Khoa học - Công nghệ

Nghị quyết số 57-NQ/TW - Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập

Thu Hằng 13/04/2025 - 09:02

LTS: Thời gian qua, khoa học công nghệ đã được chú trọng phát triển, song cơ chế quản lý hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập. Trước thực tế đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ban hành như một “luồng gió mới”.

Nghị quyết không chỉ tháo gỡ được nhiều rào cản, khắc phục điểm nghẽn và tạo cơ chế đột phá, để giải phóng sức sáng tạo nguồn lực mà còn tạo động lực, nguồn động viên tinh thần to lớn cho các nhà khoa học phát huy năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Báo Hànộimới thực hiện loạt bài “Nghị quyết số 57-NQ/TW - Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập” nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện về những khó khăn, thách thức mà các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu đang phải đối mặt; điểm qua những khó khăn mà hệ thống khoa học đang gặp phải và những kỳ vọng mang tính đột phá của Nghị quyết số 57-NQ/TW giúp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo nên những đột phá đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.

Bài 1: Lay lắt trong cảnh “sống mòn”

Năng lực khoa học và công nghệ của mỗi quốc gia phụ thuộc vào chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả trong hoạt động của các tổ chức nghiên cứu. Các chính sách về tự chủ được ban hành trong hai thập niên vừa qua đã đem lại những tác động khác nhau cho giới khoa học. Vốn được nuôi bằng “bầu sữa” ngân sách, việc chuyển sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí đã đặt ra nhiều thách thức cho các viện nghiên cứu công lập trong bối cảnh kinh tế thị trường.

Không dễ để tự chủ

Hệ thống các viện nghiên cứu ở Việt Nam được thành lập và xây dựng rất bài bản. Trực thuộc Chính phủ có các Viện Hàn lâm; trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ có nhiều viện nghiên cứu vụ cho hướng nghiên cứu của từng bộ, các tỉnh/thành, ngoài ra còn có các viện trực thuộc tập đoàn, tổng công ty...

Thời bao cấp, với đặc điểm của nền kinh tế tập trung, kế hoạch hóa, các viện nghiên cứu được Nhà nước bao cấp toàn diện để thực hiện các nhiệm vụ do Nhà nước giao. Khi Việt Nam chuyển sang hoạt động theo nền kinh tế thị trường, các viện chuyển dần sang mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP (ban hành ngày 5-9-2005) quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính và tài sản, tổ chức và biên chế của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

chu-quan1.jpg
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Thu Hằng

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, người tham gia vào quá trình xây dựng Nghị định 115/2005/NĐ-CP phân tích: Nếu để một viện có tiềm năng nhưng không ứng dụng được kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp và không tự sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực của mình, chỉ trông chờ nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên và cấp đề tài nghiên cứu thì đó là một cái thùng không đáy, năm nào cũng cấp một núi tiền vào đó, còn nhà nước chỉ thu lại được một số kết quả nghiên cứu rất khiêm tốn và không có khả năng ứng dụng, không có hiệu quả thực tiễn và chỉ để duy trì một bộ máy trì trệ. Một khi các tổ chức khoa học và công nghệ được quyền sản xuất kinh doanh, nhà khoa học chuyển giao được, bán được kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp hoặc trực tiếp sản xuất kinh doanh tài sản trí tuệ của mình thì nhà nước có thể thu lại tiền đầu tư qua thuế, và xã hội thì được sản phẩm mới, công nghệ mới. Đấy là cái được rất lớn, thậm chí phần người ta đóng thuế khi thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn lớn hơn cả phần nhà nước tài trợ cho nghiên cứu.

Gần 2 thập kỷ qua, sau Nghị định 115/2005/NĐ-CP, đã có thêm vài nghị định mới như: Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập... với hy vọng sẽ cập bến tự chủ nhưng thực tế thì gần như các viện nghiên cứu đều chật vật để tồn tại.

“Không dễ để tự chủ, nhất là khả năng tự chủ của các viện nghiên cứu khoa học cơ bản, đặc biệt là ngành khoa học xã hội và nhân văn” - đó là nhận xét của nhiều nhà khoa học. Việc thuần túy hiểu tự chủ là tự chủ về tài chính để bớt gánh nặng tài chính cho nhà nước cộng thêm với việc áp dụng chính sách tinh giản biên chế đã khiến nhiều tổ chức khoa học và công nghệ lao đao.

Hiện trạng ngổn ngang

Năng lượng nguyên tử là một lĩnh vực khoa học và công nghệ có nhiều tiềm năng đóng góp cho đời sống xã hội nhưng nghịch lý lớn nhất hiện nay mà những người làm ở Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM - Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận thấy là họ đang phải tồn tại ở thế vô cùng bấp bênh.

chi-thanh.jpg
TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ảnh: Hoàng Giang

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hạn hẹp về nguồn lực đầu tư ngân sách, các đơn vị của VINATOM đều phải tuân thủ cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP và sau là Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Với các mức độ tự chủ khác nhau, hầu hết các đơn vị của VINATOM phải chật vật để tìm nguồn thu trong khi khó có thể nâng giá sản phẩm, dịch vụ của mình lên. Mặt khác, việc đáp ứng các chỉ tiêu về tinh giản biên chế trong khi mức lương thấp và áp lực công việc cao khiến cho VINATOM không còn là điểm hấp dẫn để thu hút nhân lực chất lượng cao. Nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu hiện nay đang bị già hóa và thiếu trầm trọng các nhà khoa học trẻ có trình độ.

GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Trong những năm qua, lương cho cán bộ khối Viện/Trung tâm giảm dần, nhiều Viện chỉ chi trả được 50-60% mức lương vốn đã thấp của cán bộ. Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam năm 2025 được cấp bình quân 60 triệu/người kể cả lương và hoạt động bộ máy. Có nơi không có tiền trả lương thì cán bộ phải mang tiền nhà đến đóng bảo hiểm. Đã thế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các viện cũng cũ và lạc hậu nên rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này dẫn đến cán bộ khoa học bỏ đi hàng loạt...

quy.jpg
GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiêp. Ảnh: Thu Hằng

Theo PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện của ông cũng đối diện tình trạng cán bộ nghỉ việc, thôi việc (phần đông là các nghiên cứu viên cao cấp, có trình độ cao) chủ yếu do những nguyên nhân trong cơ chế, chính sách, đãi ngộ (tiền lương) nhân lực trong khu vực công. Công tác tuyển dụng thì giảm do Viện phải tinh giản biên chế theo quy định. “Tình trạng chảy máu chất xám đang là thách thức rất lớn ở nhiều ngành khoa học, công nghệ mũi nhọn của Viện Hàn lâm do sự cạnh tranh từ các khu vực tư, công ty, tập đoàn lớn về khoa học, công nghệ”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo GS Phùng Hồ Hải, ngân sách chi cho Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nơi ông đang công tác và đã có thời gian làm Viện trưởng, bao gồm chi thường xuyên, hoạt động nghiên cứu khoa học khoảng 13 - 15 tỷ đồng/năm. Tính trung bình cả lương và nghiên cứu khoa học thì khoảng trên 210 triệu đồng/năm/người. Nếu tính mức lương trung bình của Viện khoảng 9-10 triệu đồng/tháng (vì phần lớn nhân lực có trình độ từ tiến sĩ đến giáo sư) thì số tiền dành cho nghiên cứu còn rất nhỏ. Đã vậy, nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học của Viện Toán không phải chỉ dành cho cán bộ, chuyên viên của Viện mà cho cộng đồng Toán học Việt Nam nói chung như nghiên cứu sinh hay những người trẻ ngoài viện. Từ thực tế trên, GS Phùng Hồ Hải cho rằng, việc giảm đầu tư cho khoa học cơ bản nói riêng và khoa học nói chung ở Việt Nam hiện nay là lãng phí và làm thui chột thế hệ nhà khoa học trẻ. Bởi họ hoặc bỏ việc hoặc tìm cách gian lận trong khoa học do bị tác động bởi cơ chế thị trường, dẫn đến đạo đức khoa học xuống cấp.

dsc_8643-xuyen-1.jpg
TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Ảnh: Thu Hằng

TS. Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cũng như các viện nghiên cứu công lập khác, Viện của ông cũng khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ tiến sĩ về làm việc tại Viện; thu nhập bình quân cho cán bộ nghiên cứu còn thấp so với thu nhập trung bình chung của xã hội; cơ sở hạ tầng nghiên cứu chưa tiệm cận được với các tiêu chuẩn quốc tế; chưa tạo được nguồn tài chính tốt để hình thành quỹ nhằm triển khai cơ chế đãi ngộ, chính sách trọng dụng nhân tài, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược, chính sách khoa học và công nghệ.

Tại các viện tự bảo đảm chi thường xuyên, hằng năm không sử dụng ngân sách nhà nước để chi lương nhưng lại bị hạn chế quỹ thu nhập tăng thêm (không quá 3 lần quỹ tiền lương, ngạch, bậc…), do đó, không có cơ chế thu hút đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với các đơn vị tự chủ chi thường xuyên thì cũng không sáng sủa hơn do không có quyền tự quyết. Muốn mua sắm hay đầu tư máy móc, trang thiết bị vẫn phải viết đề xuất trình lên cơ quan chủ quản và phải chờ được phê duyệt.

“Ba yếu tố tự chủ là tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính, tự chủ tổ chức vẫn chưa tháo gỡ được. Điều này dẫn đến một môi trường tài chính giằng chéo, thậm chí anh em phải (nghĩ cách) đối phó”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến thông tin.

(còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị quyết số 57-NQ/TW - Lối ra cho các viện nghiên cứu công lập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.