Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược

Võ Lâm| 29/04/2021 06:15

(HNM) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược. Những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm tới.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược được đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Quang Thái

Kết cấu lại và bổ sung những nội dung mới

Từ kinh nghiệm tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XII, Đảng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của việc quán triệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng tách nội dung "Những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII" thành một mục riêng - mục XV.

So với Báo cáo chính trị Đại hội XI, XII, những nhiệm vụ trọng tâm trình bày trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII được kết cấu lại và bổ sung những nội dung mới. Đó là 6 nhiệm vụ trọng tâm: (1) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ; (2) Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế; (3) Tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế, quốc phòng, an ninh...; (4) Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; tăng cường quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; (5) Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; (6) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điểm mới trong cách sắp xếp và thể hiện nội dung các nhiệm vụ trên là tích hợp các trọng tâm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về phát triển văn hóa, xã hội, con người; tách để nhấn mạnh trọng tâm về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung trọng tâm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ”, Báo cáo chính trị Đại hội XIII bổ sung một số nội dung cấp thiết như: Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”, củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiệm vụ thứ hai về thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, Báo cáo chính trị Đại hội XIII bổ sung, nhấn mạnh những nội dung mới phù hợp với những yêu cầu nảy sinh trong bối cảnh mới. Đáng chú ý là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc xin phòng Covid-19 cho cộng đồng; hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước...

Trong các nhiệm vụ trọng tâm còn lại, nhiệm vụ thứ sáu là nhiệm vụ đã được bổ sung mới. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc thách thức ngày càng nghiêm trọng về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu đối với sự phát triển đất nước, Báo cáo chính trị Đại hội XIII đã xác định: “Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Bổ sung, phát triển các đột phá chiến lược

Bên cạnh đó, văn kiện Đại hội XIII đặc biệt chú trọng việc xác định các đột phá chiến lược phù hợp với điều kiện, yêu cầu 5, 10 năm tới. Báo cáo chính trị xác định 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng nêu 3 đột phá chiến lược trong 10 năm. Giữa Báo cáo chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tuy có những khác biệt trong xác định nội dung cụ thể của từng đột phá chiến lược do tầm bao quát về thời gian khác nhau (5 năm và 10 năm), song đều thống nhất nhận định: 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định (thể chế phát triển kinh tế thị trường; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ) có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng giai đoạn phát triển.

Ba đột phá chiến lược được xác định trong văn kiện Đại hội XIII có sự bổ sung, phát triển rất đáng chú ý. Trong đó, đối với đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, Báo cáo chính trị mở rộng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trong đó thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là trọng tâm. Từ tầm bao quát 10 năm, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mở rộng và nhấn mạnh nội dung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, hiện đại, hội nhập; đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại gắn với xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.

Còn ở đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Báo cáo chính trị xác định hai nội dung cơ bản: (1) Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; (2) Phát triển nguồn nhân lực phải gắn kết chặt chẽ và đặt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài... Những nội dung này được trình bày cụ thể, chi tiết hơn trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Báo cáo chính trị nhấn mạnh hai ưu tiên: (1) Phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 bổ sung ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia.

(Bài viết có sử dụng tư liệu cuốn “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” do Hội đồng Lý luận Trung ương biên soạn).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.