(HNM) - Người đàn ông vẻ mặt khắc khổ, buồn buồn ngồi chống cằm suy tư trong căn phòng rộng mênh mông và vắng ngắt khiến tôi không thể không chú ý khi bước vào Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Long An.
Vẻ mặt đầy tâm trạng ám ảnh khiến sau khi làm việc với phòng nghiệp vụ về công tác chống buôn lậu, tôi đã phải quay lại tìm ông. Không ngờ, đây là người đã từng làm cho các trùm buôn lậu xanh mặt khi nhắc tới tên ông: Ba Xanh, Tư Mặt rỗ, Tư Cưng! Nhưng bây giờ thì ông đang "ngồi chơi xơi nước" trong khi công tác chống buôn lậu đang khó khăn hằng ngày, hằng giờ vì thiếu người.
"Dân biết, can cớ chi chính quyền không biết?"
Ông C, một người dân ở xã Lộc Giang (huyện Đức Hòa) phải thốt lên đầy bức xúc như vậy. Người đàn ông này biết rành rẽ từng đường đi nước bước của hàng lậu, điểm tập kết hàng, ai là "đề lô"… và ông khẳng định rằng tất cả mọi người từ dân đến lực lượng chức năng đều biết như ông. Vậy mà, tại sao buôn lậu vẫn hoạt động ngang nhiên như giữa chốn không người?
Ông Nguyễn Văn Cưng với hàng loạt giấy khen về thành tích chống buôn lậu và… quyết định cho thôi việc! |
Anh K, người dẫn đường ở huyện Đức Huệ mà chúng tôi đã nhắc trong bài viết trước cũng bức xúc không kém: Tại sao vỏ lãi chở hàng chỉ cách Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây có chừng 30m mà biên phòng không biết? Những chiếc vỏ lãi này còn chạy lở cả bờ kênh của ấp 1, xã Mỹ Quý Tây. Bức xúc, nhiều nông dân đã dùng tre làm hàng rào để chặn bọn buôn lậu, nhưng bọn chúng vẫn tháo ra để đi. Trước khi chúng tôi có mặt tại xã Mỹ Quý Tây một ngày, ngày 24-12-2010, chúng còn đòi dìm chết chị B., người đã cắm sào tre ngăn chúng!
Còn trên bộ, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến những đoàn xe chở hàng lậu ào ào phóng qua với tốc độ hàng trăm ki lô mét/giờ và người đi đường cứ nghe tiếng máy xe của bọn chúng từ xa là phải nhanh chóng tấp sát vào lề. Mới đây, ngày 20-12, một phụ nữ 45 tuổi đã bị xe chở thuốc lá lậu đâm phải tại chợ Tho Mo khi chị đang đi bộ đúng phần đường của mình. Chiếc xe sau khi tông người đã bỏ chạy. Dù được người nhà nhanh chóng đưa đến Bệnh viện huyện Đức Huệ cấp cứu nhưng vết thương quá nặng nên phải chuyển về Bệnh viện Củ Chi, rồi chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy. Cho đến hôm nay, chị vẫn phải điều trị trong bệnh viện. Vụ việc cũng đã được CSGT đến lập biên bản, nhưng đến nay người nhà chị cũng chưa nhận được thông tin gì về người gây tai nạn.
Trường hợp của người phụ nữ ấy xem ra vẫn còn may mắn. Đã có người chết và nhiều người phải mang thương tật nhưng vẫn đành phải "im lặng bỏ qua" vì sợ gây thù chuốc oán với bọn chúng. Nhắc đến vấn đề này, nhà thơ Vũ Chí Thành (Hội VHNT Long An) ngán ngẩm: Tháng 9-2009, khi nhà báo Trần Hàn Phong (Báo Long An) về ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa thu thập tài liệu để viết bài thì bị bọn buôn lậu phát hiện và quay ngược lại truy đuổi. May là khu vực này gần nhà của nhà thơ Vũ Chí Thành nên nhà báo Trần Hàn Phong chạy vào ẩn nấp. Đến buổi tối, tưởng tình hình đã êm nên hai người đi đến nhà thầy giáo Nguyễn Văn Lợi. Không ngờ, bọn buôn lậu vẫn rình đợi bên ngoài và đi theo. Khi đang ngồi uống trà thì nhà thơ Vũ Chí Thành đã bị bắn bằng súng hơi vào đùi, mà theo ông thì có thể bọn buôn lậu bắn nhà báo Hàn Phong nhưng đạn lạc trúng ông.
Bị sa thải vì chống buôn lậu
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 127 tỉnh Long An, trong 11 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 511 vụ buôn lậu, thu giữ gần 900.000 gói thuốc lá ngoại. Riêng Chi cục QLTT tỉnh phát hiện 128 vụ vận chuyển hàng lậu, tịch thu gần 160.000 gói thuốc lá ngoại. Đánh giá của Chi cục QLTT cho rằng tình hình buôn lậu tháng 11 có giảm so với những tháng trước; hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ tuy còn phức tạp nhưng số lượng và quy mô hàng lậu cũng có giảm.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về tình trạng hàng lậu ngang nhiên vận chuyển trong những ngày qua tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ thì một cán bộ phòng nghiệp vụ của Chi cục QLTT cho rằng, QLTT đã làm hết sức mình nhưng bọn buôn lậu có rất nhiều "đề lô", hễ anh em chốt chặn nơi này thì chúng lại đi đường khác. Trong khi đó, lực lượng QLTT thiếu cả người và phương tiện nên không thể rải đều tất cả các tuyến để chặn chúng. Đây cũng là thực tế chúng tôi ghi nhận được trong những ngày qua. Các trùm buôn lậu trả lương cho mỗi "đề lô" đến vài triệu đồng/tháng, có "trùm" còn trả theo tuần, mỗi tuần 1 triệu đồng để "đề lô" đeo bám ráo riết lực lượng chống buôn lậu. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở đây thì nếu lực lượng chức năng làm việc mạnh tay hơn thì bọn buôn lậu cũng không thể hoành hành như vậy.
Chúng tôi đã tiếp cận với ông Nguyễn Văn Cưng, tài công lái ca nô thuộc Chi cục QLTT tỉnh Long An từ năm 1995 và đã được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Ông Cưng cho biết, khi đang làm việc bình thường thì vào ngày 10-3-2010 ông nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do: "Sắp xếp lại công tác tổ chức, không bố trí công tác khác được". Ông Cưng khiếu nại vì ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, chưa từng bị kỷ luật, nhiều năm liền là lao động tiên tiến. Ông còn là người lái ca nô đáng nể: chạy đêm không cần đèn, luồn lách như bay trong những con rạch nhỏ. Hơn nữa, ông còn có lực lượng quần chúng tin cậy sẵn sàng giúp đỡ truy tìm hàng lậu. Chính vì vậy nên tên thường gọi của ông là Tư Cưng, nhưng bọn buôn lậu gọi ông là… Tư Mặt rỗ, anh Ba Xanh (vì ông lái chiếc bo bo màu xanh). Các "trùm" buôn lậu đều e dè ông, cho người theo dõi ông mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, Xì Đen - một trùm buôn lậu nổi danh hiện đã "gác kiếm" (chúng tôi sẽ đề cập trong bài sau) chỉ nhìn thấy ông đã giật mình, đánh rơi cả ổ bánh mì đang ăn dở!
Sau khi nhận khiếu nại của ông Cưng, Thanh tra Sở Công thương Long An đã vào cuộc xác minh vụ việc và ngày 17-9, Giám đốc Sở Đặng Văn Lớp đã ký quyết định hủy bỏ quyết định sa thải ông Cưng, buộc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Những tưởng, ông Cưng sẽ được tiếp nhận lại việc cũ, lái ca nô truy tìm buôn lậu, nhưng ngày 21-9, Chi cục trưởng QLTT Nguyễn Văn Minh lại ký quyết định điều động ông Cưng về công tác tại Phòng Tổ chức - Hành chính. Và đến ngày 23-11, Chi cục trưởng QLTT Nguyễn Văn Minh lại lần nữa có công văn đề nghị Sở Công thương chấm dứt HĐLĐ đối với ông Cưng. Lý do là trước kia QLTT đã trang bị một số ca nô để thực hiện công tác chống buôn lậu trên đường sông nên có nhu cầu tuyển, tuy nhiên số lượng ca nô hiện nay chỉ còn một chiếc trong khi nhân viên lái tàu có đến 3 người.
Vấn đề là, trong khi bọn buôn lậu đang hoành hành trên tuyến biên giới và lực lượng QLTT luôn cho rằng thiếu người, thiếu phương tiện thì tại sao lại đi giảm phương tiện và người chống buôn lậu? Với gương mặt trầm buồn, ông Cưng cho biết ông chỉ mong mỏi được trở lại công việc truy tìm bọn buôn lậu. Trao đổi với chúng tôi, ông vẫn tự hỏi không biết vì sao mình bị sa thải. Bởi, chỉ trong tháng 12-2009, với "đề lô" của riêng mình, ông đã cùng anh em đội 5 "đánh" được 3 vụ thắng lớn tại huyện Đức Hòa. Năm 2009, ông đạt danh hiệu lao động tiên tiến, được Chi cục đề nghị Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh khen thưởng thành tích chống buôn lậu thì tại sao đến tháng 3-2010 ông lại bị sa thải với lý do không rõ ràng?
(Xem tiếp kỳ sau)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.