(HNM) - Từ 10 lễ cưới điểm, sau 5 năm triển khai Chỉ thị 11/CT-TU của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội” ở Đan Phượng, con số này đã tăng lên hơn 1.000 trường hợp.
Cách “nghĩ trẻ” về lễ cưới
Thương nhau đã lâu, mong sớm về một nhà, song trước đây anh Trần Văn Hoàng và chị Lê Thị Thu ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng vẫn chưa dám tính đến chuyện trăm năm, vì chưa chuẩn bị được nhiều cho lễ cưới.
Anh Hoàng cho biết: "Chúng tôi đều là công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh), lương chỉ đủ chi phí sinh hoạt và hỗ trợ một chút cho gia đình nên hạnh phúc riêng đành gác lại. Nhờ tư vấn của Huyện đoàn Đan Phượng, sự ủng hộ của gia đình hai bên, đầu năm 2016, chúng tôi đã về một nhà bằng đám cưới giản dị, trang trọng và ấm cúng. Đặc biệt, cuộc sống sau hôn nhân nhẹ nhõm và hạnh phúc, vì không canh cánh nỗi lo trả nợ...".
Một lễ cưới được tổ chức văn minh, tiết kiệm tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Anh Tuấn |
Không gặp khó khăn về kinh tế như vợ chồng anh Hoàng, song cặp đôi Trần Bảo Trung - Bùi Thị Luyến ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa vẫn quyết định tham gia lễ cưới tập thể do Huyện đoàn Ứng Hòa tổ chức vào tháng 10-2016.
Bùi Thị Luyến chia sẻ: "Được nghe nhiều và rất có thiện cảm với mô hình cưới tập thể, nên khi cán bộ Đoàn gợi ý, vợ chồng em đã hào hứng đăng ký. Vui hơn nữa, với sự chấp thuận của gia đình hai bên, lễ cưới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa hơn cả những gì chúng em mong đợi. Giờ nhắc lại, em vẫn còn nguyên nỗi xúc động và vui mừng, vì mình đã chọn tham gia hoạt động nhiều ý nghĩa như vậy cho ngày trọng đại của đời mình".
Câu chuyện của anh Hoàng, chị Luyến chỉ là hai trong nhiều ví dụ cho khởi đầu hạnh phúc của các cặp đôi đã và đang thực hiện cưới theo nếp sống văn minh ở nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Phó Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Hoàng Phan nhận định: Nhiều năm nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những mô hình cưới văn minh như kết hôn tại trụ sở UBND xã, báo hỷ sau cưới; tiệc ngọt, tiệc trà; lễ cưới tập thể... Đây là kết quả đáng mừng của việc thay đổi nếp nghĩ trong tục cưới xin đã ăn sâu nhiều năm trong đời sống nông thôn.
Có được điều này, bên cạnh hiệu quả từ công tác tuyên truyền, còn phải kể đến sự đồng thuận, hưởng ứng của các bạn trẻ với cách “nghĩ trẻ” về việc cưới. Họ đã cùng chính quyền, đoàn thể vận động người thân, gia đình, góp phần đẩy mạnh phong trào cưới văn minh ở địa phương.
Đẩy lùi hủ tục
Không chỉ mang lại hạnh phúc, hứng khởi cho cuộc sống lứa đôi, cưới văn minh còn góp phần đẩy lùi nhiều hủ tục bấy lâu vẫn tồn tại ở không ít vùng quê ngoại thành Hà Nội, mà xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì là một ví dụ.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tòng Bạt Phạm Duy Cường cho biết: Trước khi trở thành xã điểm về cưới văn minh, xã Tòng Bạt cũng ôm đồm nhiều hủ tục nặng nề, lễ lạt rườm rà, gây phiền hà, tốn kém cho vùng quê vốn còn không ít khó khăn. Nhờ tập trung tuyên truyền, kiên trì vận động, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, nhiều hủ tục, như: Thách cưới, ăn lại mặt, thăm buồng cô dâu, ăn cưới dài ngày… ở địa phương đã được xóa bỏ. Hiện các đám cưới ở xã đều chỉ tổ chức trong 1-2 ngày, thay vì 4-5 ngày như trước đây, với lượng cỗ hạn chế từ 40 đến 50 mâm.
Với quyết tâm không để hủ tục làm rào cản như ở Tòng Bạt, nhiều nơi trên địa bàn thành phố như: Thạch Thất, Hà Đông, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức… đã triển khai nhiều giải pháp, tác động trực tiếp tới từng hủ tục, giữ cho lễ cưới ở địa phương đúng tinh thần giản dị, tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Các xã Tả Thanh Oai, Yên Mỹ (Thanh Trì) nêu gương không lấy tiền mừng của các cụ cao tuổi. Huyện Đông Anh vận động không mời thuốc lá trong lễ cưới. Huyện Phú Xuyên tặng tiền mừng (500 nghìn - 1,5 triệu đồng) cho những cặp đôi cưới theo nếp sống mới. Một số xã ở Ba Vì đề nghị cam kết cưới gọn nhẹ, không phô trương, kéo dài bằng cách thu tiền đặt cọc (500 nghìn - 2 triệu đồng)…
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Nguyễn Đức Nghĩa phấn khởi: Tục thách cưới bằng bạc trắng từng gây nhiều khó khăn, tốn kém cho đồng bào dân tộc Dao ở các xã miền núi của huyện, nhưng chẳng ai dám lên tiếng để xóa bỏ... Sau khi có Chỉ thị 11, nhờ kiên trì vận động đồng bào, đặc biệt là lớp người cao tuổi, tục lệ này đã không còn trở thành nỗi lo với mỗi lễ cưới.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ kinh nghiệm: Cùng với việc tặng tiền mừng, mỗi đám cưới tổ chức theo nếp sống mới ở Phú Xuyên còn được cho mượn hội trường, hỗ trợ trang trí và các chi phí điện nước, thiết bị dùng cho tiệc cưới…
Những cách làm cụ thể, thiết thực như trên đã góp phần xóa bỏ nhiều hủ tục, đưa việc cưới trở về trọn vẹn giá trị tinh thần của nó. Trên hết, những mô hình cưới theo nếp sống mới với nhiều cách làm hay, sáng tạo ở các vùng quê Hà Nội còn là minh chứng sinh động cho những nỗ lực xây dựng đời sống văn hóa ở các địa phương, điều không thể thiếu trên lộ trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.