Nhân chứng lịch sử kể lại thời khắc chiếc xe tăng đầu tiên (chiếc xe tăng 390) húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập với khí thế hừng hực của mũi thọc sâu, một trong 5 mũi tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 16-4, tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu 50 đại biểu tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh… trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với chủ đề “50 năm toàn thắng về ta”.
Hơn 400 đại biểu là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở khu vực phía Nam… dự.
Phát biểu tại chương trình, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Chiến thắng 30-4-1975 là cột mốc vĩ đại, niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trong suốt hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biết bao người con ưu tú đã ngã xuống với ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những người lính tuổi đôi mươi rời quê hương, khoác ba lô vượt Trường Sơn ra trận. Những bà mẹ, người vợ, người em gái, người con ở hậu phương thầm lặng chịu đựng mất mát, hy sinh, tiễn chồng con ra tiền tuyến bằng tất cả tình yêu và niềm tin vào ngày toàn thắng.
Ngày 30-4-1975 đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Đó là ngày toàn dân tộc tưng bừng trong niềm vui chiến thắng, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc non sông liền một dải, chấm dứt những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, mất mát, hy sinh và nỗi đau non sông chia cắt.
Với những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, đã hiến dâng cả tuổi trẻ, máu xương cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc, thì những dấu ấn của 50 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, như mới chỉ hôm qua - Trung tướng Trương Thiên Tô xúc động chia sẻ.
Chia sẻ tại chương trình giao lưu, Đại úy Vũ Đăng Toàn, sinh năm 1947 (khi đó là Trung úy - Chính trị viên đại đội, chỉ huy xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp) nhớ lại thời khắc lịch sử với khí thế ngút trời chọc thủng tuyến phòng thủ cuối cùng của Ngụy quyền đó là cầu Sài Gòn, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập theo trục đường Lê Duẩn.
Còn Thiếu úy Nguyễn Văn Tập, sinh năm 1950 (khi đó là Trung sĩ, lái xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp) kể: “Khi xe tăng tiến đến cuối đường Lê Duẩn, tiếp cận cổng Dinh Độc Lập, nhận được lệnh của chỉ huy Vũ Đăng Toàn, ngay lập tức, tôi lái xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập mà không chút do dự”.
Trong chương trình, bên cạnh các hoạt động tri ân là những câu chuyện, chia sẻ chân thành, cảm động của các anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh từng xông pha nơi tuyến lửa. Những con người đã góp sức trẻ viết nên bản hùng ca làm rạng danh dân tộc, để đất nước nở hoa độc lập, kết trái hòa bình, tự do.
Mỗi câu chuyện, mỗi dòng ký ức, mỗi gương mặt hiện diện tại đây là một trang sử sống động, là ngọn lửa thiêng truyền cảm hứng, là mệnh lệnh nhắc nhở thế hệ hôm nay phải không ngừng ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh và thành quả cách mạng của thế hệ cha anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.