(HNM) - Hàng nghìn nông dân Hà Nội vẫn đang tiếp tục khốn đốn gánh chịu hậu quả của các loại phân bón giả, kém chất lượng do công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, thanh kiểm tra chất lượng mặt hàng này thiếu chặt chẽ.
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện phân bón kém chất lượng. |
"Giăng lưới" nông dân
Bà Nguyễn Thị Hoàn ở huyện Đông Anh cho biết, năm 2014, gia đình bà đã phải ly tán chỉ vì... mua phải phân bón giả. Nhà có 3ha trồng lúa, một đại lý dỗ ngọt bà mua loại phân bón mới được quảng cáo là sản xuất theo công nghệ của Mỹ, mỗi héc ta hết gần 9 triệu đồng tiền phân bón nhưng lại được khuyến mãi thêm điện thoại di động. Tin tưởng, bà vay ngân hàng ngót 30 triệu đồng mua trọn gói, trả một lần để được hưởng khuyến mãi, ai ngờ gần tới ngày thu hoạch, lúa lép kẹp, mất mùa, lâm nợ nần, chồng bà phải vào Nam đi làm thuê, con trai, con dâu vào miền Trung trồng hành kiếm tiền, còn bà lay lắt với ruộng vườn.
Bà Hoàn chỉ là một trong rất nhiều nông dân ở Hà Nội khốn đốn do mua phải phân bón giả hoặc kém chất lượng. Khốn khổ đến vậy, nhưng hằng ngày, hằng giờ người nông dân vẫn bị nạn phân bón giả bủa vây bởi lẽ thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón giả. Ví dụ, tổng 3 chất dinh dưỡng quy định phải đạt trên 70%, nhưng vì đạm và kali có giá cao nên các đối tượng hạ tỷ lệ hai thành phần trên và tăng tỷ lệ lân (giá rẻ) so với công bố tiêu chuẩn. "Phân bón rất khó xác định thế nào là bảo đảm hay không bảo đảm chất lượng, chỉ bón xuống đất đợi đến khi vào mùa thu hoạch mới biết. Lúc đó thì đã muộn", anh Nguyễn Công, một nông dân ở huyện Chương Mỹ chia sẻ.
Theo một cán bộ thuộc lực lượng Quản lý thị trường, hành vi trên, bản chất là làm giả phân bón, nhưng không đủ cơ sở để xử lý hàng giả mà chỉ xử lý như hàng kém chất lượng. Hoặc một hành vi khác cũng rất phổ biến là trộn sản phẩm giá rẻ vào sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để bán lẻ. Một số đối tượng lại cố tính đánh lừa người sử dụng. Ví dụ, trên bao bì ghi là NPK 16 - 16 - 8, theo cách hiểu thông thường là nitơ 16%, lân 16%, kali 8%, nhưng ở dưới bao bì họ ghi thêm dòng chữ rất nhỏ thành phần chính nitơ 1%, lân 1,5% và kali 1%. Đây chính là phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng chỉ lực lượng chức năng mới phát hiện ra, còn nông dân thì khó mà biết được. Hoặc nhiều cơ sở sản xuất, lợi dụng người nông dân ít hiểu biết, cả tin, đã thổi phồng sự thật, quảng cáo đưa chất lượng công nghệ lên trời, cố tình không in nhãn mác phụ, hoặc dùng toàn chữ nước ngoài. Thậm chí, có những cơ sở đã trộn đất sét, hoặc mua phân bón của Trung Quốc rồi đóng gói, dán nhãn mác giả cơ sở có uy tín, bán ra thị trường kiếm lời. Những loại phân bón này không những không có giá trị dinh dưỡng cho cây trồng, mà còn làm bê tông hoang hóa đồng ruộng, phá hoại môi sinh.
Báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội qua kiểm tra các đơn vị sản xuất phân bón trên địa bàn TP phần nào phản ánh bức tranh sản xuất phân bón tại địa bàn Thủ đô. Đó là các cơ sở đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn, không đủ điều kiện về mặt bằng nhà xưởng, công nghệ sản xuất lạc hậu, thủ công. Nhiều cơ sở sản xuất nằm rải rác trong khu dân cư thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không báo với cơ quan chức năng khiến việc quản lý rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, hiện nay, toàn TP có khoảng 120 DN sản xuất, kinh doanh phân bón; gần 2.000 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, trong đó có phân bón. Nhưng cán bộ quản lý chỉ liên hệ được 50% số cơ sở sản xuất có đăng ký hoạt động, một nửa còn lại thay đổi địa điểm hoặc "biến mất" nhưng không báo với cơ quan quản lý.
Thực tế trên cho thấy, nông dân Hà Nội không thể trông chờ vào các cơ sở sản xuất phân bón của Hà Nội, mà còn phải mua phân bón từ nhiều thương hiệu khác của các cơ sở trên cả nước. Nhưng hãy xem báo cáo của Cục QLTT (Bộ Công thương): Trung bình mỗi năm, lực lượng QLTT xử lý trên 3.000 vụ vi phạm về chất lượng phân bón, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Điều đáng nói là có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Họ không được trang bị kiến thức đầy đủ, lại có tâm lý thích chiết khấu hoa hồng cao. Đó là lý do khiến phân bón giả len lỏi tới từng hộ nông dân.
Có thể nói, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang trực tiếp bức tử người nông dân, và bức tử cả những DN làm ăn chân chính, hệ lụy của nó là làm rối loạn an sinh xã hội, làm thiệt hại cho nền kinh tế. Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại khoảng 2 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả.
Thực thi pháp luật không nghiêm
Lý do thứ nhất, theo một chuyên gia nông nghiệp là do quá nhiều nhà sản xuất, và cũng quá "bội thực" sản phẩm. Trung Quốc là nước có quy mô sản xuất nông nghiệp gấp 10 lần nước ta mà chỉ có khoảng 700 DN, cơ sở sản xuất phân bón, còn Việt Nam có tới trên 1.000 cơ sở. Thái Lan chỉ dùng khoảng 100 chủng loại phân bón cho nông nghiệp, còn các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp lớn và những quốc gia phát triển chỉ sử dụng khoảng 20 - 30 loại phân bón mà ta có tới gần 7.000 chủng loại là quá nhiều. Chính vì vậy, phân bón giả dễ trà trộn tiêu thụ dễ dàng và đã vượt tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Lý do thứ hai, chính là lực lượng quản lý rất mỏng từ TƯ đến địa phương. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho quản lý rất ít, đội ngũ quản lý ở địa phương không đồng nhất. Hơn nữa, các cán bộ được phụ trách không chuyên trách và thường xuyên bị thay đổi cho nên việc theo dõi nắm bắt tình hình không được hệ thống. Đó là chưa kể xuất hiện cả tình trạng cán bộ quản lý "bảo kê" cho cơ sở sản xuất vì lợi nhuận từ sản xuất phân bón giả khá hấp dẫn.
Lý do thứ ba, là khi bị phát giác, chủ cơ sở sản xuất bị xử lý chưa nghiêm minh. Hãy xem, mỗi năm, lực lượng chức năng đấu tranh bắt giữ khoảng 3.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực phân bón, song số vụ việc bị khởi tố chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là xử phạt hành chính. Có những công ty bị phát hiện nhiều lần sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, quảng cáo không đúng sự thật, kết quả kiểm nghiệm hàng hóa cho thấy chất lượng không như in trên bao bì nhưng vẫn tiếp tục được vận hành. Sau nhiều bước kiểm tra, thanh tra, tranh cãi vụ việc lại được chốt lại bằng hình thức xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đã đến lúc cần giao cho Bộ NN&PTNT soạn thảo và chuẩn hóa danh mục các loại phân bón, càng tinh giản càng tốt, các doanh nghiệp chỉ được sản xuất và kinh doanh các loại phân bón đã được cho phép sản xuất theo đúng quy chuẩn của quốc gia. Cũng theo ông Thúy, cần giao cho Bộ Công thương chịu trách nhiệm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nguyên liệu và các loại phân bón sản xuất nông nghiệp, chịu trách nhiệm cấp phép và giám sát các điều kiện cần và đủ cho việc sản xuất phân bón. Chỉ có làm như vậy, công tác quản lý mới dễ hơn, hạn chế tối đa những tiêu cực trong quản lý và khuyến khích tối đa những tích cực trong cạnh tranh, trong sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc, xử lý thật nặng hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hành vi đó phải được coi nặng hơn những hành vi sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả và hàng kém chất lượng khác, vì người sử dụng nông dân vốn là nhóm yếu thế trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.