(HNM) - Sự đồng thuận của nhân dân 7 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, nơi có dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Vành đai 4) đi qua đã cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan chức năng sớm tìm ra hướng giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Những khó khăn chưa có tiền lệ
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn qua Thủ đô Hà Nội có tổng diện tích đất phải thu hồi lên tới 798,01ha, với 16.633 hộ dân phải thu hồi đất và thời hạn bàn giao 100% mặt bằng là cuối năm 2023 đã cho thấy áp lực rất lớn mà các địa phương phải thực hiện từ nay đến cuối năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, các địa phương, đơn vị đã và đang nỗ lực “vừa làm, vừa gỡ” nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án.
Chia sẻ về những khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường cho biết, tại địa phương, hiện có 121 hộ gia đình, cá nhân có tổng diện tích đất nông nghiệp còn lại sau thu hồi là 3.190m2, có nguyện vọng đề nghị Nhà nước thu hồi nốt. Bởi diện tích đất còn lại sau thu hồi của các hộ dân nhỏ hơn 50m2 hoặc lớn hơn 50m2 nhưng thuộc diện “siêu mỏng, siêu méo”. Cá biệt, có những trường hợp, thửa đất có mặt tiền rộng 30-40m nhưng chiều sâu so với chỉ giới thu hồi chỉ khoảng 1,5-2m. Tuy nhiên, theo quy định của thành phố hiện chỉ cho phép UBND các quận, huyện được phép thu hồi phần diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2, chéo méo, khó canh tác còn thừa lại sau khi đã thu hồi theo quy định trên nguyên tắc các quận, huyện phải phối hợp với chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo quy định và chỉ giới thu hồi đất xen kẹt, chéo, méo giao cho địa phương quản lý…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn thông tin, trong quá trình giải phóng mặt bằng cũng phát sinh tình trạng một số hộ, các con trong gia đình được đền bù có tranh chấp quyền thừa kế dẫn đến tranh chấp tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Cá biệt có những thửa đất thổ cư diện tích lớn hơn 500m2, thậm chí lên tới 1.000m2 nhưng chỉ có 200m2 đất ở và 800m2 đất vườn, nhưng khi đền bù, theo quy định chỉ được 1 suất tái định cư diện tích tối đa 180m2. Trên thực tế, một số thửa đất có nhiều thế hệ, nhiều gia đình cùng chung sống, nhưng chưa được tách hộ. Đáng chú ý, còn có tình trạng một số thửa đất ao, đất vườn nhưng đã xây dựng nhà ở nên theo quy định không được tái định cư…, nên việc đền bù thấu tình, đạt lý cho các hộ dân không hề đơn giản.
Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh nêu thực trạng, theo quy định, khi thực hiện di chuyển mộ phục vụ giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 4, mộ đất được bồi thường 5.240.000 đồng, nhưng lại không phân biệt mộ đã cải táng và chưa cải táng. Trên thực tế, mộ chưa cải táng cần nhiều chi phí hơn vì phải thực hiện thủ tục bọc quan tài, đưa toàn bộ đi hỏa táng kèm theo việc thực hiện những nghi lễ tâm linh, vì vậy cần có sự điều chỉnh kinh phí hỗ trợ với việc chuyển mộ chưa cải táng. “Một số hộ dân ở xã Tân Dân bị thu hồi 100% đất nông nghiệp nhưng hiện không còn chính sách hỗ trợ đất dịch vụ khiến nhiều gia đình sẽ gặp khó về chuyển đổi việc làm…”, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh thông tin.
Từ những vướng mắc phát sinh tại địa phương, các quận, huyện kiến nghị Sở Tài nguyên - Môi trường đề xuất UBND thành phố cho phép UBND quận, huyện chủ động thu hồi diện tích đất chéo, méo, khó canh tác, có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng theo kết quả trích đo địa chính thửa đất đã lập trong hồ sơ dự án mà không phải xác định lại chỉ giới diện tích thu hồi theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố… Cùng với đó là tăng tiền hỗ trợ với việc di chuyển mộ chưa cải táng; có giải pháp với gia đình có diện tích thu hồi đất ở lớn nhưng gia đình chưa tách hộ, tách thửa…
Tăng tính chủ động cho các địa phương
Để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương khi triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4, tại Văn bản số 3684/UBND-TNMT ngày 4-11-2022, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và các đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc và tạo thuận lợi tối đa để UBND các quận, huyện và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố triển khai hoàn thành các nhiệm vụ được giao bảo đảm mục tiêu, tiến độ. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, cần chủ động, tổng hợp báo cáo UBND thành phố giải quyết kịp thời, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn, kết quả triển khai giải phóng mặt bằng cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã làm tốt việc tuyên truyền chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, chỉ thị của Thành ủy về tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa của dự án đường Vành đai 4. Chính quyền các cấp cũng đã thực hiện nghiêm túc những việc phải công khai để người dân trong diện thu hồi đất được biết, được tham gia ý kiến, được giám sát, được kiểm tra; đồng thời tăng cường việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân trong diện thu hồi đất, bảo đảm dân chủ…
Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng đã cho thấy nhiều vướng mắc. Đó là chính sách pháp luật liên quan đến công tác thu hồi đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản còn nhiều bất cập, chưa điều chỉnh cụ thể đến từng đối tượng sử dụng đất, gây khó khăn trong quá trình áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Công tác quản lý đất đai ở một số nơi qua các thời kỳ chưa chặt chẽ; việc xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ phức tạp dẫn đến khó khăn trong điều tra kê khai và xác định nguồn gốc đất…
Trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra tại quận Hà Đông, các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng và trao đổi với các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 là nhân tố rất quan trọng để triển khai dự án thành công, đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm của thành phố trong việc hỗ trợ tốt nhất cho nhân dân trong quá trình di chuyển nhà cửa, mồ mả; bảo đảm tối đa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định pháp luật.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, ngay từ đầu thành phố đã chủ trương mở rộng, chỉnh trang các nghĩa trang theo quy hoạch để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án, bảo đảm các điều kiện, tiêu chí, thuận tiện cho nhân dân. Đối với các khu tái định cư, thành phố cũng chọn những vị trí là khu đất đấu giá, bảo đảm nhu cầu ăn ở và sinh kế cho người dân. Trên cơ sở đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân, thành phố sẽ quyết tâm với ý chí cao nhất để triển khai thực hiện dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần tăng cường kết nối, mở ra không gian và nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô cũng như các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền nơi có dự án đi qua quán triệt tinh thần trách nhiệm cao khi vào cuộc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; sát sao với công việc, bám sát tình hình ở cơ sở, tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả. “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa chiến lược, rất quan trọng, nên các đồng chí phải sát sao với công việc, không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến lòng tin của dân và sự tin tưởng của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung ương”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để giải quyết những vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện dự án Vành đai 4, mới đây Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giải quyết ngay theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các công việc, làm sớm nhất có thể, tránh giấy tờ, thủ tục phiền hà không cần thiết, kéo dài thời gian. "Tinh thần là làm ngày làm đêm, tranh thủ thời tiết thuận lợi và người dân ủng hộ để làm nhanh công tác giải phóng mặt bằng", Thủ tướng lưu ý. Về vốn, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại nguyên tắc trung ương và địa phương cùng chia sẻ, sử dụng phần vượt thu ngân sách nếu phải tăng tổng mức đầu tư.
Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của trung ương và thành phố Hà Nội, nhân dân Thủ đô và cả nước đều kỳ vọng, dự án đường Vành đai 4 sẽ được triển khai đúng tiến độ. Những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ là giải phóng mặt bằng phục vụ dự án trong một thời hạn rất ngắn cũng chính là cuộc sát hạch đối với trách nhiệm, ý chí và niềm tin của đội ngũ cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương khi thực hiện nhiệm vụ khó, nhưng cũng mang lại những lợi ích to lớn cho Thủ đô và đất nước.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.