Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới

Nhóm phóng viên| 10/08/2022 06:24

(HNM) - Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo lợi thế về giao thông cho Hà Nội và các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng. Không chỉ góp phần giảm giá thành vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tuyến đường này sẽ mở hướng, tạo điều kiện hình thành các loại hình dịch vụ nông nghiệp; kết nối tiêu thụ nông sản, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội theo hướng nông thôn đô thị, hiện đại.

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo thuận lợi cho nông dân huyện Sóc Sơn vận chuyển sản phẩm nông nghiệp vào chợ đầu mối. Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo thuận lợi cho nông nghiệp phát triển

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực tác động lan tỏa liên vùng; tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội; đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng...

Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển, chế biến nông sản. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Không chỉ tạo thuận lợi cho nông dân các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai... vận chuyển sản phẩm nông nghiệp vào chợ đầu mối, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô còn giúp doanh nghiệp các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... vận chuyển nông sản từ vùng sản xuất tới các trung tâm thương mại, khu chế biến...

“Các địa phương trên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua sẽ có lợi thế hơn trong việc thu hút nhà đầu tư; trao đổi, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, làng nghề và xây dựng lại các chuỗi liên kết… Tuyến đường cũng sẽ tạo thêm cơ hội thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đồng thời quảng bá văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn Hà Nội”, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những định hướng phát triển trong tương lai, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh nhận định: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tăng cường khả năng kết nối liên vùng, mở ra cơ hội mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thường Tín. Tuyến đường sẽ thúc đẩy kết nối lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế làng nghề… qua đó, tạo động lực cho tiến trình xây dựng nông thôn mới của Thường Tín theo tiêu chí đô thị.

Nhận định đường Vàng đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ hình thành không gian phát triển mới cho huyện Mê Linh theo hướng công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch..., Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hay, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh về giá cho các loại nông sản chủ lực của huyện hiện đang có lợi thế trên thị trường như hoa, cây cảnh; các loại rau, củ, quả...

Không chỉ Mê Linh, Thường Tín, các huyện có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua như: Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Oai... đều đã sẵn sàng những kế hoạch, đề án khai thác thế mạnh kết nối của tuyến đường cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển của địa phương.

Quyết liệt cùng vào cuộc

Việc công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã và đang được tiến hành tại các địa phương. Vấn đề lúc này là tinh thần quyết liệt và những giải pháp mang tính khả thi cao của “người trong cuộc” để tuyến đường mang ý nghĩa kết nối sớm hoàn thành, tạo động lực phát triển mới cho thành phố Hà Nội và Vùng Thủ đô dù rằng phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đơn cử, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô qua địa phận huyện Thường Tín có chiều dài khoảng 9km, phải thực hiện thu hồi đất 118,71ha; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 2.001 hộ gia đình, cá nhân, 14 cơ quan, tổ chức…, chưa kể đến việc tái định cư cho hàng trăm hộ dân và di chuyển hàng nghìn ngôi mộ… Để tập trung giải quyết lượng lớn công việc này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: Thường Tín đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn; yêu cầu Đảng ủy các xã có liên quan tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ...

UBND huyện Mê Linh đã yêu cầu các xã có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, mua bán, chia tách thửa…; đồng thời chủ động phối hợp với các phòng, ban liên quan tiến hành kê khai, phân loại, tổng hợp diện tích các loại đất thu hồi, hạng mục công trình, số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất và nhu cầu tái định cư… để đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án một cách nhanh chóng. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Mỗi cá nhân, hộ gia đình có diện tích đất nằm trong dự án cần phát huy vai trò, trách nhiệm công dân, chung tay với chính quyền thành phố và huyện Mê Linh sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng”.

Khẳng định đường Vành đai 4  - Vùng Thủ đô sẽ góp phần quan trọng để Hà Nội trở thành một trung tâm trung chuyển, chế biến nông sản tầm cỡ quốc tế, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp để khai thác hiệu quả “động lực” này. Hà Nội đang quy hoạch xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các cửa ngõ vào Thủ đô, tại khu vực xung quanh bố trí các cơ sở chế biến nông sản và trong vùng lõi đô thị sẽ hình thành các trung tâm đầu mối triển lãm, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, qua đó hình thành những chuỗi giá trị nông sản đáp ứng mục tiêu phát triển mới ở khu vực nông thôn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, sự đồng lòng của người dân, đường Vành đai 4  - Vùng Thủ đô sẽ sớm thành hình và khẳng định vai trò kết nối - cùng phát triển của Hà Nội và các địa phương vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.