(HNM) - Kể từ khi Lý Công Uẩn lên ngôi và lập ra triều Lý cuối năm 1009 cho đến khi triều Trần lên nắm giữ Đại Việt vào cuối năm 1226 thì ở phía Bắc, đất nước bị giặc Tống xâm lược hai lần song đều bị đánh bại.
Giặc không thể vào được thành Thăng Long và trong suốt 216 năm người dân Kinh thành được sống trong thanh bình. Nhưng Đại Việt luôn bị giặc phương Bắc nhòm ngó và Thăng Long bao giờ cũng là đích nhắm đến của quân thù...
Thăng Long đánh giặc
Triều Trần thay thế triều Lý vào lúc các dân tộc châu Á và châu Âu đang đứng trước một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm của đế chế Mông Cổ. Đó là một đế chế hùng mạnh nhất thời đó đã thôn tính hàng loạt nước ở Đông Á, Trung Á, Tây Á và Đông Âu. Năm 1279 toàn bộ Trung Quốc bị xâm lược rồi sát nhập vào đế chế Mông Cổ và cùng với Mông Cổ, Triều Tiên thành lập đế chế Đại Nguyên.
Trong 60 ngày đêm khói lửa, Mùa đông năm 1946, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng các chiến sỹ tự vệ đã chiến đấu ngoan cường giành giật từng góc phố, căn nhà. Trong ảnh: Chiễn sĩ cảm tử của Trung đoàn Thủ đô. |
Trong vòng 30 năm (1258-1288), đế chế Mông Nguyên đã ba lần mang đội quân hùng hậu xâm lược Đại Việt. Trong lần xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất, quân giặc đã chiếm thành Thăng Long 11 ngày và bị đánh bật ra khỏi thành bằng trận Đông Bộ Đầu diễn ra vào ngày 29-1-1258. Đó là trận quyết chiến kết thúc cuộc chiến chống Mông Nguyên lần thứ nhất và là trận quyết chiến chiến lược đầu tiên trên đất Thăng Long kể từ khi Đại Việt ra đời. Trước sức mạnh và sự hung bạo của quân Mông Nguyên, triều Trần ra lệnh cho quân và dân tạm rút khỏi kinh thành. Trong lịch sử dân tộc thì đây là lần đầu tiên, nhân dân Thăng Long sơ tán để đánh giặc. Trước khi rời khỏi kinh thành, triều đình dã di chuyển tất cả kho tàng vàng bạc, lương thực và tài sản của nhân dân ở 61 phường để thực hiện kế “thanh dã”. Quân giặc dễ dàng chiếm được kinh thành nhưng chỉ còn là tòa thành trống rỗng và chúng chỉ tìm thấy những tên sứ giả bị trói chặt bằng thừng tre. Đó là những tên trước đây giặc Mông Nguyên đã phái sang dụ dỗ, đe dọa buộc nhà Trần phải đầu hàng. Trung thành với truyền thống bất khuất của Đại Việt, Vua Trần sai trói giam những tên sứ giả hỗn xược đó và hạ lệnh cho toàn dân đánh giặc. Lần thứ hai, quân giặc Mông Nguyên chiếm thành hơn ba tháng (18-2 đến khoảng cuối tháng 5-1285). Những trận phản công Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết ở phía nam thành Thăng Long cùng với trận đánh thọc sâu do Trung Thành Vương chỉ huy vào phường Giang Khẩu (phố Hàng Buồm ngày nay) buộc địch phải tháo chạy khỏi Thăng Long. Cũng như lần trước, giặc vào Long thành chỉ thấy vườn không, nhà trống. Lần thứ ba, quân Mông Nguyên chiếm đóng Thăng Long 32 ngày (2-2 đến 5-3-1288). Tinh thần bền bỉ, kiên cường của quân và dân Thăng Long đã khiến chủ soái của giặc là Thoát Hoan từng ngấm đòn trước đây vội rút quân về Vạn Kiếp. Nhưng từ Vạn Kiếp rút về nước, hai cánh quân thủy bộ của chúng vẫn bị quân và dân ta đón đánh làm nên trận Bạch Đằng lịch sử. Qua ba lần thử lửa, Thăng Long xứng đáng là kinh đô anh hùng của nước Đại Việt.
Lợi dụng tình trạng nghiêng ngả của triều Trần, Hồ Quý Ly đã phế bỏ vua Trần và lập ra triều Hồ năm 1400, đổi Thăng Long thành Đông Đô. Cuối năm 1406, vận mệnh của Đại Việt và Thăng Long - Đông Đô bị giặc phương Bắc đe dọa khi Minh Thành Tổ đưa 80 vạn quân xâm lược. Quân Minh đã chọc thủng phòng tuyến của quân đội nhà Hồ ở Ba Vì tiến về thành. Ngày 21-1-1407 Đông Đô thất thủ. Và sau mấy tháng, lực lượng kháng chiến của nhà Hồ tan giã, những người cầm đầu bị giặc bắt khiến cuộc kháng chiến chống giặc Minh do nhà Hồ lãnh đạo thất bại. Dưới ách thống trị của nhà Minh, Đông Đô bị đổi thành Đông Quan. Chúng dựng nên bộ máy chính quyền đô hộ quận Giao Chỉ. Giặc Minh có những hành vi vô cùng man rợ, chúng tính công cho binh lính nếu tên nào mang về xâu tai người nhiều hơn, vì thế có kẻ còn mổ bụng người chửa cắt tai bào nhi để tính thêm một mạng người lấy công. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở ngoại vi nhưng phải chờ đến Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào thì tương quan địch ta mới thay đổi. Đêm ngày 22-11-1426, Lê Lợi đích thân chỉ huy quân tiêu diệt lực lượng phòng vệ ngoại vi và doanh trại ngoài thành Đông Quan rồi sau đó áp sát vây hãm thành, uy hiếp và chặn đường giao thông, ngăn tiếp tế của địch từ bên ngoài vào thành. Sử dụng kế dụ tướng giặc Vương Thông ra hàng. Bên cạnh vận động, thuyết phục thì chính Nguyễn Trãi cũng đã 5 lần vào thành trực tiếp thương lượng với Vương Thông. Lê Lợi cũng cho con trai là Tư Tề cùng Lưu Nhân Chú vào trao đổi con tin với viên tướng này. Cuối cùng Vương Thông tuyệt vọng đã phải xin hàng và rút quân về nước. Ngày 3-1-1427, quân Lê Lợi đã giải phóng hoàn toàn thành Đông Quan. Trong chiến dịch này có hai sự kiện mang ý nghĩa lịch sử là Hội thề Đông Quan ngày 10-12-1427 tại một địa điểm phía nam thành (cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác địa điểm diễn ra Hội thề). Bại tướng Vương Thông và lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn Lê Lợi cùng uống máu ăn thề, Vương Thông cam kết rút quân về nước. Sự kiện thứ hai là trên tinh thần “Lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh”, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cấp hàng trăm chiếc thuyền, hàng nghìn con ngựa và lương thực để 10 vạn quân Minh trong đó có 5 vạn đóng ở Đông Quan về nước. Sau chiến thắng giặc Minh, triều Lê được thành lập và ngày 29-4-1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế vẫn đóng đô ở Thăng Long, khôi phục quốc hiệu Đại Việt.
Lực lượng phòng không bảo vệ Hà Nội chiến đấu kiên cường làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử năm 1972. |
Thời Lê sơ, Thăng Long yên bình nhưng rồi đến đời vua Uy Mục (1505-1509), một vị vua chỉ lo ăn chơi và sự dốt nát của Tương Dực (1509-1516) đã khiến nông dân nổi dậy khởi nghĩa và triều Mạc ra đời vào năm 1527. Khi một lực lượng được tập hợp ở Thanh Hóa dựng lên triều Lê để chống lại triều Mạc thì chính quyền vua Lê - chúa Trịnh đã kéo dài từ năm 1592 đến 1786. Thăng Long trở lại trật tự sau hai lần quân Tây Sơn ra Thăng Long vào năm 1787 và 1788. Lê Chiêu Thống đớn hèn đã trốn khỏi Thăng Long sang cầu cứu nhà Thanh. Quân Tây Sơn lúc này đang đồn trú ở Thăng Long dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Văn Sở hay tin đã quyết tâm “cho chúng ngủ một đêm rồi lại đuổi chúng đi”, sau đó cho rút quân khỏi thành. Tối ngày 16-12-1788, quân giặc bắt đầu vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long. Dưới ách chiếm đóng của quân Thanh, Thăng Long trải qua những ngày tháng đau thương và căm hận, quân Thanh được bọn người Hoa phản động ở Hà Khẩu chỉ dẫn hàng ngày kéo nhau đi cướp phá hãm hiếp, giết người gây nhiều tội ác tầy trời với dân kinh thành. Lê Chiêu Thống và bọn tay chân hiện nguyên hình là tên vua bán nước ươn hèn tàn nhẫn. Dân Thăng Long rỉ tai nhau “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay chưa có ông vua nào luồn cúi đê hèn đến như thế”. Căm ghét quân giặc và bọn bán nước, dân kinh thành càng hướng về lá cờ cứu nước của Quang Trung Nguyễn Huệ. Sáng ngày 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789) quân Tây Sơn cùng một lúc mở hai cuộc tiến công quyết định vào đồn Ngọc Hồi và Đống Đa tiêu diệt toàn bộ quân giặc ở 2 đồn này làm Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử ngay tại sở chỉ huy. Trưa ngày 5 tết, Quang Trung cưỡi voi chiến với chiến bào sạm đen khói súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng vào thành Thăng Long.
Phụ nữ cũng góp công vào chiến thắng
Trong các cuộc chiến đấu chống quân Mông Nguyên, Minh và quân Thanh bảo vệ thành Thăng Long, công lao đầu thuộc về vua và các tướng lĩnh, những người mặc áo giáp xông pha giữa làn tên mũi đạn, trực tiếp chiến đấu với quân thù trên chiến trường còn phải kể đến chiến công của dân binh. Ở đình làng Ngọc Hồi (nay thuộc huyện Thanh Trì) thờ ba anh em họ Lỗ, theo thần tích đã từng chiêu mộ quân lính cùng với triều đình đánh giặc Mông Nguyên giữ làng, giữ xóm.
Song điều đáng khâm phục chính là công lao của những người phụ nữ Thăng Long trong ba cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên đời Trần. Đó là Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ, người sáng lập ra triều Trần và cũng là linh hồn của cuộc kháng chiến. Bà đã đứng ra tổ chức cho hoàng gia và các gia đình tướng sỹ đang chiến đấu ngoài mặt trận rời khỏi kinh thành một cách an toàn. Tại nơi sơ tán, không chỉ lo sắp xếp lại cuộc sống mà bà còn tổ chức thu gom vũ khí cho quân đội. Đình làng Giảng Võ (quận Ba Đình) thờ Quản chưởng quốc khố công chúa Châu Nương (dân gian quen gọi là Bà chúa kho). Tương truyền là người giữ kho Thăng Long, bà đã giấu và phân tán của cải, lương thực trong kho để không lọt vào tay giặc.
Chuyện xưa kể rằng thời giặc Minh xâm lược, ở gần tháp Báo Thiên (nay là Nhà thờ Lớn) có một cô gái hát hay, múa giỏi. Lính Minh thấy lạ đến xem cô múa hát và chỉ chờ có thế, cô đã chuốc rượu cho đám lính say mèm rồi bỏ vào bao tải ném ra sông Cái (sông Hồng). Viên chỉ huy thấy mất quân sinh nghi cho theo dõi và bắt quả tang ca nương đang chở bao tải chứa tên lính say bí tỷ. Chúng cắt tai và treo cổ cô. Khi đuổi được giặc Minh, Lê Lợi nghe chuyện cảm động đã cho lập đền để thờ ca nương yêu nước này. Đền có tên là Đông Hương hiện ở số 82 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm.
Hà Nội anh hùng
Chỉ sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời mấy ngày, những toán quân Tưởng Giới Thạch đầu tiên đã đến Hà Nội. 18 vạn quân Tưởng đã đặt nhiều trạm gác ở Hà Nội hòng cướp quyền kiểm soát thành phố từ tay lực lượng tự vệ non trẻ. Còn thực dân Pháp thì vận động Anh, Mỹ cho phép đặt một phái bộ không chính thức ở Hà Nội. Tình thế vô cùng khó khăn nhưng nhân dân Hà Nội tỉnh táo và bình tĩnh không mắc mưu khiêu khích của quân Tưởng. Giữa tháng 2-1946, Tưởng Giới Thạch thỏa thuận cho tàn quân Pháp bị Nhật đánh đuổi chạy trốn sang Vân Nam (Trung Quốc) trở lại Mường Tè và Phong Thổ (Lai Châu). Rồi sau đó là những cuộc dàn xếp giữa các nước đế quốc để thực dân Pháp quay trở lại thay chân quân Tưởng. Để thực hiện âm mưu xâm chiếm nước ta lần nữa, ngày 17-12-1946, quân Pháp đã xả súng vào người dân ở phố Hàng Bún, phá các ụ chiến đấu của tự vệ Hà Nội ở phố Lò Đúc. Dù vũ khí còn thô sơ nhưng lực lượng vũ trang Hà Nội đã chống trả quyết liệt. Đêm ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đáp lại lời kêu gọi của Người: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa “ quân dân Hà Nội đã mở đầu cho cuộc kháng chiến cả nước chống Pháp. Trong 60 ngày đêm khói lửa, lực lượng vũ trang Thủ đô cùng các chiến sỹ tự vệ đã chiến đấu ngoan cường giành giật từng góc phố, căn nhà. Trong cuộc chiến không cân sức, nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong đó có cả các thiếu niên. Dăm năm trở lại đây, cứ vào ngày 20-12, một ông giáo già mang tiêu ra gốc cây lộc vừng ven hồ Gươm thổi bài Hồn tử sỹ. Trong nước mắt, ông kể chính tại gốc cây lộc vừng, người bạn thân cùng phố của ông khi ấy mới 14 tuổi đã trúng đạn của Pháp, anh dũng hy sinh.
Tháng 10-1954, Pháp phải cuốn gói khỏi Việt Nam, thay chân thực dân Pháp là đế quốc Mỹ. Tháng 4-1968, bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam, Bắc, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải ra lệnh ngừng ném bom Hà Nội và ngồi vào bàn đàm phán ở Pari. Nhưng càng thua càng cắn càn, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã ra lệnh ném bom ồ ạt vào miền Bắc mà trọng tâm là Hà Nội. Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B52, thứ vũ khí được xem là có sức mạnh hủy diệt để răn đe và hòng đánh gục ý chí ngoan cường của người dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Thế nhưng, ngay trận đầu tiên, đêm 18-12-1972 lực lượng phòng không đã chiến đấu rất giỏi, hạ gục tại chỗ B52 trên bầu trời Hà Nội. Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, bắn hạ hàng chục máy bay Mỹ, chính quyền Mỹ đã phải ngừng ném bom Hà Nội. Chiến thắng oai hùng của quân dân Hà Nội được ví như Điện Biên Phủ trên không và thế giới đã gọi Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người.
Có một câu thơ khuyết danh “Thăng Long phi chiến địa. Thiên hạ vạn đại xương”. Thăng Long - Hà Nội không muốn có chiến tranh để người dân đời đời thái bình và hạnh phúc nhưng nếu quân giặc cố tình xâm chiếm thì sẽ phải chuốc lấy thất bại. Và lịch sử 1000 năm qua đã chứng minh điều đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.