Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Bước tiếp nối và hiện thực hóa bản lĩnh, ý chí dân tộc Việt Nam

Đại tá, TS Nguyễn Huy Thục| 01/12/2016 06:30

Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 chính là bước tiếp nối và hiện thực hóa bản lĩnh, ý chí và quyết tâm chiến lược của toàn thể dân tộc Việt Nam đã được Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 khẳng định.


Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong đoạn mở đầu của bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn ra nội dung cốt lõi từ các bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (1776), rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp (1789): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Đây không chỉ là sự khẳng định quyền lợi chính đáng của toàn thể nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là một bộ phận quan trọng, mà còn là lời tố cáo sự xảo trá, bất bình đẳng, thậm chí là miệt thị đối với các dân tộc khác của các quốc gia đã ban bố ra những quyền bất khả xâm phạm này. Đây cũng chính là những đại diện tiêu biểu cho hai thế lực thực dân, đế quốc đã kế tiếp nhau tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược thực dân cũ và thực dân mới trong lịch sử Việt Nam… Nên kết thúc bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2-9-1945, đại diện cho Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và ngoài nước, trong đó có cả nước Pháp, nước Mỹ rằng “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuy nhiên, vì lợi ích và danh dự với đồng minh, sự cố tình không hiểu truyền thống, bản sắc và ý chí của người Việt Nam, thêm vào đó là bản chất ngông cuồng, hiếu chiến của một đế quốc đầu sỏ, chính quyền Pháp đã không từ một mánh khóe, chiêu bài nào với cả đồng minh và Chính phủ Hồ Chí Minh để nhanh chóng tái lập quyền thống trị Việt Nam và Đông Dương. Vậy là, thực dân Pháp đã công khai gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một lần nữa.

Không thể tiếp tục hòa hoãn được nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, khẳng định ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do - thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Để bảo vệ độc lập, tự do, toàn thể dân tộc Việt Nam biểu thị kiên quyết “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” với niềm tin sắt đá “thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.

2. Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 là tiếng kèn xung trận cuộc chiến đấu giam chân địch trong các thành phố, bước khởi đầu thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Được hậu thuẫn của đồng minh và cũng đã có sự chuẩn bị từ trước nên ngay sau khi Hiệp ước Pháp - Hoa được ký kết, Pháp đưa “quân tiếp phòng” ra miền Bắc “đứng chân” tại các thành phố, thị xã và các địa bàn chiến lược, đồng thời nhanh chóng bổ sung quân số và vũ khí từ chính quốc sang.

Nắm bắt được chủ trương và ý đồ chiến lược của địch, dựa trên thực tế thế và lực của ta, Trung ương Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ phương lược cụ thể là: Đánh lâu dài, vừa đánh vừa xây dựng, phát triển lực lượng, từng bước làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Dùng cách đánh lâu dài sẽ “phát huy mọi lực lượng vật chất và tinh thần, bồi bổ chỗ hơn, giảm bớt chỗ kém, để từ thế thua kém địch chuyển sang thế mạnh hơn địch, đặng giành thắng lợi cuối cùng”. Mục tiêu trước nhất là phải phá mưu đồ: Gây áp lực triệt để bằng chủ động tiến công trên quy mô lớn tại Hà Nội và Trung Kỳ của quân Pháp. Theo đó, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định: Chủ động nổ súng tiến công các mục tiêu quân Pháp trước vào đêm 19 tháng 12 năm 1946 ở Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã khác.

Cụ thể, tại Hà Nội, quân và dân ta, nòng cốt là Trung đoàn Thủ đô đã anh dũng chiến đấu giam chân quân xâm lược Pháp suốt 60 ngày đêm (gấp 2 lần so với dự kiến). Đây là minh chứng sống động về ý chí kiên cường, lòng quả cảm của quân và dân Thủ đô anh hùng, biểu tượng sáng ngời của sức mạnh toàn dân đánh giặc, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh du kích trong thành phố - những yếu tố căn cốt bảo đảm thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Pháp.

Hòa chung với tiếng súng của quân và dân Thủ đô, các thành phố, thị xã Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng… đồng loạt tiến công địch. Riêng Nam Bộ, một ngày sau khi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến được ban bố, các đội cảm tử, tự vệ thành phố, thị xã đồng loạt tiến công địch. Xứ ủy Nam Bộ quyết định mở đợt tiến công quấy rối, phong tỏa, phá hoại đối với quân Pháp. Nhiều trận “kinh tế chiến”, “giao thông chiến” với địch đã liên tiếp diễn ra ở các địa phương. Với những hoạt động mạnh mẽ, rộng khắp như vậy, quân và dân Nam Bộ đã giam chân hơn 4 vạn quân Pháp, không cho chúng kéo ra tăng cường cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhận được hiệu triệu Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cũng đẩy mạnh hoạt động ngăn chặn, tiêu hao sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng đối phó.

Như vậy, hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “phát súng lệnh” Hà Nội, cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp nhanh chóng lan ra khắp Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đến Nam Bộ, tạo sự bất ngờ về chiến lược cho địch, buộc chúng phải phân tán lực lượng ra đối phó, kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm chiếm các mục tiêu, địa bàn trọng yếu không thực hiện được.

Đối với ta, đây thực sự là một cuộc tập dượt huy động sức người, sức của trên khắp mọi miền đất nước để chống giặc ngoại xâm; là nét đặc sắc của nghệ thuật tác chiến mở đầu Toàn quốc kháng chiến. Chỉ với những nét khái quát đó cũng đủ để khẳng định Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến thực sự là tiếng kèn xung trận, mở đầu thắng lợi cho sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và, đúng 8 năm sau - kể từ ngày ra Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã làm nên trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp…

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Bước tiếp nối và hiện thực hóa bản lĩnh, ý chí dân tộc Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.