Văn hóa

Bài 5: Để nông thôn là miền di sản

Nhóm phóng viên 10/08/2023 21:46

Sức ép ngày càng gia tăng từ đô thị hóa và vấn đề hiện đại hóa nông thôn đặt ra yêu cầu cấp thiết với việc quy hoạch, bảo tồn kiến trúc nông thôn.

cover-5.jpg

Sức ép ngày càng gia tăng từ đô thị hóa và vấn đề hiện đại hóa nông thôn đặt ra yêu cầu cấp thiết với việc quy hoạch, bảo tồn kiến trúc nông thôn.

Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 7-2-2023 về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề quy hoạch kiến trúc nông thôn, trong đó đặt mục tiêu xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

bai5-img1.jpg
Phù Đổng, một làng cổ của Hà Nội, phát triển hài hòa giữa làng nghề và kiến trúc văn hóa.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã nêu trong tham luận của mình: “Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi.

Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức, những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản”.

nha7.jpg
nha6.jpg
nha5.jpg
nha4.jpg
nha2.jpg
nha1.jpg

Một số mô hình nhà ở nông thôn do Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề xuất.

Tuy nhiên, làm thế nào để yêu cầu của Chính phủ và ước mong của người đứng đầu ngành Nông nghiệp, nông thôn nước nhà sớm trở thành hiện thực, tháo gỡ được những nút thắt trong việc quy hoạch, bảo tồn kiến trúc nông thôn, để vừa giữ được bản sắc văn hoá, vừa tạo động lực phát triển cho các vùng nông thôn? Đại diện lãnh đạo các cấp quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, kiến trúc đã cùng gợi mở nhiều giải pháp.

bai5-tit1.jpg

Từ năm 2008-2012, toàn bộ 401 xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Tuy nhiên, quy hoạch các xã được thực hiện trước khi quy hoạch chung xây dựng các huyện được lập và phê duyệt dẫn đến không ít bất cập. Chẳng hạn như tại các xã chưa dự báo được quy mô phát triển dân số; hạ tầng kỹ thuật khung của nhiều xã chưa đồng bộ...

Đáng chú ý, tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao (như Đông Anh, Gia Lâm…) cũng chưa có hướng dẫn thiết kế kiến trúc cảnh quan, kiểm soát xây dựng dẫn tới cấu trúc làng, xã và kiến trúc truyền thống nông thôn ngày càng bị phá vỡ, mai một dần. Nhiều nơi xuất hiện tình trạng xây dựng tự phát, lộn xộn; xây dựng trên đất nông nghiệp diễn biến phức tạp.

Do đó, UBND thành phố cần chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương sớm hoàn thành việc tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn còn thiếu; tăng cường lập Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, làm cơ sở quản lý quy hoạch xây dựng theo quy định.

Đối với các làng nghề và làng có nghề, hiện nay, việc lập quy hoạch xây dựng riêng hầu như chưa được triển khai, chủ yếu vẫn lồng ghép trong các quy hoạch nông thôn mới. Do đó, cần có nghiên cứu quy hoạch một cách tổng thể, từ việc bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật để bảo đảm không ô nhiễm môi trường, xác định các khu vực, công trình cần bảo tồn, tôn tạo; bổ sung, tạo lập các không gian cảnh quan mới… Từ đó mới có thể đề xuất các tuyến du lịch bên trong từng làng nghề và liên kết các chuỗi làng nghề một cách hợp lý, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

bai5-tit2.jpg

Kiến trúc nông thôn Việt Nam bản sắc gắn với thời kỳ hội nhập được hiểu là xây dựng tính chất tiến bộ theo thời đại của nền kiền trúc, không chỉ ở các giải pháp kiến trúc, mà còn là nội dung tư tưởng, định hướng cho quá trình xây dựng xã hội mới, nếp sống, lối sống mới, tiến bộ ở nông thôn. Sự phát triển của chất liệu đương đại, công nghệ số, kỹ thuật xây dựng… sẽ góp phần thúc đẩy quá trình này.

Một đặc trưng của kiến trúc nông thôn là phần lớn chưa có thiết kế chính thức, do đơn vị tư vấn chuyên nghiệp thiết kế, mà chủ yếu ở dạng tự xây, tự thiết kế qua kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Đây là khó khăn và là đặc thù riêng của cách tiếp cận về định hướng kiến trúc nông thôn so với định hướng kiến trúc đô thị. Vì vậy, cần xác định việc định hướng kiến trúc nông thôn là phải tiếp cận tới cộng đồng

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Kiến trúc sư Việt Nam sớm hoàn thiện “Đề án Kiến trúc nông thôn từ truyền thống đến hiện đại, gắn kết thời kỳ hội nhập” thuộc nhiệm vụ “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”. Hội Kiến trúc sư Việt Nam đang nghiên cứu và thực hiện việc lập các sổ tay hướng dẫn nhà ở nông thôn; truyền thông, quảng bá về định hướng kiến trúc nông thôn trên các phương tiện truyền thông; xây dựng thử nghiệm kiểu nhà ở nông thôn; xây dựng cơ chế để phát triển sổ tay hướng dẫn và cập nhật thường xuyên để các kiểu nhà có tính thực tiễn cao, gắn với cuộc sống nông thôn hiện đại.

chap-5-daokinh.jpg

Làng và kiến trúc chỉ phát triển lành mạnh khi ta lấy việc cải tạo những “vốn liếng” quá khứ và cái hiện hữu làm cầu nối liền mạch, liền dòng quá khứ - hiện tại - tương lai.

Sự hiện thực hoá mọi chủ trương xã hội, mọi ý tưởng quy hoạch và kiến trúc ở nông thôn chỉ xảy ra khi người nông dân được thuyết phục, đem lòng tin và tự nguyện bắt tay thực hiện. Những văn bản, những quy hoạch, đồ án, hình mẫu chưa đủ sức thuyết phục họ, bởi họ vốn thiên về những gì tai nghe, mắt thấy.

Do đó, các nhà quản lý, nhà kiến trúc cần tạo ra những mô hình trong thực tế, sát thực hoàn toàn với từng vùng miền, với những giải pháp vừa đúng, vừa hay, vừa dễ bắt chước. Sự bắt chước bởi một vài làng quê, bởi một vài nông dân sẽ có sức lan toả hơn bất cứ quyển sách hoặc cuốn phim nào. Lâu nay, nhiều ý tưởng sở dĩ chưa đến được với nông thôn, chính là ở sự chuyển tải.

Nông thôn là khoảng giữa, nối thiên nhiên với thành thị, là vườn ươm truyền thống văn hoá và nơi chốn nuôi dưỡng sự gắn bó với quê hương cùng lòng yêu nước. Hiện đại hoá nông thôn không đồng nghĩa biến nông thôn thành thành thị. Không khác biệt về văn minh, song nông thôn nên và phải khác đô thị. Trong xu hướng sinh thái hoá, đô thị sẽ xích lại gần với nông thôn.

Do đó, quy hoạch nên chăng mang tính định hướng. Mô hình xây dựng có thể được thiết lập dựa trên những tiêu chí cơ bản, không áp đặt, duy ý chí và cứng nhắc. Điều tiết và hướng dẫn có thể là cách thức để công cuộc phát triển nông thôn, kiến trúc nông thôn đi theo đúng hướng.

chap-5-khang.jpg

Những đề án phát triển nông thôn dường như mới chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, hoặc theo kiểu “điện - đường - trường - trạm” mà bỏ quên cái cốt lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hoá để có điểm tựa cho phát triển.

Đối với văn hóa, kiến trúc góp phần chỉ rõ cái gốc của các giá trị văn hóa truyền thống và sự tiếp biến của nó qua các thời kỳ lịch sử; làm rõ cơ chế lồng ghép, hòa quyện giữa khía cạnh văn hóa với nhau, từ đó giúp nhận diện rõ hơn và đề xuất cách sàng lọc, duy trì và làm phong phú thêm các nét đẹp văn hóa dân tộc phù hợp với các tiến bộ thời đại.

Để phục vụ sự phát triển của đất nước, ngành kiến trúc cần tiếp tục thiết kế hoàn chỉnh các mô hình nông thôn mới bền vững cho các vùng, miền, dân tộc, trong đó phải đảm bảo bản sắc, chất lượng đáng sống, sự hài hòa giữa phát triển vật chất và tinh thần, nông thôn vẫn phải là chiếc nôi văn hóa dân tộc, dẻo dai trước các biến động kinh tế, xã hội và môi trường... Kiến trúc cần giúp nông thôn Việt Nam có cách tiếp cận mới: Không đơn thuần là “xây dựng”, mà chuyển mạnh sang “phát triển” bền vững, giữ được các giá trị truyền thống tạo lập từ quá khứ và xây dựng các giá trị truyền thống cho mai sau từ những gì tạo lập hôm nay.

Nhà nước cũng cần quan tâm đến xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa, không gian cảnh quan kiến trúc, phát triển kinh tế du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống, sản phẩm OCOP... cho các vùng miền, coi đó là các “Bộ tiêu chí mềm” sống động, mang hơi thở thực tiễn.

bai5-tit6.jpg

Hiện nay, trong quy hoạch và triển khai xây dựng nông thôn mới, có một số xu hướng cần cảnh báo để các xã khắc phục ngay, đó là xu hướng bỏ cũ làm mới trong trùng tu, cải tạo; xu hướng bê tông hóa các con đường đổ bê tông nhưng không có bờ cỏ mềm, cây xanh; nhất là khu vực cổng làng, cần khôi phục các tổ hợp cảnh quan truyền thống như lũy tre, cây đa cạnh cổng làng...

Ngoài ra, một số xu hướng đang làm biến dạng cảnh quan kiến trúc nông thôn là việc xây cổng làng như cổng chào xuất hiện ở một số địa phương; xu hướng xây dựng thiếu tính quy hoạch dẫn đến lãng phí, phải cải tạo, xây dựng lại sau một thời gian ngắn sử dụng.

Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đề xuất, quy hoạch xây dựng vùng huyện cần được xác định, hình thành và phát triển từ các yếu tố: Cảnh quan ven sông, hồ, đầm lớn, hai bên các kênh, mương lớn; các công viên sinh thái, công viên chuyên đề; các làng nghề du lịch. Cần đưa nội dung bảo tồn và gìn giữ các cảnh quan đặc trưng vào trong các đồ án quy hoạch kiến trúc vùng huyện.

Các địa phương cần bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hành kịp thời về quản lý đường trục và đường nhánh trong các điểm dân cư; khuyến khích quy hoạch, thiết kế đường trục và đường nhánh trong các điểm dân cư xanh, thân thiện với môi trường; sử dụng vật liệu truyền thống, bền vững, hạn chế tối đa bê tông hóa.

Với các tuyến đường, nên lát gạch lỗ kích thước nhỏ, gạch vật liệu thấm để giảm tải tiêu thoát nước, tốt cho cây trồng. Tất cả những quy hoạch kiến trúc này cần làm thí điểm trước khi nhân rộng.

chap-5-luan.jpg

Bản sắc kiến trúc nông thôn truyền thống về cơ bản nằm ở quan niệm về cấu trúc khuôn viên ở và không gian ở, từ đó mới đưa ra mô hình truyền thống có nhà chính, nhà phụ, sân trước, vườn sau, chuồng trại.

Trong xu thế tất yếu của quá trình đô thị hóa, chúng ta cần quan tâm đến không gian, cảnh quan, chứ không thể nào đòi hỏi kiến trúc nhà ở, làng xóm như ngày xưa. Quan trọng là giữ được tinh thần, hồn cốt truyền thống của ngày xưa. Không gian làng cần giữ giá trị, kiến trúc của hệ thống đình - đền - chùa, các di tích lịch sử, văn hóa. Không gian nhà ở cần quan trọng khuôn viên gia đình, mà ở đó, tùy vào từng không gian lớn hay nhỏ sẽ có những kiến trúc phù hợp.

Nhà ở nông thôn truyền thống là mô hình rất đơn giản nhưng lại rất khoa học. Đó không chỉ là ngôi nhà, mà là khuôn viên của ngôi nhà đó, hài hòa nét sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp, sinh thái nông thôn. Vì thế, khi xây dựng các mô hình, kiểu nhà mẫu cho nông thôn, cần lưu ý đặt kiến trúc nhà phù hợp với lối sống, điều kiện, cảnh quan, đời sống sản xuất hiện tại của từng gia đình.

Đời sống của người dân ở nông thôn giờ đã khác trước, họ có điều kiện hơn và có nhu cầu được sống tiện nghi. Các mẫu hình thiết kế về kiểu nhà nông thôn cần bảo đảm tôn trọng tính truyền thống xưa nhưng vẫn phải tiện nghi, phù hợp với đời sống hiện đại.

Về không gian cảnh quan, kiến trúc làng, để giữ được hồn cốt của làng quê xưa, các địa phương có thể khôi phục một số hoạt động gắn với sinh hoạt làng quê như phiên chợ quê, khôi phục các "chỉ dấu" gắn với làng Việt như cổng làng, cây đa, quán nước đầu đình...

bai5-img2.jpg
Thủy đình tại Đền Gióng (làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

***

Mai này làng sẽ ra sao? Đó là câu hỏi nung nấu trong đầu chúng tôi khi viết xong loạt bài này. Không chỉ là câu chuyện kiến trúc ở những làng thuộc Hà Nội, mà là nhiều làng khác trong cả nước trước "cơn lốc" đô thị hóa.

Khi phố tràn về làng, lại sẽ tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nước sạch, đường làng thành phố chợ... Nhiều làng xã sẽ thành những khu nhà ống phân lô, thô ráp, lộn xộn, nhấp nhô mái tôn, bình nước inox, đan xen vào các khu đô thị mới vừa tràn ra lấp hết khoảng trống của ruộng đồng, ao hồ…

Nhiều làng nghề ở Hà Nội đã mai một, như làng hoa Nghi Tàm, làng đào Nhật Tân, làng cốm Dịch Vọng, làng rau Láng… và kéo theo đó là những không gian văn hóa, những miền di sản bị mất đi, vĩnh viễn không thể lấy lại. Dấu vết xưa giờ chỉ còn là những biển tên phố gắn đầu làng. Người già ngồi túm tụm kể cho nhau nghe về chuyện làng xưa. Lũ trẻ muốn biết về nơi mình sinh ra trước đây thế nào chỉ có thể quét mã QR tại đình, đền làng. Thông tin nhiều, nhưng vô hồn!

Mai này làng sẽ ra sao? Vẫn biết, đô thị hóa là quá trình tất yếu. Hà Nội xưa cũng từ làng lên phố, nhưng để không làng nào bị mất “chỉ dấu” như những làng kể trên, sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công tác quy hoạch, kiến trúc và quản lý quy hoạch, kiến trúc nông thôn của chúng ta hôm nay.

Mai này làng sẽ ra sao? Đó không chỉ là câu chuyện gìn giữ những giá trị của quá khứ. Mà còn là của dựng xây hiện tại, với những công trình, nét kiến trúc mang giá trị văn hóa mới. Tạo gạch nối cân bằng giữa quá khứ - hiện tại - tương lai - đó là trách nhiệm của những người làm quản lý, quy hoạch và chính người dân làng.

Kiến trúc nông thôn: Mai này rồi sẽ ra sao?
Lời mở đầu
Bài 1: Làng trong "cơn lốc" đô thị hóa
Bài 2: Vỡ cảnh quan, mờ bản sắc
Bài 3: Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề
Bài 4: Yêu quê thì sẽ còn quê
Bài 5: Để nông thôn là miền di sản

Bài viết: Hà Trang - Hoàng Quyên - Vân An
Ảnh-Video: Hữu Tiệp
Thiết kế - Kỹ thuật: Thành Phong

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 5: Để nông thôn là miền di sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.