trong xã hội.
Khó khăn trong huy động xã hội hóa
Là một trong những đơn vị luôn luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp “trồng người”, mỗi năm, huyện Thanh Trì dành từ 200 đến 300 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục, song mạng lưới trường lớp trên địa bàn vẫn thiếu so với nhu cầu. Ngoài nguyên nhân do quy mô học sinh tăng nhanh tại các xã có nhiều khu đô thị mới, những khó khăn trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp của huyện Thanh Trì còn bị vướng bởi Luật Đê điều. Một số trường học thuộc các xã ngoài bãi sông Hồng như Yên Mỹ, Vạn Phúc, Duyên Hà... nhiều năm nay luôn ở trong tình trạng thiếu phòng học, phòng chức năng, cơ sở vật chất lạc hậu, cũ kỹ. Trường THCS Vạn Phúc xây dựng cách đây hơn 30 năm, phòng học bé, nhưng sĩ số học sinh trung bình đều gần 50 học sinh/lớp, các lớp phải học 2 ca sáng - chiều. Xã Vạn Phúc có khu đất rộng 18 nghìn mét vuông có thể bố trí để xây trường mới, nhưng nhiều năm qua chưa triển khai được do nằm trong hành lang thoát lũ của thành phố.
Trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) vừa được xây dựng khang trang. Ảnh: Anh Tuấn |
Không thiếu phòng học, nhưng ba năm gần đây, học sinh Trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh) phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn khi phòng học xuống cấp, trần và tường nhà rạn nứt, mỗi khi mưa nhỏ cũng khiến nhiều phòng học bị thấm dột... Hiệu trưởng Vũ Thị Thủy cho biết, năm học trước nhà trường đã huy động xã hội hóa để tu sửa các phòng học cũ, nhà vệ sinh, hệ thống cửa..., nhưng do cơ sở vật chất đã quá lạc hậu, nên cũng chỉ là tạm bợ.
Tại quận Tây Hồ, 100% số phường của quận đã có đủ hệ thống trường công lập ở ba cấp mầm non, tiểu học và THCS, song với tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, hầu hết các lớp học đều vượt quá sĩ số theo quy định. Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, quy mô dân số khoảng 160 nghìn dân và đang tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu đô thị là một áp lực không nhỏ đối với hệ thống giáo dục. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, toàn quận sẽ xây dựng mới từ 27 đến 33 trường công lập. Riêng tại các khu đô thị, lãnh đạo quận đã ban hành quy hoạch riêng, trong đó “điểm mặt, chỉ tên” 15 địa điểm để xây dựng trường học cho từng cấp học. Tuy nhiên, ngoài phần kinh phí dự kiến từ nguồn ngân sách là gần 600 tỷ đồng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Tây Hồ đang đối diện với thách thức về việc huy động các nguồn lực xã hội hóa.
Ưu tiên cấp học mầm non
Với tỷ lệ 45% số trường đạt chuẩn, thấp hơn 12% so với tỷ lệ chung của toàn thành phố, đến nay, mầm non vẫn ở vị trí “đội sổ” về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong các cấp học. Hà Nội còn 3 phường chưa có trường mầm non công lập là Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm), Mỹ Đình 2, Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), chưa kể tới hàng chục khu đô thị còn thiếu trường...
Với quan điểm mầm non là cấp học đầu đời, tạo nền tảng để trẻ phát triển toàn diện khi tiếp tục học ở cấp học cao hơn, lãnh đạo thành phố đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc phát triển của giáo dục mầm non. Tinh thần ấy được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh tại phiên họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố hồi đầu tháng 7 vừa qua, với yêu cầu trong quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải tập trung quan tâm xây dựng trường mầm non, bảo đảm chất lượng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Trong Kế hoạch số 143/KH-UBND về phát triển giáo dục mầm non, TP Hà Nội đã xác định một trong những giải pháp trọng tâm để giải bài toán quá tải đối với giáo dục mầm non là ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường, nhất là tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư. Ngoài ra, với đặc thù của các trường khu vực nội thành có nhiều hạn chế về quỹ đất, Hà Nội sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh tiêu chuẩn thiết kế trường mầm non, nâng tầng, bổ sung phòng học, gom điểm lẻ... Việc đầu tư, xây dựng trường học tại các khu đô thị, khu đông dân cư được xác định là mục tiêu trọng tâm, trong đó cần xác định rõ quỹ đất để ưu tiên xây dựng trường học.
Theo ông Phan Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, với dân số trên 41 vạn người và đang ngày càng tăng nhanh, tình trạng sĩ số học sinh/lớp vượt quá điều lệ trường học, nhất là ở cấp học mầm non đã trở nên phổ biến, quận đã rà soát quỹ đất công để xây dựng trường học, tìm giải pháp mở rộng diện tích trường học hiện có. Thời gian vừa qua, quận Đống Đa đã thanh tra 19 đơn vị có dấu hiệu sử dụng sai mục đích, chậm triển khai dự án, xử lý nghiêm khắc một số dự án sử dụng đất sai mục đích, đồng thời kiến nghị chuyển sang đất xây dựng trường học một số địa điểm.
Có thể thấy, mục tiêu phấn đấu huy động 50% số trẻ nhà trẻ, 100% số trẻ mẫu giáo ra lớp, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu chỗ học vào năm 2020 đang là một thách thức không nhỏ đối với ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô. Với đặc thù, khó khăn riêng của từng địa phương, để giải quyết bài toán quá tải trường học, ngoài sự nỗ lực của ngành Giáo dục và Đào tạo, rất cần sự chung sức của nhiều lực lượng trong xã hội. Nếu không kịp thời có giải pháp hữu hiệu và quyết liệt, bài toán quá tải trường học sẽ vẫn là điệp khúc mỗi khi bước vào năm học mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.