Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Văn hóa - nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô

Nguyễn Thanh| 01/09/2022 06:20

(HNM) - Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đặt ra nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm văn hiến; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Với nhiệm vụ này, Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã đề ra nhóm giải pháp, trong đó tập trung đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản cũng như triển khai có hiệu quả Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa.

Hà Nội là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng với hệ thống hàng ngàn di sản văn hóa, kết cấu hạ tầng phong phú. Trong ảnh: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Quang

Khai mở tiềm năng, thế mạnh

Là một trong 30 thủ đô cổ nhất trên thế giới, thành phố duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có lịch sử ngàn năm tuổi, Hà Nội - suốt dặm dài lịch sử đã trưng cất cho mình hệ giá trị mà hiếm nơi nào có được. Đó là đặc trưng hội tụ, kết tinh, lan tỏa văn hóa dân tộc, điều góp phần xác lập vị trí, sứ mệnh đặc biệt của văn hóa Thủ đô trong các nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước. Nói cách khác, cùng với thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội mang trong mình sứ mệnh “kinh sư muôn đời”, nơi hội tụ, nuôi dưỡng trí tuệ, tài năng của dân tộc Việt Nam, nơi tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hà Nội là vùng tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu có nhất đất nước, với hệ thống hàng ngàn di sản văn hóa dày đặc, kết cấu hạ tầng phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp phố phường, thôn quê cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc nhiều lớp lịch sử, hạ tầng văn hóa đa dạng đến sự phong phú của các sản phẩm thủ công sáng tạo… Đây chính là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.

Cũng trong nỗ lực giữ cho được hồn cốt của mảnh đất “kinh sư muôn đời” hào hoa và thanh lịch, Hà Nội - cho dù chịu nhiều “va đập” từ quá trình đô thị hóa, những xung đột văn hóa của kinh tế thị trường thời hội nhập, vẫn giữ cho mình bản lĩnh vững vàng để định hình những giá trị, chuẩn mực phù hợp với thời đại.

Trên lộ trình xây dựng Hà Nội vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc, người Hà Nội đón nhận những tác động văn hóa từ nhiều vùng miền, nhiều quốc gia bằng thái độ cởi mở với cái mới, nhưng tiếp thu có chọn lọc để làm giàu phong cách, lối sống cho mình. Trong nỗ lực của mọi tầng lớp nhân dân, không thể thiếu sự đồng hành chặt chẽ của hệ thống chính quyền, với chương trình hành động xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ của Đảng bộ thành phố về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cuộc vận động thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội được triển khai rộng khắp trong nhiều năm qua cũng cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Hà Nội trong việc căn chỉnh những hành vi chưa đúng, lối ứng xử chưa phù hợp, qua đó khai thông nguồn lực từ văn hóa ứng xử ở Thủ đô.

Vai trò và giá trị của văn hóa được thấm nhuần, đã và đang mang lại những lợi ích không nhỏ. Những tiêu cực trong văn hóa ứng xử, sự cố về văn hóa tiếp tục được cộng đồng soi rọi, cảnh báo và điều chỉnh. Những việc làm, hành động vì tình yêu Hà Nội được nhân lên mỗi ngày. Văn hóa ứng xử đã và đang trở thành một nguồn lực quan trọng, góp phần tạo nên sức hấp dẫn, sức cạnh tranh của Hà Nội. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, đánh giá một cách công bằng, Hà Nội bây giờ đẹp hơn nhiều, hiện đại hơn, song cũng rất giàu bản sắc… “Chỉ riêng về kiến trúc, với các lớp kiến trúc hiện đại, cổ kính đan xen cũng đã tạo ra cho thành phố những điểm nhấn độc đáo ghi dấu lịch sử. Không chỉ cảnh quan đẹp, người Hà Nội cũng có ý thức để cho thành phố ngày càng đẹp hơn, tự thấy khó chịu với những điều không hợp với văn hóa. Đó cũng chính là thay đổi tiến bộ trong nhận thức, hành động, cần được đánh giá cao”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhìn nhận.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ ra: Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn… Đây là cơ sở để Hà Nội tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh... trong giai đoạn mới, làm sao để những giá trị văn hiến của đất kinh kỳ; cốt cách, khí phách, sự lịch lãm của người Hà Nội tiếp tục được khơi dậy, phát huy.

Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa

Là kinh đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã và đang được đặt rất nhiều kỳ vọng trong việc xây dựng Thủ đô xứng đáng với vai trò, vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế... Trong đó, với nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định: Phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô.

Hiện thực hóa Nghị quyết, Hà Nội đã đề ra nhóm giải pháp cho sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giai đoạn mới. Đó là, quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn. Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, văn hóa là sự hội tụ tinh hoa bốn phương, dù là người gốc hay không gốc Hà Nội, nhưng đã sống trên đất này, phải thể hiện được văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa của Thành phố Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Cần xây dựng con người Hà Nội biết tự hào, tự trọng và tự ái. Tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến. Tự trọng vì mình là người của mảnh đất địa linh nhân kiệt, cho nên phải giữ gìn từ bản chất, nội tâm đến hành vi, lời nói, ứng xử. Và phải biết tự ái, khi mà những nơi khác, điều kiện khó khăn hơn, vất vả hơn, người ta lại làm được nhiều việc tốt hơn.

Là một nền văn hóa mở, biết chấp nhận và tôn trọng các giá trị khác biệt, trong quá trình giao lưu và tiếp biến, Hà Nội vừa quyết giữ cho được các giá trị truyền thống cốt lõi, vừa chọn lọc tinh hoa, kinh nghiệm của các nước khác để làm giàu nền văn hóa của mình, trong đó có cách thức phát triển công nghiệp văn hóa. Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hóa và cộng đồng, sáng tạo ra giá trị di sản đương đại, giá trị gia tăng từ di sản, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng, Hà Nội có 2 yếu tố căn cốt nhất để phát triển công nghiệp văn hóa, là tài nguyên di sản và khả năng sáng tạo.

“Thành phố cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa. Chú trọng, ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người của công nghiệp văn hóa, vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hóa”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho hay, vấn đề cốt lõi để phát triển công nghiệp văn hóa hay Thành phố sáng tạo là hội tụ, phát huy nguồn lực nội sinh, năng lực sáng tạo, tinh thần Thăng Long - Hà Nội trong mỗi người. Do vậy, cần định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa trong bối cảnh phát triển mới của Hà Nội và đất nước. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra những quy định về cách thức biểu đạt, thể hiện..., giúp các chủ thể sáng tạo định hình sản phẩm theo hướng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; đồng thời, phát huy năng lực riêng có trong mỗi con người.

Và như vậy, những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết số 15/NQ-TU sẽ là nền tảng, động lực và sự dẫn hướng cho việc không ngừng phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực phát triển mới cho Hà Nội, đúng như mong muốn, kỳ vọng của nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Văn hóa - nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.