Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Biến mục tiêu thành hiện thực

Nguyễn Mai| 10/06/2018 07:47

(HNM) - Mới đây, trong Báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU đã đề ra phương hướng phấn đấu đến năm 2020.

Ứng dụng công nghệ cao trồng cây dưa lưới tại xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt


Nỗ lực thực hiện mục tiêu

Theo Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, mục tiêu cốt lõi trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020" (Chương trình 02) là phải nâng cao đời sống người dân. Trong đó, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo được xem là những tiêu chí nền tảng cho việc nâng chất lượng các tiêu chí còn lại của nông thôn mới.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, mở rộng vùng chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 đến 4%/năm trở lên; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề và các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa với tổng diện tích còn lại khoảng 772ha tại 4 huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh, Mỹ Đức và hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn đổi ruộng với 6.157 giấy chứng nhận ở 10 huyện. Đồng thời, hoàn thành dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng đang triển khai đồng bộ kế hoạch tái cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp Thủ đô giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 7111/QĐ-UBND ngày 24-12-2015 của UBND thành phố; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản...

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương đăng ký về đích nông thôn mới; tập trung tu bổ đê điều, hệ thống thủy lợi để chủ động ứng phó thời tiết bất lợi; xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung gia súc, gia cầm; xử lý nước thải, cấp nước sạch; tích cực giảm danh sách xã trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự...

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Đến nay, TP Hà Nội đã có 4 huyện và 294 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đã được công nhận đạt chuẩn đều quan tâm chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới để có hướng đầu tư, thực hiện phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, để các xã và huyện còn lại sớm về đích nông thôn mới đúng kế hoạch, theo lộ trình, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo 4 huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất triển khai thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới và hoàn thành trong năm 2018. Đồng thời, tập trung chỉ đạo 3 huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Oai phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2019; thị xã Sơn Tây hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong hai năm 2019-2020.

Mục tiêu phấn đấu không dừng lại ở số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới mà quan trọng hơn là phải hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết, hiện nay địa phương tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.

Để hoàn thành mục tiêu này, xã đã chỉnh trang hạ tầng nông thôn như: Trồng hoa, cây xanh; vẽ tranh, làm xanh, sạch, đẹp làng quê; đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; chuyển trọng tâm đầu tư vào sản xuất để tăng thu nhập cho nhân dân nhằm duy trì và tạo sự chuyển biến vững chắc hơn trong xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ Song Phượng, các xã khác của huyện Đan Phượng gồm xã Đan Phượng và Liên Trung cũng đang thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến, cuối năm 2018 cả 3 xã này sẽ hoàn thành để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện.

Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, TP Hà Nội đã chọn 2 xã Đông Hội (huyện Đông Anh) và Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) xây dựng đề án thí điểm xây dựng xã nông thôn mới điển hình tiên tiến gắn với đặc thù khu vực thành thị và khu vực nông thôn. TP Hà Nội cũng đã giao các sở, ngành tham mưu để UBND thành phố sớm ban hành bộ tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể về xã nông thôn mới nâng cao, điển hình để các xã này có căn cứ triển khai thực hiện.

Chia sẻ và góp ý với TP Hà Nội, Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương Nguyễn Minh Tiến cho rằng, bằng mọi cách, Hà Nội phải tạo ra một môi trường nông thôn thật sự xanh - sạch - đẹp. An ninh trật tự phải được giữ vững, bên cạnh yếu tố giàu và đẹp, nông thôn mới còn phải là nơi yên bình, đáng sống.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Biến mục tiêu thành hiện thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.