(HNM) - Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện (BV) là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Ngành Y tế trong bối cảnh người dân chưa thực sự hài lòng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các BV. Tuy nhiên, Ngành Y tế cần phải triển khai thêm nhiều giải pháp mới mang tính tổng thể, đồng bộ, khả thi
Hiệu quả của những giải pháp tình thế
Không thể giải quyết vấn đề nằm ghép ngay lập tức, nhiều BV đang cố gắng thực hiện chỉ đạo giảm tải của Bộ Y tế bằng nhiều cách như: Tăng khả năng khám sàng lọc, người bệnh nhẹ thì điều trị ngoại trú hoặc chuyển xuống tuyến dưới, tăng thêm giường, điều phối bệnh nhân từ khoa đông bệnh nhân sang khoa vắng...
Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh. Ảnh: Bá Hoạt |
Một cán bộ của BV Mắt trung ương chia sẻ, việc để bệnh nhân nằm ghép là điều không mong muốn. Tuy nhiên, số lượng giường bệnh của BV có hạn trong khi lượng bệnh nhân đến điều trị rất đông. BV đang cố gắng làm hết sức để giảm tải, nhưng đây là việc cần cả quá trình chứ không thể giải quyết triệt để trong ngày một, ngày hai. Trước mắt, BV đã áp dụng cách san tải giữa các khoa, phòng, tránh để xảy ra trường hợp nơi quá tải, nơi giường trống. Chẳng hạn, tại Khoa Nhi cũng có thể kê xen kẽ cả giường bệnh dành cho người già.
Còn tại BV Nhi trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 - 2.000 trẻ được đưa đến khám. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng, trẻ mắc các bệnh hô hấp và tiêu hóa nhập viện rất đông. Để tránh tình trạng nằm ghép, BV đã tập trung các bác sĩ giỏi, tăng buồng khám tại Khoa Khám bệnh để phân loại bệnh nhân. Tại khu nội trú, BV triển khai thêm 300 giường bệnh. Các đơn vị nội trú thực hiện thống kê số lượng người bệnh tại ba thời điểm (8h, 11h và 16h) để điều chỉnh linh hoạt lượng bệnh nhân tại các khoa, phòng.
Để hạn chế tình trạng nằm ghép, thời gian qua, BV Đa khoa Hà Đông cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó triển khai hiệu quả việc tăng số lượng giường bệnh. Từ 570 giường bệnh cố định, BV đã cố gắng tăng lên thành 729 giường bằng cách kê linh hoạt giữa các khoa. Khoa đông bệnh nhân thì sẽ được bố trí thêm giường bệnh để giải quyết tình trạng quá tải.
Còn tại BV Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết, trong tháng 9 này, BV sẽ hoàn thành việc chuyển bớt bệnh nhân ở các khoa, phòng quá tải về tòa nhà mới 21 tầng. Mặt khác, BV sẽ thực hiện chuyển bệnh nhân đã hồi phục về tuyến dưới để chăm sóc. “Tới đây, chúng tôi sẽ thực hiện bình bệnh án, lấy mốc ngày điều trị trung bình là 14 ngày. Đối với bệnh nhân đã điều trị nội trú trên 14 ngày thì phải có đánh giá bệnh án. Qua đánh giá, những bệnh nhân có sức khỏe ổn định sẽ được liên hệ để chuyển về số BV tỉnh đã được BV Bạch Mai chuyển giao công nghệ”, TS Dương Đức Hùng nói.
Tuy nhiên, điều khiến TS Dương Đức Hùng lo ngại là việc chuyển bệnh nhân về tuyến dưới không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được một cách triệt để. Chẳng hạn như tại Khoa Thần kinh, nơi trung bình mỗi buổi tối tiếp nhận khoảng 30 - 40 bệnh nhân cấp cứu. Vì BV là tuyến cuối cùng về tai biến thần kinh, các tuyến dưới chưa có khoa chuyên biệt nên rất khó để liên hệ chuyển bệnh nhân nhằm giảm tải. Trên thực tế, khi muốn giảm lượng bệnh nhân, liên hệ để chuyển tuyến thì cũng chỉ thực hiện được với 10 - 15 bệnh nhân, chủ yếu là chuyển về các BV ngay tại Hà Nội như Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn hay Đống Đa.
Sau khi các công trình thuộc 15 dự án trọng điểm mới đưa vào sử dụng như Trung tâm Ung bướu và Tim mạch trẻ em (BV Bạch Mai); Khu điều trị 15 tầng (BV Nhi trung ương); BV Nội tiết; Trung tâm Ung bướu (BV Chợ Rẫy); BV trung ương Huế; Tòa nhà kỹ thuật cao BV Hữu nghị Việt - Đức, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí... Ngành Y tế đã có thêm được 4.765 giường bệnh. Ngoài ra, ngành đang tiếp tục khởi công xây mới một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn như: Cơ sở 2 của BV Bạch Mai và Hữu nghị Việt - Đức; BV Chấn thương chỉnh hình 175; BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh và BV Nhi Hà Nội. |
Sẽ xóa giường dịch vụ
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, Ngành Y tế phải tiếp tục nhân rộng mô hình BV vệ tinh, nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, đầu tư thêm giường bệnh và đào tạo thêm nhiều bác sĩ. Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, cải tạo và mở rộng thêm các BV, tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân. Cùng với đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tiếp nhận và xử lý tốt thông tin đường dây nóng, rút ngắn số ngày điều trị nội trú một cách hợp lý. “Không thể chấp nhận được việc bệnh nhân phải nằm ghép ba người, nằm ở hành lang, lối đi. BV phải tiết giảm và tiến đến xóa giường dịch vụ ngay trong phòng bệnh. Ngoài ra, các dịch vụ xã hội hóa, dịch vụ theo yêu cầu cũng phải được thực hiện riêng biệt, minh bạch. Tới đây, Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về việc điều trị ban ngày, góp phần giúp các BV giảm tải tốt hơn tại khu vực điều trị nội trú”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Chỉ đạo mang tính "quyết liệt" này của Bộ Y tế xuất phát từ một thực tiễn đáng suy nghĩ hiện nay là trong khi phòng bệnh thông thường quá tải, thì vẫn còn một quỹ giường bệnh không nhỏ dành cho dịch vụ, thậm chí có khoa dành tới gần 30% số giường bệnh làm dịch vụ. Giường dịch vụ hiện đang mang lại khoản thu lớn cho các bệnh viện với giá dao động khoảng 200.000 - 2.500.000 đồng/giường.
Khẳng định rằng tình trạng quá tải đang dần được khắc phục, TS Dương Đức Hùng cho biết, trước đây, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán ở mức thấp nên "nguồn thu từ giường dịch vụ dùng để bù đắp cho giường kế hoạch. Nhưng, hiện nay, Quỹ BHYT đã thanh toán đủ nên Ban Giám đốc BV sẽ tiến tới xóa giường dịch vụ trong các phòng bệnh. Lãnh đạo BV cũng quán triệt với các khoa, phòng, là nếu tình trạng quá tải ở mức từ hơn 10% thì không chấp nhận giường dịch vụ để ưu tiên cho bệnh nhân khám thường và bệnh nhân BHYT. Cùng với việc sắp xếp giường cho bệnh nhân một cách hợp lý, BV Bạch Mai cũng triển khai việc sắp xếp giờ thăm nuôi bệnh nhân theo hướng chặt chẽ hơn. Hiện nay, Viện Tim mạch đã thực hiện phát thẻ để giảm số lượng người nhà vào chăm sóc, thăm nom, hạn chế tình trạng lộn xộn trong BV, làm ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân...
Thẳng thắn nhìn nhận, các BV đã rất nỗ lực để giảm tải trong thời gian qua. Tuy nhiên, để giải “bài toán” quá tải thì không thể chỉ có lời cam kết “trên giấy” mang tính hình thức hoặc áp dụng những giải pháp tình thế như "san" bệnh nhân giữa các khoa, phòng hoặc kê thêm giường ở hành lang... Điều quan trọng hơn cả là công tác giảm tải phải được thực hiện một cách quyết liệt dựa trên giải pháp khả thi, phù hợp điều kiện thực tế, đặc biệt là cải thiện chất lượng hệ thống cơ sở vật chất của các BV. Có như vậy thì mới mong hết cảnh nằm ghép và bệnh nhân mới hết khổ được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.