(HNM) - Trong hình dung của nhiều người, hình ảnh những khu nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp ở Hà Nội là những mảng tường bong tróc khi mới đưa vào sử dụng, vữa từ trần nhà có thể đổ ập xuống đầu người dân bất cứ lúc nào và ở trong nhà dù nắng cũng phải che ô vì dột...
Nhếch nhác chung cư tái định cư
Nhắc đến những khu nhà chung cư kiểu mới dưới cái tên khu nhà tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp là người ta liên tưởng đến ngay những dãy hành lang hun hút khói than tổ ong vào mỗi sáng, cùng những sạp hàng "di động" bày đủ cả rau, cá, thịt... ngay trên mỗi tầng nhà. Trải qua một thời gian, giờ không còn cảnh nhếch nhác, xô bồ vì cư dân những khu chung cư này đã quen dần với văn hóa ứng xử ở nhà cao tầng. Nghĩa là trải qua rất nhiều cuộc họp tổ dân phố, việc buôn bán họp chợ, mưu sinh hằng ngày của một bộ phận dân cư ở đây theo cách "tự biên, tự diễn" đã được chuyển xuống tầng trệt vừa an toàn, sạch sẽ lại đỡ rác tai láng giềng. Theo ông Nguyễn Đăng Sáu, phòng 404 nhà N5, tổ trưởng tổ dân phố nhà N5 - N6 khu tái định cư Đồng Tàu, Thịnh Liệt, Hoàng Mai: "Trước đây khi mới chuyển về khu tái định cư Đồng Tàu này, nhiều bà con vẫn giữ thói quen sinh hoạt như ở trong những ngôi nhà tầng trệt. Nghĩa là sáng nào cũng hun than tổ ong khắp các tầng, nhà nào bán phở, bán bún bán rau, cá thịt vẫn vô tư bày hàng ngay trước cửa nhà mình và cả ra ngoài hành lang nhếch nhác vô cùng. Phải mất nhiều thời gian, qua nhiều cuộc họp tổ dân phố, bản thân bà con nhận ra nếp sinh hoạt đó không ổn nên đã tự nguyện chuyển xuống sinh hoạt chợ búa dưới khu đất trống ở chung cư hằng sáng".
Vườn hoa công cộng biến thành ruộng rau xanh trong khu tái định cư. |
Sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân cũng không khỏa lấp được bất cập đang diễn ra tại những khu chung cư trên. Những khu nhà tái định cư, những chung cư cho người thu nhập thấp thường chưa tới 10 năm đưa vào sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường bong tróc, những mảng vôi vữa loang lổ, vỉa hè xô đẩy như bị cày xới... Điều đáng nói nữa, cũng như nhiều khu tái định cư khác, người dân khu Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, chuyển đến ở từ năm 2007 nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa được nhận văn bản bàn giao nhà. Cho nên dù nằm trên địa bàn của quận Hoàng Mai, nhưng lại không thuộc sự quản lý của quận này và cũng không thuộc quyền quản lý của bất kỳ địa phương nào. Không có hộ tịch, hộ khẩu, nên có đợt trẻ em trong khu đô thị đi tiêm phòng đã khéo léo từ chối với lý do "các cháu không nằm trong danh sách của địa phương... Trong khi "dài cổ" chờ cơ quan chức năng giải quyết tình trạng "cha chung không ai khóc", người dân Đồng Tàu đã "may mắn" nhận được sự cảm thông của bà con làng Thịnh Liệt. Cụ Bùi Văn Chễ (88 tuổi) người gốc làng Thịnh Liệt cho biết: "Cảm thông với bà con khu nhà tái định cư Đồng Tàu, tổ dân phố chúng tôi cũng đã nhất trí ủng hộ những kiến nghị về việc phải nhanh chóng khắc phục tình trạng xuống cấp ở đây".
Trong nhiều báo cáo kiểm tra, các cơ quan chức năng đã chỉ rõ, những khiếm khuyết thường gặp của nhà tái định cư và nhà cho người thu nhập thấp là nền tầng trệt thường bị lún do quá trình san lấp và thi công trong thời gian quá ngắn, các đầu hồi nhà hay bị rạn nứt do nhiệt hoặc mảng tường quá lớn; hệ thống điện nước, cầu thang đều nhanh chóng xuống cấp... Gia đình anh Trường - chị Nga là một trong nhiều hộ di dân tái định cư phục vụ cho công trình xây dựng cầu vượt Ngã Tư Sở, hiện đang sinh sống tại chung cư tái định cư Dịch Vọng kêu ca: "Việc bà con chúng tôi bị cắt điện thường xuyên và phải dùng nước giếng khoan của các đơn vị thi công là chuyện bình thường. Nhiều lần thang máy hỏng cả tháng, ban quản lý tòa nhà để mặc đấy. Thực tế này khác hẳn những gì chủ đầu tư đã cam kết với bà con trước khi chuyển về đây.
Nhà thu nhập thấp - Dở khóc, dở cười
Nằm trong diện nhà cho cán bộ có thu nhập thấp nhà N06B2, Dịch Vọng do Công ty Phát triển nhà Từ Liêm (Lideco) xây dựng và quản lý đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua nhiều hộ dân đã phải kêu trời vì hiện tượng bục đường nước, nước thấm vào nhà chảy lênh láng. Là một khổ chủ, chị Trần Lệ Hà, ở P 904 cho biết: "nước thấm đến đâu hỏng sàn gỗ công nghiệp đến đấy nên gia đình tôi phải đến công ty mượn sơ đồ đường nước để sửa thì được nói là đã chuyển xuống Ban quản trị tòa nhà. Khi xuống Ban quản trị thì lại nói là không có. Đi đi lại lại như thế hai lần mà không mượn được nên nhiều gia đình chúng tôi chỉ còn cách tự khắc phục". Kêu khổ mãi với Ban quản lý nhà Công ty Phát triển nhà Từ Liêm chẳng đặng gia đình chị Hà vất vả mãi mới thuê được tốp thợ nước đến chống lụt cho sàn nhà. Khi phá tường ra mới biết nguyên nhân không phải ở chất lượng ống dẫn nước mà ở mối nối sơ sài, mới dùng vài năm đã bục ra, gây rò rỉ nước. Chưa kể nhiều khung cửa mới dùng đã bị móp, méo không thể bảo đảm an toàn... Tất cả những vụ việc nêu trên bà con nhà N06B2 đã báo cho Lideco nhiều lần, vẫn không được quan tâm.
Chị Thu - nhân viên một trạm y tế phường với mức lương hằng tháng là 2 triệu đồng. Cộng với thu nhập của chồng là công chức nhà nước thu vén cả nhà mới được 6 triệu đồng. Mức thu nhập này chưa bằng giá thành nửa mét vuông nhà thu nhập thấp vào thời điểm hiện tại. Rồi cũng như bao gia đình công chức khác, khi biết những "ưu đãi" trong việc mua nhà thu nhập thấp chị Thu và chồng đã quyết tâm vay mượn thêm để đăng ký mua nhà tại KĐT Sài Đồng. Nhưng dù quyết tâm thoát khỏi 20m2 căn hộ tập thể chật chội mà bố mẹ để lại để mơ một cuộc sống mới chung cư, chị Thu cũng phải hết sức chật vật để xoay xỏa. Giá đất mấy năm vừa qua tăng với tốc độ phi mã chẳng thể kiểm soát được trong khi sức lực con người có hạn. Chỉ theo chân được chủ đầu tư là Công ty Xây dựng số 5 chưa được nửa chặng đường, chị Thu và gia đình đâm lâm vào tình trạng kiệt quệ. Theo đúng tiến độ vào quý II năm 2013 - Chủ đầu tư sẽ hoàn thiện khối nhà 16 tầng, nhưng đến giờ gia đình chị Thu đã không còn cách nào xoay xỏa do một mặt, chủ đầu tư vẫn thúc ép phải nộp nốt số tiền hơn 500 triệu đồng còn lại để sẽ bàn giao căn hộ thu nhập thấp hơn 70m2 có giá gần 1 tỷ đồng, một mặt ngân hàng lại thúc ép việc trả số tiền vay để mua nhà. Ước mơ về ngôi nhà còn đang dang dở, gia đình chị Thu tự nhiên vướng vào hai khoản nợ lớn như trên. Chỉ còn mỗi cách là từ giã ước mơ, thắt lòng bán nửa căn hộ trên giấy đi để giải thoát nợ nần. Nhưng phương cách duy nhất thoát khỏi nợ nần này vẫn bị chủ đầu tư gây khó dễ bằng cách không công nhận việc thanh toán nào khác ngoài gia đình chị nên việc rao bán nửa căn hộ coi như không thành công. Còn nếu bán lại cho chủ đầu tư theo giá họ đưa ra bất tuân quy luật thị trường thì coi như khoản vay mượn của gia đình chị trong nhiều năm qua đã lỗ chổng vó với lãi suất tích tụ ngày càng nhiều. "Tiến thoái, lưỡng nan" đã có rất nhiều gia đình công chức đang "khóc dở, mếu dở" vì đồng hành cùng ước mơ xây tổ ấm hạnh phúc trong những căn hộ cho người có thu nhập thấp như gia đình chị Thu.
Đã nhiều năm qua, ông tổ trưởng dân phố Nguyễn Đăng Sáu vẫn khệ nệ ôm chồng đơn có gần nghìn chữ ký của người dân khu tái định cư Đồng Tàu gõ cửa khắp nơi khiếu nại về việc không có ai quản lý vườn hoa công cộng bị biến thành vườn rau, toàn bộ khu nhà chỉ có một hệ thống ống nước lên và xuống nên cái chuyện bị bục vỡ, ống nước chảy lênh láng ra nhà là thường xuyên... Cẩn thận, ông Sáu và nhiều bà con tâm huyết khác còn vẽ cả sơ đồ 31 khu vực cột đèn chiếu sáng bị mất đèn và đổ, 86/200 chỗ còn thiếu nắp hố ga trên đường đi lại... để tiện cho việc các cơ quan chức năng nếu có xuống thị sát cũng đỡ mất thì giờ. Theo ông Sáu, một nguyên nhân cơ bản khiến khu tái định cư Đồng Tàu bị rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng chính là việc "đem con bỏ chợ" của Ban Quản lý dự án thoát nước giai đoạn 1.
Là chủ đầu tư dự án quan trọng của thành phố, Ban quản lý này cũng kiêm luôn việc bố trí khu tái định cư Đồng Tàu cho các hộ dân khu vực cầu Mới, ngã tư Sở. Nhưng gần 10 năm qua trong khi bà con đã "an cư", Ban quản lý này như không tồn tại khi chẳng ngó ngàng gì đến sự sinh tồn của gần nghìn hộ dân. Bà con cũng đã phản ánh tình trạng xuống cấp đến quận Hoàng Mai nhưng cũng không nhận được sự quan tâm, trợ giúp bởi lý do chưa được bàn giao từ phía Ban quản lý. Tình trạng "cha chung" nên đèn chiếu sáng, ghế đá theo năm tháng cũng bị trộm mất. Công viên cỏ rác, lau lách mọc lút đầu thành nơi nuôi muỗi và ủ mầm dịch. Và để tiêu diệt mầm dịch này, người dân đã có sáng kiến quây thành ô và làm hàng rào phên dậu trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Điểm qua các khu nhà tái định cư và nhà ở cho người thu nhập có thể thấy bức tranh chung của những nơi này đều trong tình trạng hàng nghìn hộ dân dù đã cố gắng thay đổi nếp sinh hoạt, thích nghi với nơi ở mới nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.