Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: “Sao em không khóc?”

Hoàng Định| 05/09/2011 05:54

(HNM) - Khu du lịch Đồ Sơn ngày giữa tuần vắng khách. Xe con lượn lờ tha hồ chọn chỗ. Những chú bé chào mời dưới tàu dừa đánh gió ràn rạt. Nhà hàng Gốc Bến Thốc trông ra cái vụng, xưa là bãi cho thuyền vào đổ cá, một địa điểm khá đẹp ở bãi Một, trông coi là người đàn ông ngót bẩy mươi còn tráng kiện và bà vợ giọng còn trong.

Nhìn cách ra vào mời khách, điều hành bếp, đi lại giữa các dãy bàn, chả thể đoán được thời thanh niên họ đã ra sao. Những con người bình thường giữa thời buổi làm ăn bình thường. Nhưng nếu suy ra từ hoàn cảnh cách nay dăm chục năm, lại cũng có thể đoán họ đã can dự vào chiến tranh, đi đâu đó, nay trở về. Một suy đoán gần đúng. Có điều những sự người đàn ông trải qua phần nào hơi đặc biệt so với những anh lính cùng trà. 

Tàu vận tải Đoàn 125 nhận hàng tại Cảng K20 - Hải Phòng vận chuyển vũ khí phục vụ cho chiến trường miền Nam, năm 1965.

Như những chú bé ở làng Ngọc Hải, lên mười, Đỗ Xuân Tâm đã lội như cá, theo chủ thuyền đi quai đáy, đánh chã tôm. Đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước, anh thành xã viên Hợp tác xã Duyên Hải, đáp thuyền đánh bắt xa hơn. Giấc mơ bay nhảy đưa anh ra Uông Bí phá nhà sàng xây nhà máy điện, rồi về Hà Nội học trung cấp kiến trúc. Giấc mơ vẽ nhà chưa xong thì đất nước rậm rịch chiến tranh. Năm 1963, Tâm nhập ngũ, hải quân lấy về vì quê Đồ Sơn. Đơn vị anh về làm nhiệm vụ đặc biệt, chuyển hàng hóa, vũ khí vào miền Nam đang trỗi dậy sau những năm tháng bị đàn áp, khủng bố. Phải hoàn toàn bí mật, căn cứ K15 ngay Đồ Sơn mà dân không ai biết gì. Đang học từ tàu quân sự, Tâm bắt đầu làm quen với tàu vận tải máy Tây Đức, nước bạn Đông Đức xã hội chủ nghĩa mua lại rồi đem đóng thành tàu ở Trung Quốc.

Tháng 8-1964, thợ máy 1 Đỗ Xuân Tâm xuống tàu 187 của "đoàn tàu không số", tức đơn vị 125. Tàu trăm tấn có 16 người cả y tá, anh nuôi, trang bị ĐKZ, trọng liên 12,7 ly, trung liên RPĐ, B40, B41, thủ pháo chống tăng. Ngoài hàng hóa quân sự, hai hầm hàng và hầm máy gài vài tạ thuốc nổ TNT, lúc nào cũng có thể cho nổ cả tàu. Chuyến đầu tiên vào Vàm Lũng, Rạch Gốc Cà Mau, chỉ ba ngày ba đêm là đến an toàn, trở ra không khó khăn gì. Đây là thời kỳ đi lại còn khá "tự do", địch chưa thể ngờ ta dám mở con đường trên biển.

Chuyến thứ nhì nhằm Tết Nguyên đán năm 1965, vào đất Thạnh Phú - Bến Tre. Sau ba ngày đêm, đúng 3 giờ sáng mồng Một, thiên hạ đang ngon giấc sau giao thừa thì tàu đến vùng biển đã định. Đèn pin trên tay chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch chớp những tín hiệu vào đám cây đen thui trên bờ. Vài phút đợi chờ dài và căng thẳng, rồi những chớp đỏ trong ấy nháy lên trả lời. Xuồng nhỏ lao ra, người leo lên dẫn tàu vào vàm nhỏ phủ đầy dừa nước, lại rẽ vào lạch. Quân Giải phóng ào lên tàu, rưng rưng ôm lính tàu không số rồi hối hả ngụy trang. Chuyến đi đã an toàn, như một trận đánh thành công. Sáng ra Tỉnh ủy Bến Tre đến chúc Tết. Những người lính Bắc lần đầu biết đòn bánh tét, vị cá bống cá kèo, mắm cá sặc. Ngày ra Bắc, nhằm mồng Ba, trên tàu lăn lóc những quả dưa hấu, thứ còn là "trái mùa" với người miền ngoài.

Hai chuyến đi trót lọt trong vài tháng mở ra những triển vọng đáng mừng cho đường biển. Đường bộ máu vẫn đổ nhưng Nam bộ đã được tiếp tế. Địch "mù". Cấp trên phấn khởi, khen ngợi. Khỏi phải nói sự nức lòng của chàng thanh niên ra đi từ làng biển, chỉ vài năm đã lập những chiến công lớn, có điều chả được phép phô với ai.

Rồi hạnh phúc riêng đến. Tâm lấy cô gái cũng quê Đồ Sơn. Mới 21 tuổi nhưng Nguyễn Thị Xuân đã là đảng viên, dày dạn trong công tác địa phương. Phải nói là không có một lý lịch tốt cũng khó thành vợ chiến sĩ tàu không số. Đám cưới diễn ra ngày 28-2-1965 với sự chung vui của cán bộ đoàn, bạn thủy thủ tàu 187. Đang tận hưởng 7 ngày phép bên vợ trẻ, đến ngày thứ 3, anh đã có lệnh về đơn vị. Cuộc chia tay bịn rịn, hẹn về nhanh, mấy chuyến trước có hơn tuần ấy mà… Ai mà ngờ "hơn tuần" lần này kéo ra mười năm.

Sự kiện Vũng Rô (năm 1965) làm lộ đường vận tải biển của ta. Mọi hoạt động của Đoàn 125 bị địch theo dõi nghiêm ngặt, những tuyến đi, dù vòng vèo rất xa, bị phong tỏa, đánh rát. Hạm đội 7 của Mỹ tuần phòng ngoài xa, còn hải quân Sài Gòn săm soi vùng gần bờ. Đài BBC: "Con chim sẻ bay trên hải phận miền Nam cũng bị kiểm soát". Không thể để tiền tuyến cạn tiếp tế, cấp trên chủ trương mở hướng mới, vòng ra ngoài hải phận Việt Nam. Tàu đi xa, trang bị thêm kính thiên văn kết hợp địa văn.

Phần Đỗ Xuân Tâm, dầu phải cắt phép sau đám cưới mà hơn năm trời nữa mới xuất phát chuyến mới. Được ăn ngon "như phi công", mỗi miếng đều ước san sẻ cho người thân đang thiếu thốn, nhưng nào có được liên lạc. Lúc đi, quân tư trang, sổ sách, ghi chép về quá khứ đều "không số", dành cho "kịch bản" mới về lý lịch, đối đáp lúc rơi vào tay địch đã đành. Mà những gói chè, bao thuốc cũng trần như nhộng, không nhãn mác. Sau những chuyến xuôi chèo mát mái, thủy thủ 187 có tâm lý vui vẻ, tự tin.

Sau mấy hôm lênh đênh "dạo chơi" rất xa, ngày 19-6, tàu vòng theo quỹ đạo vô phần đất phía Nam. Chiều tháng sáu trời quang, nước trong vắt, ít sóng, lờ mờ mạn phải hiện ra hình núi non. Côn Đảo đấy, một dấu mốc cho thấy hải trình chính xác. Cứ chạy tiếp thì đến bến sớm quá, Thuyền trưởng Phan Xá cho dừng máy thả trôi. Chiến sĩ cảnh giới trên ca bin báo đằng sau có máy bay "loại NAVY". Nó lượn ba vòng rất thấp để chụp ảnh. Thủy thủ vá lưới, rửa boong như thường. Tâm cầm cái đùi gà vẫy phi công trong buồng lái. Rồi nó bay đi.

7 giờ tối, ngoài Bộ Tổng truyền vào "Thóc đổ bồ!", có nghĩa "Bến êm, vào đi!". Máy tàu có giảm âm khởi động hướng vào đất, chả nghe gầm gào mà rõ tiếng rẽ nước băng băng. Đèn lửa tắt hẳn, vũ khí sẵn sàng. Cửa vào là vàm sông Ba Động, Trà Vinh. Nhưng trong chỉ huy tàu lại có tranh luận. Người xem thiên văn bảo sắp đến, người căn cứ vào đèn biển Vũng Tàu bảo chưa (sau này mới biết cả hai đều đúng, vì tháp đèn Vũng Tàu đã nâng cao thêm 5 mét).

Dầu sao rừng cây ven bờ đã thẫm dần trước mũi. An toàn rồi. Sắp được ôm người của ta trên bờ rồi.

Vui chưa mấy nả, tiếng máy bay rú trên đầu. Thốt nhiên cả con tàu sáng trưng, vùng nước trước sau rõ mồn một. Bên ngoài tàu địch xối xả bắn vào. Bị vây rồi. DKZ, 12 ly 7 trên tàu bắn trả. Thông tin điện ra Bắc. Bộ Tổng chỉ thị hủy tàu, bảo tồn bến. Thời điểm ấy là hơn 3 giờ sáng 20-6-1966, Thuyền trưởng Phan Xá lệnh tất cả rời tàu, để anh và máy trưởng Vũ Xuân An ở lại hủy. Tâm từ hầm máy chui lên, nhảy xuống chỉ có chiếc quần đùi và hai quả lựu đạn. Xuồng cao su đi một đoạn thì thủng, bèn bơi thục mạng vào đám thẫm đen đằng trước. Chạm đất, mấy anh em bảo nhau chạy giữa ruộng khoai kẻo giẫm mìn chông. Bỗng có tiếng Nam "Đằng mình đấy hả" thì dừng lại, ra ông Lê Mao bên đơn vị tiếp nhận của Quân khu 9. "Không nghe tiếng nổ hủy tàu rồi chú ơi", người vào thông báo. Trong bờ điều hai khẩu DKZ bắn ra, chỉ hư hại chứ không hủy được.

Những ngày sau đó căng thẳng và buồn. Tàu 187 bị trục lên, dắt về Cần Thơ triển lãm. Chính trị viên Lê Công Thương hy sinh trên bãi cát, hàng hải số 1 Trần Quang Phiêu bị bắt. Trong vòng vây của 15 tiểu đoàn địch, 16 người của 187 - có cả thuyền trưởng Phan Xá đã thoát, được đón về Trà Cú cho quân dân che chở, chữa trị vết thương.

Những ngày sau đó có lẽ không căng thẳng như trước, nhưng thật khắc khoải. Về lại Cà Mau di chuyển dưới rừng đước tránh địch lùng sục, sung lên tàu 69 ra tận gần căn cứ Năm Căn, ăn quả mắm luộc bảy lần mới hết chát. Rồi cũng đến lúc 69 bục đáy do quá lâu không được bảo dưỡng. Ngày Nam đêm Bắc dằng dặc, sót ruột nghe đài báo về cuộc không kích miền Bắc và Hải Phòng.

Năm 1975.

Ngày 1-5, Đỗ Xuân Tâm cùng đồng đội về Cần Thơ tiếp quản cảng Ninh Kiều, Bình Thủy. Hai hôm sau, nhà thơ Tố Hữu đến thăm, lúc ra mang theo lá thư Tâm gửi đơn vị "xin cho biết gia đình tôi ai còn ai mất". Sang tháng sáu có đoàn quân chủng và 125 vào, trên xe bước xuống cô gái đội nón lá, dáng quen quen. Còn ai nữa, người vợ yêu quý của mình đây mà. Xuân gầy gò, nhìn chồng không ra được lời nào.

"Sao em không khóc?", Đỗ Xuân Tâm hỏi vợ lúc niềm vui không còn quá đột ngột. Chị trả lời: "Nước mắt chảy cả vào trong rồi anh ơi…".

Rất lâu sau, ông chủ nhà hàng Gốc Bến Thốc ghi lại cái điều tưởng đơn giản mà nghiệt ngã trong chiến tranh: "Những trận chiến đấu giáp mặt kẻ thù trong khoảnh khắc mà hy sinh thì là thường tình và nhẹ nhõm. Song có những điều kiện phải hy sinh bằng phương thức dai dẳng, lâu dài, không có đích kết cục". Ông cũng quay lại Đất Mũi. Chỗ tàu 69 nằm lại nay tở ra, cách bờ hơn cây số. Vậy là nó đã trở về với biển, như bao đồng đội của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: “Sao em không khóc?”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.