(HNM) - Đảng ta xác định: Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, song hành với phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa...
1. Kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc, đồng thời Đảng ta luôn luôn có ý thức tự đổi mới, sáng tạo, từ bỏ những cái cũ không còn thích hợp. Đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bản chất của Đảng: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", 30 năm qua, Đảng đã chủ động, tích cực đổi mới trước hết là phát triển về tư duy, nhận thức lý luận. Đảng đã xác định rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất; quy định rõ hơn vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống đó. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Tiếp tục khẳng định Đảng ta là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, Đại hội X đã bổ sung: "Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam".
Việc thực thi dân chủ trong lĩnh vực kinh tế tạo động lực phát triển đất nước ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Ngô Hà |
Đảng ta đã xác định ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn nền tảng tư tưởng; nhận thức rõ yêu cầu đối với Đảng lãnh đạo, cầm quyền; xác định đầy đủ hơn, sâu sắc hơn vị trí, nội dung, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Phát triển về nhận thức và tư duy Đảng ta đã xác định rõ vai trò, vị trí của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Khẳng định nhiệm vụ không ngừng đổi mới, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền, Đảng xác định rõ quan điểm hành động: "Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan. Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: Sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên".
Nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn, Đảng có Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII "Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay", đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Thực hiện các Nghị quyết này, Đảng ta đã tạo chuyển biến, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Đảng ta từng bước khắc phục một số hạn chế về công tác cán bộ và thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Đảng đã tăng cường công tác tư tưởng, nổi bật là triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - giờ đây đã được xác định là việc làm thường xuyên, quan trọng của mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên.
Đảng ta đã chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị, đổi mới công tác tổ chức cán bộ... Từ trung ương xuống địa phương, các cấp ủy Đảng đã thực hiện chế độ lãnh đạo tập thể đi đôi với phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Dân chủ trong Đảng được mở rộng và phát huy. Giữ vững vai trò lãnh đạo, Đảng ta đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Nhà nước. Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay. Công tác tổ chức, cán bộ được đổi mới từ trung ương xuống cơ sở. Lần đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Các Ủy viên Trung ương Đảng được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới trong các lớp học tập trung. Cán bộ dự nguồn lãnh đạo cao cấp được tham gia các lớp do các chuyên gia hàng đầu, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trực tiếp giảng dạy, trao đổi. Hàng trăm lượt cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã được điều động, luân chuyển, sắp xếp, bố trí lại trong những năm qua góp phần tích cực nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều đảng bộ như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… để lại dấu ấn đậm nét về công tác tổ chức, cán bộ trong những năm qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành.
2. Tích cực xây dựng và chỉnh đốn trong nội bộ, Đảng đồng thời chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Khái niệm "Nhà nước pháp quyền" lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994): "Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Đến nay, sau hơn 20 năm, kết quả xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng có nhiều tiến bộ. Tổ chức và cơ chế hoạt động của các thiết chế trong bộ máy nhà nước có nhiều đổi mới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quốc hội đổi mới từ bầu cử đại biểu đến hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động; làm tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chính phủ nâng cao năng lực hành pháp, nâng cao năng lực hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô. Công tác điều hành, quản lý của Chính phủ được đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức, bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cơ quan bổ trợ tư pháp được kiện toàn, chất lượng hoạt động có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế tình trạng oan, sai.
Đảng ta khẳng định, dân chủ là bản chất của chế độ, vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Thể chế thực thi quyền dân chủ của nhân dân đã từng bước được xác lập và cụ thể hóa. Dân chủ trong lĩnh vực kinh tế có bước tiến rõ rệt, thể hiện cụ thể là quyền tự do - tự chủ sản xuất, kinh doanh. Dân chủ hóa về chính trị và các lĩnh vực khác từng bước được thực hiện. Ý thức dân chủ của công dân và của xã hội, trình độ năng lực làm chủ của nhân dân đã được nâng lên. Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích và trách nhiệm của chủ thể trong xã hội đã được luật hóa cụ thể hơn và thực hiện từng bước có hiệu quả. Việc ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Các hình thức thực hiện dân chủ từng bước được hoàn thiện, đặc biệt được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật.
Thành tựu nổi bật về xây dựng Đảng, phát huy dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa góp phần khẳng định vai trò, năng lực lãnh đạo Đảng. Chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta ngày càng thể hiện rõ tính ưu việt. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra với Đảng ta ngày càng cao, nhưng, Đảng, Nhà nước ta luôn vững vàng, thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối đổi mới. Đảng ta đã chèo lái con thuyền Việt Nam vững vàng trước mọi sóng gió, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.