Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Tất cả cho ngày mai hoa nở

Anh Tuấn| 15/04/2010 06:53

(HNM) - Thật may mắn, trong chuyến đi "Theo dấu chân đoàn quân thần tốc", tôi gặp được ông Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 Đặc công Rừng Sác Anh hùng.

Khi được hỏi về những chiến công đã thành huyền thoại, ông Ước ngậm ngùi: 35 năm đã trôi qua, những ngày này khi khắp nơi trong cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thì tôi vẫn nhận được điện từ thân nhân của các chiến sỹ, hỏi về việc đi tìm hài cốt. Gần 4.000 ngày bám trụ ở Chiến khu Rừng Sác, hơn 800 chiến sỹ đặc công đã anh dũng hy sinh, trong đó hơn 500 người vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Các anh đã hòa vào sông nước mênh mông…

Một vùng sông nước ngập tràn chiến công

80 tuổi, bị thương nhiều lần, nhưng người chỉ huy "Những thiên thần rừng Sác" Lê Bá Ước vẫn rất khỏe và minh mẫn. Ông kể: Địch liên tục tổ chức các đợt phản kích hòng "trục xuất" đặc công ra khỏi rừng Sác. Máy bay trực thăng, tàu chiến, thậm chí cả B52… quần đảo suốt ngày đêm. Ban ngày hễ thấy vật gì nổi trên mặt nước, hay về đêm thấy các dải bọt trắng cho là của xuồng ghe đi lại, lập tức địch trút bom, đạn pháo hàng tiếng đồng hồ. Có thể thấy một hình ảnh đối lập tại chiến trường rừng Sác lúc đó, một bên là bọn địch được trang bị đến tận chân răng, có tàu to, pháo lớn, máy bay yểm trợ - một bên là các chiến sỹ đặc công nước mình trần, bên hông chỉ có túi gạo rang, bình toong nước, mấy quả lựu đạn, con dao, cổ đeo ống thở, có lúc là những trái mìn tự tạo với kíp hẹn giờ được làm bằng… phèn chua, vậy mà bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, các chiến sỹ đặc công đã thiêu cháy kho bom Thành Tuy Hạ, phá hủy 60 nghìn trái bom (18 nghìn tấn), 100 nghìn quả đạn pháo; đốt Kho xăng Nhà Bè với 250 triệu lít xăng cháy suốt 12 ngày đêm… Những chiến công của đặc công rừng Sác đã góp phần "chia lửa" với các chiến trường, tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã buộc phải ra lệnh ngừng nhiều cuộc hành quân, các trận đánh phá vùng giải phóng vì thiếu xăng, đạn.

Tượng đài kỷ niệm tại Khu di tích đặc công Rừng Sác. Ảnh: Duy Quang

- Đánh vào kho tàng, bến bãi của địch được bảo vệ, tuần tra, canh giữ hết sức nghiêm ngặt… chúng tôi không ngại. Sống trong rừng Sác chỉ lo nhất là thiếu nước ngọt và lương thực - Ông Ước nói. Để có nước uống, ban đêm anh em phải bơi vào các ấp xin từng can nước, được vài lần, địch phát hiện, cho quân phục kích quanh lối vào các ấp, nơi có giếng, có ao, nhiều chiến sỹ đã hy sinh để đổi lấy một can nước ngọt cho đồng đội. Sau này đặc công rừng Sác đã có sáng kiến nấu nước mặn theo kiểu nấu rượu. Có nước rồi lại phải lo gạo ăn. Nếu không có tình yêu thương, sự hy sinh, đùm bọc của nhân dân, chắc chắn Đoàn 10 khó trụ vững trên một địa bàn hết sức khó khăn (các huyện Nhơn Trạch, Nhà Bè, Cần Giờ…), khó có thể hoàn thành nhiệm vụ trên giao. Trong khi Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn gào thét: "Tử hình bất cứ người dân nào đem một cân gạo tiếp tế cho Việt Cộng", thì bà con các ấp xung quanh vẫn chấp nhận hy sinh, tù đày, tìm mọi cách vận chuyển gạo cho bộ đội.

Ngoài chuyện lo gạo, nước, các chiến sỹ đặc công rừng Sác còn phải đối mặt với một hiểm nguy khác luôn rình rập, đó là cá sấu. Cá sấu ở các khu rừng ngập mặn quanh rừng Sác rất nhiều. Đến nay, các chiến sỹ Đoàn 10 vẫn còn nhớ như in hình ảnh những đồng đội rất giỏi bơi lội của mình bị cá sấu tấn công. Không gì đau đớn bằng cảnh nhìn bạn mình phải quằn quại chống trả trong tuyệt vọng với bầy cá sấu hung dữ, không ai dám bắn vì sợ lộ mục tiêu, chỉ còn biết nuốt nước mắt, cố bơi thật xa chỗ đó. Bị cá sấu tấn công nhiều, các anh đã phát động phong trào thi đua "diệt giặc sấu" với nhiều cách như phá các tổ trứng cá sấu, gắn kíp nổ vào vịt, thả bơi nhử cá sấu đớp vào cho nổ tung, đánh động những chỗ nghi có cá sấu để địch trút pháo vào đó.

Qua hơn 10 năm bám trụ tại chiến khu rừng Sác, Đoàn 10 đặc công đã bắn cháy, đánh chìm 500 tàu chiến các loại, 200 tàu vận tải quân sự trọng tải từ 6 nghìn đến 1 vạn tấn trên sông Lòng Tàu, bắn rơi hàng chục trực thăng, diệt hàng nghìn tên địch… trong đó có nhiều chiến công vang dội làm nức lòng quân dân cả nước, như các trận đánh kho bom Thành Tuy Hạ, Kho xăng Nhà Bè, các trận pháo kích Dinh Độc lập, Tòa Đại sứ Mỹ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các đơn vị Đặc công rừng Sác đã cùng Biệt động Sài Gòn- Gia Định đánh chiếm và giữ an toàn các cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc, Sài Gòn, bảo đảm thông suốt cho chủ lực đột phá thẳng vào các vị trí quan trọng như Dinh Độc lập, Đài Phát thanh, Tổng nha Cảnh sát… Với những thành tích xuất sắc, Trung đoàn 10 đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Nhơn Trạch hôm nay


Những ngày ở Nhơn Trạch, tôi như lạc vào một "cõi công nghiệp" bên xứ Tây. Có lẽ đây là huyện có nhiều khu công nghiệp nhất nước. Lãnh đạo Nhơn Trạch không giấu vẻ tự hào khi cho chúng tôi biết: 5 năm lại đây, huyện có 157 dự án đầu tư mới, trong đó có những dự án lớn như dự án đầu tư hạ tầng KCN Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, Nhà máy Nhiệt điện Ông Kèo, nhà máy đóng tàu thủy của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh (40km), nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty TNHH Sangyan Vina... Tổng số dự án đã thực hiện trên địa bàn đến năm 2009 là 328 dự án, với tổng vốn đầu tư 6,44 tỷ USD, trong đó có 200 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh, thu hút hơn 50.000 lao động.

Được sự quan tâm của Nhà nước và tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch cũng đã đầu tư trên 300 tỷ đồng nâng cấp các đường 769, 319; hoàn thành xây dựng mới đường 25C đoạn qua KCN Nhơn Trạch; đã triển khai công tác bồi thường, GPMB cho dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… Bên cạnh đó, từ nguồn vốn xã hội hóa, huyện đã chi hơn 8 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng mới 65km cầu, đường giao thông xóm ấp. Một số công trình hạ tầng xã hội cũng được hoàn thành đưa vào sử dụng trong giai đoạn này như công trình phục hồi Di tích lịch sử địa đạo Nhơn Trạch, trung tâm văn hóa các xã và trụ sở làm việc của một số ngành tại khu trung tâm huyện.

Mới đây, Chính phủ đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung định hướng phát triển thành phố mới Nhơn Trạch đến năm 2020, trong đó có mở rộng quy hoạch khu trung tâm đô thị lên 10.100ha. Huyện cũng cho triển khai lập quy hoạch chi tiết khu di tích Bia - Công viên Giồng Sắn, quy hoạch làng đại học, các quy hoạch chung (điều chỉnh) xây dựng thành phố mới Nhơn Trạch và quy hoạch tổng thể phát triển KTXH huyện đến năm 2010 - định hướng đến năm 2020… tất cả đều được công bố rộng rãi.

35 năm sau… Tại nhiều thôn, ấp trong lòng Chiến khu Rừng Sác Anh hùng, người dân đã lập miếu thờ những chiến sỹ đặc công anh dũng vì nước quên thân. Miếu đơn giản nhưng ấm cúng như những miếu thờ Thành hoàng làng ở ngoài Bắc, ở giữa có treo chữ TRUNG. Một tượng đài và Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ mới được hoàn tất ở Nhơn Trạch. Ngày rằm, mồng một, ngày lễ Tết… bà con khắp nơi đến thắp hương rất đông.

35 năm sau… Nhiều đoàn tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ tử trận ở Việt Nam nhờ cựu chiến binh rừng Sác giúp đỡ. Ông Louis Wesseling, nguyên Tổng Giám đốc Kho xăng Nhà Bè - nơi đã bị đặc công rừng Sác đánh cháy suốt hơn 10 ngày, tìm đến và xin gặp bằng được "những người tài giỏi" để bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục. Hẳn ông ngạc nhiên hơn nữa, khi thấy tại chiến trường Việt Nam, chiếc mũ sắt của lính Mỹ còn có thêm một công dụng mới ở Sở chỉ huy đặc công rừng Sác - đó là để trồng hoa. Những bông hoa mười giờ nở đỏ thắm giữa màu xanh mênh mông của rừng ngập mặn gợi cho ta nhiều điều suy ngẫm về sự phi lý của chiến tranh, về những mất mát hy sinh không gì đong đếm được để có Độc lập, Tự do cho Tổ quốc. Về tương lai…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Tất cả cho ngày mai hoa nở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.