Văn hóa

Bài 3: Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề

Nhóm phóng viên 10/08/2023 20:52

Trước “cơn lốc” đô thị hóa, những làng nghề và làng có nghề Hà Nội đang phải đổi mặt với nhiều biến đổi lớn.

cover-3.jpg

Nông thôn mới tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang có sự biến đổi chóng mặt. Không chỉ có hạ tầng kiến trúc, cảnh quan thay đổi, mà những giá trị thượng tầng về lề lối sinh hoạt, công việc, các hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều vùng quê cũng đổi khác. Trước “cơn lốc” đô thị hóa, những làng nghề và làng có nghề Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều biến đổi lớn.

bai-3-tit-1.jpg

Xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) cũng như bao làng nghề khác của Hà Nội đang loay hoay với câu chuyện giữ nghề, bảo tồn cảnh quan, lối sống văn minh trong không gian làng quê chật hẹp, đã thay đổi nhiều về kiến trúc và văn hóa.

Vốn nổi tiếng là làng bách nghề, trong đó có nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển từ thời Hai Bà Trưng, đến nay, nghề “sống” khoẻ nhất và nổi tiếng nhất ở Sơn Đồng là điêu khắc gỗ, làm tượng phật và các đồ thờ cúng.

bai3-img1.jpg
Các nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức) thường xuyên làm việc trong các không gian chật hẹp.

Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Việt Hùng trăn trở, Sơn Đồng có 50 nghệ nhân và được công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu không chỉ của Hà Nội, mà cả nước. Áp lực đô thị hóa với lượng người sinh sống tăng nhanh, xây dựng tự phát gia tăng, nghề truyền thống phát triển nhưng các hộ không đủ đất để mở rộng sản xuất khiến xã đang đối diện với không ít thách thức về ô nhiễm, kiến trúc đô thị bị phá vỡ vì nhà chồng tầng, nhiều hộ dân làm nhà xưởng ngay trong không gian sống…

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, địa phương đã có kiến nghị, đề xuất được quy hoạch vùng sản xuất riêng để phân tách khu ở với làng nghề. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch đó vẫn bị “treo”. Theo quy hoạch chung phát triển Thủ đô, Sơn Đồng được quy hoạch là đất đô thị, đồng nghĩa làng nghề truyền thống của xã nhiều khả năng sẽ bị “xóa sổ”.

bai3-img2.jpg
Chợ họp lấn hết không gian của những di tích cổ (Ảnh chụp tại làng Sơn Đồng sáng 5/8/2023)

Vấn đề bảo tồn, tái tạo không gian sống để mỗi làng nghề, làng có nghề trở thành nơi đáng sống là bài toán vô cùng nan giải. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thuận thừa nhận, những xã có làng nghề, làng có nghề gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, môi trường sống. Nhiều làng nghề bị mai một và mất đi, trong đó không chỉ có Sơn Đồng. Việc quy hoạch làng nghề để người dân có một cuộc sống ổn định, bảo đảm đời sống cũng như duy trì được cảnh quan kiến trúc có bản sắc riêng là trăn trở lớn.

Tương tự Sơn Đồng, Bát Tràng, một làng nghề nức tiếng và là điểm du lịch khó có thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội, cũng gặp khó trong vấn đề cải tạo không gian cảnh quan, kiến trúc.

bai3-info.jpg

Là một hình mẫu về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, hơn 400 hộ gia đình làm gốm của Bát Tràng đã chuyển từ hình thái đốt lò than truyền thống sang lò nung gốm bằng khí ga, giảm thiểu hiệu quả việc ô nhiễm môi trường không khí.

Khi lượng du khách ngày một tăng, vấn đề lớn mà Bát Tràng đối mặt chính là hạn chế trong quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan. Con đường dẫn vào làng chật hẹp và trở nên bức bối khi phải tiếp đông đoàn khách ghé thăm.

Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thừa nhận, thời điểm trước dịch Covid-19, vào những mùa cao điểm như dịp Tết, người dân đổ về Bát Tràng mua đồ, có lúc tắc cả đoạn đường dài.

chap-3-tit2.jpg

Một trong những trăn trở ở các làng nghề, làng có nghề, đó là ngoài việc duy trì ổn định kinh tế, còn là mong muốn đưa làng nghề trở thành điểm du lịch, tạo thêm giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương.

Để làm được điều này, việc duy trì hoạt động sản xuất là chưa đủ, cần phải có những quy hoạch phân vùng rõ nét tại các địa phương để xây dựng không gian, cảnh quan phù hợp cho phát triển du lịch, từ đó mới có thể kết nối được các điểm tham quan, trải nghiệm, hấp dẫn du khách.

Trong cái nắng cuối ngày, đứng tại khu văn chỉ của thôn Nguyệt Áng (còn được biết đến là làng khoa bảng khi có 11 tiến sĩ, 1 trạng nguyên, 30 hương cống, cử nhân), Phó Chủ tịch UBND xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Hưng chia sẻ, Đại Áng có 4 thôn với đặc trưng riêng, trong đó có làng nghề làm nón ở thôn Vĩnh Thịnh, nghề may tại thôn Vĩnh Trung, khu di tích văn chỉ thôn Nguyệt Áng. Theo quy hoạch phát triển du lịch địa phương, xã sẽ mở rộng, xây mới các hạng mục của khu văn chỉ theo kiến trúc 3 gian cổ kính, coi đây là điểm du lịch trọng tâm của xã.

bai3-img3.jpg
Những buổi biểu diễn của làng rối Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh) luôn được người dân và du khách thích thú đón nhận. 

“Đại Áng đã được UBND thành phố công nhận là điểm du lịch, tuy nhiên, công tác bảo tồn di tích, phát triển làng nghề còn khó khăn. Do không có quy hoạch từ trước nên quỹ đất cho việc xây dựng các công trình, cảnh quan để phát triển du lịch của xã gần như không còn. Chưa có cơ sở hạ tầng tốt nên việc liên kết giữa các điểm du lịch còn yếu”, ông Nguyễn Văn Hưng thẳng thắn thừa nhận.

Cùng với trăn trở phát triển làng nghề thành điểm du lịch, Trưởng thôn Đào Thục (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Phi chia sẻ, trong nỗ lực giữ và truyền nghề, cái thiếu của làng múa rối Đào Thục lúc này là không gian trải nghiệm đậm bản sắc của làng quê.

“Chúng tôi mơ ước sớm tạo dựng lại được cổng làng với hình ảnh mô hình rối nước đặc trưng; một khu để dạy nghề cho thế hệ sau và khu vui chơi, giải trí để khách đến không chỉ xem múa rối, mà còn được trải nghiệm”, ông Phi nói.

bai3-box2.jpg

Với Phù Đổng, nơi vừa được UBND thành phố công nhận là Điểm du lịch cấp thành phố, so với những làng nghề khác, làng gặp nhiều thuận lợi hơn khi trên địa bàn có Di tích quốc gia đặc biệt Đền Gióng với Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại và có nghề trồng hoa giấy, cây cảnh phát triển 20 năm qua đã cho ra “trái ngọt”.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Tài cho biết, địa phương đã tạo những không gian cây xanh, trong đó có điểm nhấn là hoa giấy ở dọc đường đê dẫn vào thôn để tạo điểm nhấn cảnh quan khác biệt. Mặc dù vậy, lãnh đạo xã thừa nhận, hạn chế trong quy hoạch tại Phù Đổng là tuyến liên kết giữa các điểm đến du lịch trên địa bàn còn yếu. Không gian cảnh quan, kiến trúc của làng chưa đủ đặc sắc để thu hút du khách đến trải nghiệm nhiều hơn.

bai3-img4.jpg
Những kiến trúc cổ của làng được gìn giữ như thế nào, phụ thuộc vào lớp trẻ hôm nay.

So với những làng truyền thống, quy hoạch kiến trúc tại các làng nghề, làng có nghề, rõ ràng cần sự khác biệt hơn, bởi không chỉ là vấn đề về cảnh quanh, bảo tồn di sản truyền thống của cư dân trong làng, mà còn là vấn đề bảo đảm môi trường sống an toàn, vệ sinh, tạo sự kết nối về mặt kiến trúc, điểm đến, tăng giá trị kinh tế cho địa phương.

Về vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Bá Tuấn nêu quan điểm, việc quy hoạch kiến trúc nông thôn ở những làng nghề cần phải được “nhìn xa trông rộng”, trong đó phải tôn trọng hoạt động sản xuất thế mạnh của địa phương. Các địa phương khi lập bản đồ quy hoạch cần chú trọng tính đặc trưng của làng nghề, từ đó xây dựng bộ tiêu chí về kiến trúc phù hợp với không gian sống, không gian văn hóa và tính đặc hữu của làng nghề.

Chẳng hạn, làng nghề múa rối nên có những công trình kiến trúc liên quan đến biểu tượng múa rối; làng nghề làm nón có những công trình công cộng và phụ cận có hình ảnh nhận diện về nghề nón... Sự hài hòa của tổng thể kiến trúc nhà ở với các di tích, di sản và các thiết chế văn hóa, công trình công cộng sẽ là điểm nhấn tạo nên bản sắc của các làng quê.

Bên cạnh đó, không gian cảnh quan, kiến trúc làng nghề cần có sự khác biệt với hệ thống chỉ dẫn chuyên biệt bằng hình ảnh, âm thanh, không gian chế tác, sản xuất của người dân... Du khách đến chơi phải có chỗ để tham quan, trải nghiệm tại chỗ.

Nhìn ở góc độ văn hóa và dân sinh, tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá Thăng Long cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi bộ mặt kiến trúc nông thôn đó là con người.

Công cuộc hiện đại hóa, đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các vùng nông thôn mang đến sự “thay da đổi thịt” cho các vùng quê, nhưng cũng khiến những nông dân bị ảnh hưởng mạnh bởi văn hoá thị dân. Điều kiện kinh tế cùng lối tư duy thay đổi của người dân sinh sống tại các làng quê tác động lớn đến việc thay đổi kiến trúc nhà, nếp sống gia đình. Sự tự phát trong thay đổi lối sinh hoạt, phương thức sản xuất cũng là một phần khiến nhiều làng nghề dần mai một, hoặc biến mất.

Do đó, muốn tạo lập không gian cảnh quan kiến trúc, môi trường tại nhiều làng nghề tốt hơn, có tính đặc trưng thì trước hết, phải thay đổi được tư duy, nếp nghĩ của người dân. Điều này cần sự vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc định hướng, hướng dẫn người dân các hình thức sản xuất phù hợp; tái tạo không gian sống, không gian làm nghề tuỳ điều kiện, hoàn cảnh.

Bài 2: Vỡ cảnh quan, mờ bản sắc

Bài 4: Yêu quê thì sẽ còn quê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Tái tạo, bảo tồn không gian làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.