Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Khởi nguồn cho những ước mơ khoa học

Vân Vũ| 27/03/2011 06:03

(HNM) - 20 năm trước, cũng vào dịp này, Giải thưởng "Sinh viên nghiên cứu khoa học" đã ra đời. Không phải đến khi có giải thưởng thì sinh viên (SV) mới tham gia nghiên cứu, các thầy mới hướng dẫn, nhưng một phần nhờ nó mà NCKH đã trở thành một nhu cầu của SV, những người trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê được tìm tòi, sáng tạo, được khẳng định mình và được xã hội ghi nhận.

Cũng nhờ giải thưởng này, nhiều tài năng đã được phát hiện, bồi dưỡng để trở thành những giảng viên, nhà nghiên cứu giỏi. Ở giải thưởng này, có những tên trường luôn được xướng lên trong các lễ trao giải, để từ đó thêm khẳng định uy tín. ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cái tên đó.

Thắp lửa những đam mê

Gặp giảng viên trẻ Đào Việt Hùng (Bộ môn Công nghệ điện tử và kỹ thuật y sinh), người đã giành giải nhất "Sinh viên NCKH" năm 2009 ngay trước giờ anh cùng các đồng nghiệp vào hội đồng bảo vệ đề tài nghiên cứu nên chúng tôi chỉ kịp trò chuyện trong mươi phút. Nhưng dường như thế cũng là đủ để tin vào một điều: Thế hệ trẻ hôm nay vẫn đầy đam mê và nhiệt huyết đối với những vấn đề có giá trị mang ý nghĩa xã hội. Đào Việt Hùng nói về SVNCKH với một sự say mê, cứ như NCKH là một nhu cầu không thể thiếu. Đem điều cảm nhận ấy nói với một cán bộ làm công tác quản lý khoa học của trường, được xác nhận rằng, đó là thực tế đã và đang diễn ra ở ngôi trường được coi là cái nôi của phong trào SVNCKH. Bởi ở đây hội tụ mọi điều kiện để "đốm lửa" trong mỗi SV luôn được thổi bùng thành những "ngọn lửa" cháy vì sự phát triển khoa học.

Sinh viên tham gia các đề tài khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai công nghệ cao ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Bảo Lâm

PGS-TS Văn Đình Đệ, người đã nhiều năm gắn bó với phong trào SVNCKH của Trường ĐH Bách khoa nhớ lại, ngay từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo trường đã rất quan tâm tới hoạt động NCKH của sinh viên bởi Bách khoa là một trường ĐH công nghệ nên hoạt động này được coi là một khâu quan trọng trong dây chuyền công nghệ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước. "Tuần khoa học sinh viên" đã được trường khởi xướng từ 27 năm trước và nhanh chóng trở thành một mô hình được nhân rộng trong các trường ĐH. Như giảng viên trẻ Đào Việt Hùng nhận xét, những ngày diễn ra "Tuần khoa học sinh viên", không khí trong trường như những ngày hội - ngày của những người thích nghiên cứu và được nghiên cứu. Từ bộ môn đến khoa, viện, các hội đồng bảo vệ đề tài được tổ chức nghiêm túc để đánh giá chính xác kết quả nghiên cứu của từng sinh viên, nhóm sinh viên, lựa chọn đề tài xuất sắc tham gia cấp trường. Cũng cạnh tranh khá gay gắt nhưng sinh viên rất hứng thú với phong trào bởi niềm đam mê của họ được thỏa mãn, với sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của thầy, cô và sự giúp sức của các trang thiết bị thí nghiệm chỉ có trong một trường ĐH định hướng nghiên cứu hàng đầu của đất nước. Thêm vào đó, bên cạnh sự đánh giá bằng những giải nhất, nhì, nhà trường đã có nhiều hình thức ghi nhận công sức của SV tham gia hoạt động NCKH như cấp giấy chứng nhận sinh viên NCKH như một chứng chỉ đầu đời về hoạt động KHCN để mai này khi ra trường, đơn vị tiếp nhận sẽ rõ hơn năng lực của SV để bố trí công việc phù hợp. Trường còn cộng điểm vào môn học, coi thành tích NCKH là một trong những tiêu chí để xét học bổng, chọn ngành học cũng như xét tuyển hoặc dự thi vào cao học cho SV. Ngoài những chính sách, cách làm chung, ở nhiều đơn vị của ĐH Bách khoa còn có những cách làm riêng. Viện CNTT và Truyền thông, nơi có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào SVNCKH với 2 giải nhất cấp Bộ và Vifotec (2003, 2008), 8 giải nhì và rất nhiều giải ba thì SV đã được tham gia các nhóm nghiên cứu của các thầy từ rất sớm. Viện còn thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, "Ngày hội sáng tạo và việc làm", mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp… để tạo môi trường nghiên cứu cho SV.

Trong những sự hỗ trợ cho SVNCKH không thể không kể đến tổ chức của thanh niên - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động của Đoàn, công tác NCKH được thâm nhập vào từng đoàn viên-SV, làm cho họ hiểu được lợi ích của việc tham gia NCKH, giúp SV giải quyết khó khăn trên chặng đường đầu tiên đến với công việc của một nhà nghiên cứu như tìm đề tài, tìm hiểu về chuyên ngành, tìm thầy hướng dẫn. Đoàn đã trở thành chiếc cầu nối SV với giảng viên, SV với cựu SV. Những buổi hội thảo chuyên đề, những cuộc triển lãm "Khoa học sinh viên" đã thuyết phục những ai còn nghi ngại rằng NCKH là việc của những nhà nghiên cứu, là việc quá cao xa mà tuổi mười tám đôi mươi chưa thể với tới. Những tấm gương của lớp trước giúp SV lớp sau nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải tham gia NCKH ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đúng như giảng viên trẻ Đào Việt Hùng chia sẻ: Trường ĐH là nơi lý tưởng để SV bước những bước đi đầu tiên nhưng vững chắc trên con đường đến với khoa học. Kể từ khi Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Liên hiệp Các hội Khoa học - Kỹ thuật tổ chức trao Giải "Sinh viên nghiên cứu khoa học" thì SV Bách khoa nói riêng và SV cả nước nói chung đã có một "sân chơi" đầy ý nghĩa. Nó đã tạo thêm động lực để các cử nhân, kỹ sư tương lai làm quen với việc tổ chức thực hiện các đề tài NCKH và có cơ hội vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề mà khoa học và thực tiễn đặt ra.

Ở một môi trường như thế, không lạ khi số công trình dự thi cấp trường tăng đều 10% sau mỗi năm, đến năm học vừa qua đã lên đến con số 467 công trình. Trong 10 năm qua, SV ĐH Bách khoa đã giành được 240 giải cấp Bộ, trong đó có 10 giải nhất, 82 giải Vifotec, trong đó có 5 giải nhất.

Hành trang vào đời

Những con số trên đã nói lên nhiều điều song chưa phải là tất cả. Nhiều SV đã tham gia các đề tài hoặc hướng nghiên cứu của các thầy, công bố công trình trong các hội thảo trong nước, quốc tế và giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội đặt ra. Chính từ phong trào này, nhiều SV có khả năng được phát hiện, bồi dưỡng và trở thành giảng viên của trường hoặc giữ các vị trí quan trọng tại các đơn vị khác; nhiều người tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu để trở thành những tiến sĩ trẻ. PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT và Truyền thông đã rất tự hào khi nói về các cựu SV đạt thành tích trong NCKH, nay có người đã phát triển đề tài đoạt giải của mình thành sản phẩm hàng hóa được nhiều người biết đến với cái tên "Sóc bay" Nguyễn Xuân Tài, giải nhì năm 2006 với đề tài "Hệ thống tìm kiếm tiếng Việt thông minh"; có người đi theo con đường nghiên cứu giờ đã là một tiến sĩ trẻ và đang làm sau tiến sĩ tại CH Pháp - Đỗ Phan Thuận, giải nhất năm 2003 với đề tài "Giải thuật di truyền ứng dụng giải bài toán tối ưu hàm bậc 2 với ma trận xoay".

Nhận thấy thông qua hoạt động NCKH, bản thân sẽ được làm quen với kỹ thuật thực nghiệm, cập nhật thêm những thông tin mới, kiến thức chuyên sâu trong chuyên môn, đồng thời trong quá trình tham gia giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật, biết tự học hỏi, xây dựng cho mình phương pháp tư duy, tự khẳng định về kỹ năng triển khai các công việc nên hoạt động NCKH của SV giờ không thuần túy mang tính phong trào như những năm chín mươi của thế kỷ trước mà đã trở thành nhu cầu nội tại, nhất là đối với những SV khá, giỏi. "Với mỗi SV, tham gia NCKH sẽ giúp họ có thêm kiến thức thực tế, hiểu sâu hơn kiến thức đã học để tiếp thu kiến thức mới tốt hơn. Thêm nữa, NCKH cũng rèn luyện tính cẩn thận, sự tỷ mỉ, biết làm việc theo nhóm, rèn kỹ năng viết báo cáo, thuyết trình, đọc, dịch tài liệu", Đào Việt Hùng tổng kết. NCKH đã trở thành nhu cầu nên không chỉ SV năm cuối mới tham gia mà cả SV năm thứ 3, 4 đã đến với công trình nghiên cứu. Đề tài được chọn rất đa dạng, phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như CNTT, công nghệ biến đổi gen, công nghệ nano, cơ khí... và đều xuất phát từ thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao.

Có thể nói, tham gia NCKH, SV thay đổi phương pháp học tập từ bị động sang chủ động, tích cực hơn; biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Rèn luyện và trưởng thành trong quá trình đó, SV Bách khoa đã có thêm một hành trang để bước vào đời và tiếp tục làm rạng danh cái tên luôn được đánh giá là "cánh chim đầu đàn của giáo dục đại học Việt Nam".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Khởi nguồn cho những ước mơ khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.