Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Nỗ lực để cán đích

Minh Ngọc| 01/04/2022 09:16

(HNMO) - Việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện vào đời sống còn không ít khó khăn. Song, vì mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm an sinh, từng bước nâng cao chất lượng sống của nhân dân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội nỗ lực, đồng lòng vượt khó để cán đích.

Các cơ quan chức năng huy động nguồn lực xã hội để tặng sổ BHXH tự nguyện cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Những khó khăn hiện hữu

Thống kê của BHXH thành phố Hà Nội cho thấy, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội tăng đều hàng năm. Năm 2021, Hà Nội có thêm 14.630 người tham gia mới, tương ứng với mức tăng 30,06%. Dù đạt kết quả đáng ghi nhận, song số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn thấp so với tiềm năng.

Dẫn chứng là, toàn thành phố mới có gần 40% số người trong độ tuổi lao động có tên trên hệ thống BHXH (hơn 38% tham gia theo diện bắt buộc; 1,3% tham gia theo diện tự nguyện). Như vậy, Hà Nội còn khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương ứng với gần 3 triệu người, chưa tham gia chính sách này. 

Trong khi đó, theo mục tiêu đề ra, đến năm 2025, Hà Nội có khoảng 3% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; đến năm 2030, tỷ lệ này tăng lần lượt lên 10% và 65%. Mục tiêu này không dễ thực hiện do quá trình triển khai chính sách BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn. 

Hà Nội tiếp tục quan tâm nhân rộng mô hình xã, phường điểm về phát triển BHXH tự nguyện.

Ông Nguyễn Duy Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) phản ánh, hiện nay, nhiều người lao động là đối tượng tham gia của BHXH tự nguyện đi làm xa hoặc làm việc theo thời gian không cố định, nên không dễ tiếp cận với họ để tuyên truyền, vận động. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, nếu muốn họ tham gia, các cơ quan chức năng phải có nguồn hỗ trợ lâu dài cho họ. Tuy nhiên, việc kêu gọi những “tấm lòng vàng” hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người lao động trong nhiều năm là không dễ thực hiện...

Từ thực tế vận động người dân tham gia, bà Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa) cho rằng, thời gian đóng BHXH tự nguyện còn dài (20 năm), lại không có chế độ ốm đau, thai sản, nên chưa hấp dẫn lao động trẻ, nhất là lao động nữ. Cùng với đó, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp, khiến một số người dù muốn, cũng không đủ khả năng để tham gia trong thời gian dài.

Đáng quan tâm hơn, từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo tăng lên, tương ứng mức đóng BHXH tự nguyện tăng, mức hỗ trợ đóng từ ngân sách cũng tăng. Chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội là 1,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn chuẩn chung của cả nước, nên cần nhiều hơn nguồn kinh phí hỗ trợ mức đóng so với những năm trước đó. 

Cùng vào cuộc

Nhằm tạo giá đỡ an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, ngoài những giải pháp đã thực thi, thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đôn đốc phát triển BHXH tự nguyện. Nổi bật là Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 30-11-2021 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030”. Tiếp đó, ngày 18-2-2022, UBND thành phố Hà Nội có Kế hoạch số 56/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Thành ủy.

Theo tinh thần chỉ đạo, Hà Nội xác định việc phát triển BHXH tự nguyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị thực hiện. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng đưa chính sách nhân văn này vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.

Tại quận Thanh Xuân, Thường trực Quận ủy vừa có buổi làm việc với cơ quan BHXH quận để đánh giá về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế. Nội dung được Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh tại buổi làm việc là toàn quận cần thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả thực hiện chính sách này là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị hằng năm...

Còn ở huyện Ba Vì, Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Quang Trung cho biết, huyện giao cơ quan Bảo hiểm xã hội tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình xã điểm về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cùng với đó là việc quản lý chặt chẽ hệ thống đại lý thu BHXH, rà soát, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đại lý thu theo định kỳ, giao chỉ tiêu phát triển mới số người tham gia BHXH tự nguyện cho đại lý thu. 

BHXH quận Hà Đông cũng như các quận, huyện, thị xã thường xuyên ra quân tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Để nhiều người dân có thể tiếp cận, thụ hưởng chính sách, đại diện các sở, ngành chức năng đã họp bàn, thống nhất kiến nghị UBND thành phố trình HĐND thành phố, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025 theo chuẩn nghèo mới.

“Nếu đề xuất này được thông qua, người lao động sẽ được nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Về lâu dài, khi số người hưởng chế độ hưu trí tăng lên, thì số lượng người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng sẽ giảm. Điều này đồng nghĩa, việc mở rộng, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân Thủ đô theo hướng bền vững”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội nhấn mạnh. 

Dưới góc độ thực hiện chính sách, ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội cho biết, ngành phối hợp với các ngành chức năng, địa phương đổi mới phương thức truyền thông về tính ưu việt của BHXH tự nguyện qua nhiều kênh thông tin, chú trọng truyền thống theo nhóm nhỏ, trực tiếp đến từng người, gia đình.

Ngoài ra, ngành tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình xã, phường điểm về BHXH tự nguyện; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng cán bộ, nhân viên tham gia tuyên truyền về chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng. Với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, các bên cùng huy động nguồn lực để tặng sổ BHXH hoặc hỗ trợ thêm mức đóng cho họ.

Về phía người dân, ông Nguyễn Đức Hòa mong muốn, mỗi người nên cố gắng tích lũy khi trẻ để có cơ hội sống vui, sống khỏe lúc tuổi già. Phấn đấu đến cuối năm nay, Hà Nội có gần 109.000 người tham gia BHXH tự nguyện (hiện nay là hơn 63.000 người). Hy vọng, con số này tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Nỗ lực để cán đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.