(HNM) - Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến.
Hai mươi năm sau, ngày 17-7-1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra hết sức quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây cũng là một văn kiện lịch sử rất quan trọng của Người, thể hiện một cách nhất quán, kiên quyết mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Nghiên cứu hai Lời kêu gọi trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có những điểm hết sức tương đồng mặc dù bối cảnh ra đời của hai văn kiện này rất khác nhau. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bối cảnh nhân dân ta vừa mới giành được chính quyền sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời sau đó chưa kịp củng cố, nhưng ngay lập tức phải đối phó với cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp, sự chống phá của các thế lực phản động, thù địch ở trong nước và quốc tế, sự khó khăn nặng nề do kinh tế, tài chính đình đốn, kiệt quệ, nạn đói hoành hành, tỷ lệ người không biết đọc, biết viết chiếm đa số…
Đối với Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bối cảnh, quân và dân ta đã đánh thắng thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc kháng chiến 9 năm (1945-1954); miền Bắc có hòa bình, đang đoàn kết chung sức xây dựng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và làm tròn vai trò hậu phương lớn của tiền tuyến lớn; miền Nam đang chiến đấu thắng lợi với đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai…
Tuy có sự khác nhau về bối cảnh như vậy, nhưng có một điểm chung chủ yếu là hai Lời kêu gọi được viết trong thời điểm lòng yêu nước và quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của cả dân tộc lên rất cao: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… song nhân dân Việt Nam quyết không sợ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Điểm tương đồng nổi bật dễ thấy nhất đó là mong muốn hòa bình, không muốn chiến tranh xảy ra của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương giao thiệp thân thiện, hòa hoãn, nhân nhượng của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ trương nhất quán, nhằm tránh bất lợi khi phải đương đầu với kẻ thù có sức mạnh quân sự vượt trội lúc ban đầu… Trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta phải đứng lên”. Trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập, tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu kiểu Mỹ”.
Điểm tương đồng quan trọng nhất giữa hai Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được Người viết khi cuộc kháng chiến chống xâm lược đã nổ ra ở miền Nam được hơn 15 tháng khi quân Pháp đã có mặt ở miền Bắc được hơn 9 tháng, khi tất cả các cố gắng hòa hoãn, nhân nhượng đã không thể đẩy lùi được nguy cơ chiến tranh, các cơ hội hòa bình đã tan vỡ. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Hai mươi năm sau, thêm một lần nữa, trong Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước gửi tới toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định và nhấn mạnh ý chí sắt đá: “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu… không có gì quý hơn độc lập, tự do”…
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (1946) và Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước (1966) đều toát lên sự lạc quan, tin tưởng của Người vào thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến đấu lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh chống thực dân, đế quốc xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Đoạn kết của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nhấn mạnh: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta”. Đến Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước, Người phân tích: “Trước đây, trong hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều mà chúng ta đã thắng phát xít Nhật và thực dân Pháp. Ngày nay, điều kiện trong nước và trên thế giới thuận lợi cho ta hơn, sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chắc chắn sẽ hoàn toàn thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ thế giới”. Tương lai của ngày toàn thắng được Người viết nên với sự tin tưởng: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Ý chí độc lập, tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dựa trên sự mong muốn, xuất phát từ tình cảm yêu quê hương đất nước, đồng bào, từ sự mong muốn hòa bình và tình hữu nghị, mà dựa trên những cơ sở đảm bảo chắc chắn sau đây: Đó là lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của toàn dân bởi Người luôn tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đó là cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân là một sự nghiệp chính nghĩa, được toàn thể nhân dân trong nước và những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới đồng tình, ủng hộ. Đó là truyền thống chiến đấu và chiến thắng các thế lực ngoại xâm của cha ông, bất kể kẻ thù xâm lược lớn mạnh và hung bạo đến đâu, bởi vì toàn dân ta có tín tâm và quyết tâm, có nghệ thuật quân sự tài giỏi, có quân đội chiến đấu bách chiến, bách thắng vì nhân dân, vì Tổ quốc. Đó là sự lãnh đạo đúng đắn, kiên quyết, sáng tạo của Đảng, một tổ chức tiên phong tập hợp những con người có lòng nhiệt huyết đã trải qua thử thách, rèn luyện, kiên định với lý tưởng, mục tiêu đã định, được quần chúng tin tưởng, ủng hộ và tuân thủ không điều kiện. Đó là sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về mọi mặt, biết địch, biết ta, phát huy được sức mạnh, sở trường của ta, hạn chế sức mạnh và khoét sâu chỗ yếu của kẻ thù, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.