Bài 3: Một chủ trương đúng đắn, kịp thời
Trong bài viết đăng trên Báo Hànộimới nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần 2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã nhấn mạnh: “Khơi dậy sức mạnh văn hóa không những là nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đặt ra, mà còn là nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô”. Từ tinh thần này, Thành ủy đã bắt tay vào hành động, cụ thể hóa với một chủ trương đúng đắn, kịp thời.
Những ngày cuối năm 2021, mặc dù rất nóng lòng, nhưng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vẫn yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bởi tinh thần chỉ đạo từ Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng là từng con số về chỉ tiêu như tỷ trọng đóng góp trong GRDP, từng giải pháp cụ thể hóa đều phải căn chỉnh cho sát với thực tiễn và quan trọng nhất là bảo đảm tính khả thi.
Là cấp ủy đầu tiên xây dựng nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu dày công nghiên cứu, xây dựng theo một trình tự bài bản và khoa học. Trong đó, 3 hội thảo lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã được tổ chức. Hàng chục tham luận cùng hàng trăm ý kiến góp ý đã được tập hợp để làm căn cứ xây dựng Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Đảng bộ thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại.
Nghị quyết hướng đến việc không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần nhân dân gắn với thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng (khu vực đô thị, ngoại thành, khu xa trung tâm…), góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.
Quang cảnh tọa đàm "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp", ngày 10-6-2021.
Bản dự thảo mới nhất của Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa gồm 4 phần, trong đó nêu 5 quan điểm, 4 mục tiêu và 8 nhiệm vụ - giải pháp trọng tâm.
Đáng chú ý, với nghị quyết này, Hà Nội quyết tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo lập thêm các biểu tượng mới cho Thủ đô; góp phần quảng bá văn hóa, con người Hà Nội, Việt Nam ra thế giới; hướng tới sự phát triển bền vững để Hà Nội thực sự trở thành thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu. Thành phố sẽ đổi mới cơ chế quản lý, huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực xã hội hóa nhằm phát huy hơn nữa giá trị các di sản văn hóa Hà Nội; nghiên cứu cơ chế hợp tác công - tư trong quản lý, khai thác di sản, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Xác định con người là trung tâm, Hà Nội quyết tâm thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành và một số hoạt động khác có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Thành phố cũng sẽ triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời với việc xây dựng công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa du lịch...
Vừa qua, phát biểu chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về các nhiệm vụ năm 2022, nhấn mạnh các yêu cầu phát triển văn hóa, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu cần tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách tăng cường sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố đến cơ sở; khuyến khích phát triển, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa sáng tạo của cộng đồng; kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hình thành hệ giá trị văn hóa mới trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; trước mắt tham mưu UBND thành phố chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về văn hóa, hoàn thành kế hoạch đề ra...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về văn hóa cần được chú trọng thường xuyên để mỗi người dân, mỗi gia đình hiểu sâu, rộng và đồng thuận trong thực hiện, qua đó giữ gìn thuần phong mỹ tục trong mỗi gia đình để xây dựng xã hội văn minh.
HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13-7-2021 về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bảo đảm hiệu quả gắn với thực hiện Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa của Thành ủy.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa của Thành ủy Hà Nội là việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và gần đây nhất là phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, nhiệm vụ đặt ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, Chương trình số 06 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021 - 2025”. Đây còn là quyết tâm chính trị cao của thành phố thực hiện cam kết với UNESCO trong xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo.
Thông tin về việc Thành ủy Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa nhằm khơi dậy sức mạnh văn hóa Thăng Long - Hà Nội được các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đón nhận, nhiệt tình ủng hộ và đánh giá cao.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn cho rằng, xây dựng nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa cho thấy Hà Nội rất quan tâm “hạ tầng mềm” là văn hóa và con người. Đây là cơ sở bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững, xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, phát huy đúng thế mạnh và thể hiện đúng chức năng của Thủ đô là trung tâm văn hóa.
Theo PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một nghị quyết chuyên đề về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội trong 5 năm sắp tới là rất hữu ích, có tác dụng định hướng cho lĩnh vực quan trọng này, đồng thời là cơ sở pháp lý để Hà Nội có thêm chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật.
“Khi chúng ta có được sự đồng thuận về nhận thức rằng, văn hóa là lĩnh vực quan trọng đối với Thủ đô, và công nghiệp văn hóa tạo thuận lợi, lợi thế để Thủ đô khẳng định giá trị, thương hiệu của mình; khi chúng ta thấy được rằng, cái đẹp không chỉ “cứu rỗi thế giới” bằng cách giúp cho tinh thần của chúng ta lạc quan, hạnh phúc hơn, mà còn có thể đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội khác, chúng ta sẽ hình thành nên môi trường thuận lợi cho sự phát triển văn hóa nói chung, các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói.
Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh chia sẻ, là người theo dõi tình hình Hà Nội nhiều năm, bản thân rất phấn khởi khi biết Thủ đô có chủ trương nâng tầm văn hóa, đưa văn hóa phát triển ngang tầm với kinh tế và những lĩnh vực khác. “Đó là điều rất tuyệt vời!”, Giám đốc Truyền hình Quốc hội nhận định.
Còn Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, việc Thành ủy ban hành nghị quyết cùng với xác định chủ trương sớm triển khai xây dựng một số công trình trọng điểm, trong đó có đền thờ Ngô Quyền - vị Tổ trung hưng của dân tộc, người đã đưa đất nước thoát khỏi một nghìn năm Bắc thuộc; phục dựng lại các vòng thành của Thành Cổ Loa chính là tâm nguyện của nhân dân huyện Đông Anh.
Một chuyên gia văn hóa nghệ thuật từng khẳng định, khai thông nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững của Hà Nội không chỉ là làm sống lại quá khứ, truyền thống trong hiện tại mà còn kích hoạt sức mạnh văn hóa của hiện tại cho sự phát triển của tương lai...
Với Nghị quyết chuyên về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đang hiện thực hóa điều này.