Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Phải “ăn” vào đời sống đồng bào

Hoàng Định| 24/04/2011 05:52

Đồng hành đầu tiên

Vạm vỡ, đen thủi, mồ hôi dầu, tay chai và rắn nhưng lại sơ mi An Phước buông tay, giày Italia, thắt lưng da thật, những nét tương phản ấy khiến tôi bắt quen với Hưng lúc chờ chuyến bay vào Buôn Ma Thuột. Anh rất hay chuyện, gặp nhà báo lên viết về Tây Nguyên thì đổ ra ào ào, rằng mình quê Thái Bình chưa được sào một khẩu, vào lúc còn “rừng núi âm u thầy u kính mến”, đến nay đã thành cà (phê) với tiêu điều (hồ tiêu và đào lộn hột) cả. Năm đầu hết sức khó nhọc, chỉ làm thuê nhưng không bao giờ tính chuyện quay ra, đất đai quá tốt, “cắm cái bút chì cũng lên cây” mà. Nay anh có năm hát a cà tưới bằng vòi quay như trong phim, giá vụ rồi có lúc lên năm chục nghìn một ký, đầu máy vừa kéo moóc vừa xay hạt vừa khoan giếng, rồi xây nhà lớn, sắm két giấu tiền, gửi con học Trường Việt Mỹ trong TP Hồ Chí Minh, lần này về quê ăn cưới mừng cháu chỉ vàng, lại góp bộ đồ thờ cho nhà thờ họ. “Ở chốn gốc có nằm mơ cũng không dám nghĩ mình đang được thế này”. Hỏi về người dân tộc, Hưng nói ối giời, Tây Nguyên giờ là đất của 54 dân tộc cả nước rồi, liên hoan văn nghệ xã có xoang, đàn đing năm bản địa, lại then và tính tẩu Tày, múa chuông Dao. “Mà người Gia Rai chỗ em vẫn sống như cái thời xa xưa ấy, phân trâu bò không biết nhặt bón lúa đã đành, nhưng doanh nghiệp làm cho cái nhà rông bê tông khang trang, bàn ghế hẳn hoi không lên, cứ tụ bạ uống rượu đàn hát trong rông xập xệ khói đen thui. Nhà chương trình tái định cư xây không xịn nhưng ở được chứ, lại điện đường trường trạm chứ, mà họ lại cứ ra rẫy nằm với muỗi”. Hưng rất hào phóng, luôn miệng “ba số đây, anh hút Thăng Long làm gì” và “bia lạnh anh viêm họng uống không sao đâu”…

Bến nước của người Ê đê.

Tây Nguyên là vùng đất được giới nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn đánh giá rất cao. Ít ảnh hưởng các nền văn minh Trung (như miền Bắc) - Ấn (như miền Nam), đây được coi là bảo tàng sống có giá trị ngang văn hóa Đông Sơn. Bên cạnh những biện pháp củng cố địa bàn chiến lược về an ninh, quốc phòng, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình kinh tế, xã hội, đem đến các thiết chế văn hóa mới, tạo ra sự thay đổi nhanh chóng. Tạp chí Ngok Linh ra cách nay mươi năm cho biết, Tây Nguyên có một triệu người bản địa (Ê đê, Jrai, Ba na, K’ho…) và ba triệu người nơi khác tới, cả theo kinh tế mới có quy hoạch, cả di cư tự do. Hưng, người cung cấp những “tư liệu” đầu tiên cho tôi, là một trong ba triệu “người mới” ấy.

Đặc sắc Ê đê

Ê đê là tộc người bản địa chủ yếu ở Đắk Lắk, khoảng 20 vạn người chia thành nhiều nhóm. Đơn vị cư trú là buôn - mang tên người chủ bến nước, cỡ 500 người sống trong các nhà dài hợp thành thành tố gia đình, rồi dòng họ… Buôn thường có bến nước, ngôi nhà chung, khu rừng thiêng, nương rẫy, khu nhà mồ… Luật tục là công cụ để quản lý buôn, có thể hiểu như “lệ làng” nhưng vai trò lớn hơn, vì “phép vua” rất sơ sài. “Củi nặng thì mang dùm…, việc nương rẫy muộn màng thì phải giúp nhau làm cho kịp… Tất cả phải nghe cùng một tai, nói cùng một miệng…, một lòng một dạ”. “Ai có con thì phải dạy con, có cháu thì phải dạy cháu…, e rằng họ (đi hái củi) đốt đuốc cầm theo… (mà) thiêu trụi cỏ cây mọi vật…, cả xóm làng, chòi lúa trong rừng trong rẫy”. Những “điều” ấy cho thấy tập quán sống theo cộng đồng và ý thức bảo vệ rừng. Luân canh chứ không du canh như nhiều người hằng tưởng, họ giữ gìn môi trường cư trú. Luật tục, được áp dụng cùng nhiều biện pháp khác, có tác dụng giáo dục ngay tại cộng đồng rất cao, không như đô thị dùng luật pháp. Chẳng hạn ăn cắp một con gà, phải đền ba con, xử trước cả buôn. Đấy chỉ là phần “đền”. Muốn xin lỗi bà con, xóa thâm thù, được thần linh tha thứ, kẻ kia phải mất thêm ché rượu, con lợn nữa, cúng xong “cả buôn đoàn kết”. Tức là anh phạm tội bị cả cộng đồng lẫn thần linh “đè”, nghĩ tới tái phạm là mất vía. Tội trọng, bị đuổi đi thì tới đâu cũng không được chấp nhận, “chung thân cô độc”, coi như anh đã chết.

Theo nhà nghiên cứu Trương Bi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk, tộc Ê đê có gốc Nam Ấn Độ, vượt biển sang Malaysia, Indonesia. Xung đột với tộc người khác khiến họ vượt biển trở lại vào vùng Quảng (Nam, Ngãi), đụng người Chăm phải vượt lên cao nguyên. Chuyến đi vĩ đại này để lại màu đỏ rực trên ngực áo đàn ông, tượng trưng cánh buồm trong quá khứ. Quả cảm, hùng mạnh trong gian nan, Ê đê được người Pháp, cả thực dân lẫn nhà truyền giáo, đánh giá là tộc người thông minh nhất Tây Nguyên.

Kho tàng văn hóa, tri thức, kĩ năng sống của người Ê đê thể hiện trong nghi lễ, ẩm thực, lời khấn, cồng chiêng, nhạc cụ, phục sức, sử thi, dân ca, chế độ mẫu hệ, tang ma, ứng xử với đất, rừng, nước… Ngôi nhà dài là một đặc trưng thú vị, chứa đựng nhiều yếu tố điển hình, từng phần đều mang chức năng chặt chẽ như nhà chình tường người Mông phía Bắc, “chặt” đi phần nào đều làm tổn thương đến tổng thể cuộc sống các gia đình trong đó. Đứng trên hai hàng cột, không có vì kèo, mái được đỡ bằng một hệ thống tre luồng rất vui mắt, hình dáng “thượng thách hạ thu” của nó gợi tả con thuyền một thời lênh đênh trên đại dương đưa tổ tiên đi tìm đất sống mới. “Thuyền” càng dài thì số gia đình bên trong càng nhiều, gian cho ông bà, gian vợ chồng con, cháu, gian của trai gái lớn chưa ở riêng và gah - chỗ tiếp khách và làm lễ. Sử thi kể “nhà dài của chàng Đăm San dài như tiếng chiêng ngân. Người ngồi cầu thang bên này đánh chiêng, người ở cầu thang bên kia vẫn không nghe thấy”. Hoặc “nhà dài đến nỗi chim bay mỏi cánh chưa hết”, “dài bằng một hơi ngựa chạy”. Cầu thang có bảy bậc - con số lành, đầu chạm hai bầu vú và mặt trăng non - tượng trưng uy quyền mẫu hệ. Gah đặt ghế kpan dài chục mét, kể cả chân và hai đầu vút lên đều một tấm, ghế djưng cho khách, bếp lửa, chiêng ché, dao cuốc. Ngày có việc buôn việc họ hay việc gia đình, mọi người đến đánh chiêng, múa hát, kể khan (sử thi), uống rượu cần, chia sẻ vui buồn với chủ nhà. Như vậy, trong di sản vật thể này lại diễn ra những hoạt động văn hóa phi vật thể, truyền lại cho đời sau gốc rễ, tập tục, hồn vía đã có từ bao đời. Nói nhà dài lưu giữ những trầm tích lịch sử, văn hóa, vốn sống của tộc Ê đê còn hơn cả ngôi đình làng người Kinh không ngoa, vì đây còn là không gian bố mẹ ông bà giao tiếp với con cháu, vợ chồng yêu nhau. Được nhìn ngắm, nghiên cứu một bảo tảng sống như vậy thật thú vị biết bao.

Như mọi tộc người Tây Nguyên, dân Ê đê cổ xưa thờ đa thần giáo, cây cối, rừng, nguồn nước, đất đai đều có linh hồn, cần phải được tôn trọng, “nhắc nhớ” thường xuyên. Những nghi lễ cúng tế nông nghiệp do vậy rất nhiều: cúng rẫy, cầu mưa, tuốt lúa, mừng trận mưa đầu mùa, rước thần lúa vào kho, ăn cơm mới… Chuyển buôn sang bến nước khác, vào nhà mới, rước ghế kpan vào nhà đều làm lễ, với bài cúng riêng. Một vòng đời người trải qua ít nhất tám lễ cho tám thời kỳ: mẹ mang thai, đặt tên, trưởng thành, cưới, cầu an, cầu sức khỏe, tang, kết thúc bằng bỏ mả. Đứa bé mới sinh được bà đỡ thổi khẽ vào bên tai, cầu Thần Trời cho khỏe mạnh, thông minh, lỗ tai tiếp thu điều hay, “cho nó nhanh mọc răng hàm, cho nó nhanh mọc răng cửa, lớn lên có đôi bàn tay khéo léo biết rèn, đan lát, có buôn làng giàu đẹp…”. 70 năm sau, con người ấy sẽ được cầu thần linh phù hộ “có sức khỏe như con voi đực, làm ra nhiều bắp lúa, nuôi được nhiều trâu bò heo gà, gia đình buôn làng bình an, mọi nhà no đủ”. Nghĩa là hạnh phúc của một cá thể luôn được kêu xin song hành với của cả cộng đồng.

Nhà dài... thở dài

Thủ phủ tỉnh Đắk Lắk mang tên Buôn Ma Thuột, nghĩa là “buôn của bố ông Y Thuột”, tức vị tù trưởng của vùng này. Ko Siêr là tên buôn, nay đã thuộc phường Tân Lập trong thành phố, còn lại vài nếp nhà dài thưng tôn đen xỉn. Thấy tôi lang thang tìm vết nhà ông Thuột, đám đàn ông xạm nắng rất lạ, bảo đã dỡ cả rồi, con cháu thì không còn rẫy chắc sắp chuyển đi nơi khác. Nhà văn hóa mô phỏng ngôi nhà dài nhưng xây bê tông, bên trong là bàn ghế, phông khẩu hiệu, nghĩa là cái hội trường. Chiêng Ê đê chỉ chơi ở nhà dài. Ko Siêr có đội chiêng nổi tiếng, từng giật giải nhiều liên hoan, nhưng trong buôn chả còn ngôi nhà dài nào “xứng tầm”, có ai mượn đánh phải dời sang Akô Dhông mà ngân nga. Và cũng đã có lời bình: họ đánh nhanh, lối cải biên, chứ không êm, chậm, “nằm xa xa nghe thấy vẫn vui” như trước.

Có nghĩa là không gian nguyên bản, xuất xứ không còn, thì hoạt động cử hành văn hóa cũng chả có hồn vía. Điều này rất quan trọng, giải thích vì sao nhiều thiết chế, công trình văn hóa du nhập từ xuôi lên, dù chi phí cao và tốn công tuyên truyền, không “ăn” vào đời sống đồng bào mấy. Những lễ hội hoành tráng có đàn ông đóng khố đóng chiêng, đàn bà múa hát, cả chục cỗ voi diễu hành đều “của ai đó, cho ai đó” chứ nỏ liên quan đến họ.

(còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Phải “ăn” vào đời sống đồng bào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.