(HNM) - Tại cuộc hội thảo khoa học về 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, kể từ khóa I cho đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp, 387 bộ luật, luật, 628 nghị quyết và 220 pháp lệnh.
Đây là những con số rất ấn tượng, thể hiện trí tuệ, sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, phục vụ sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Phản ánh tiếng nói của cử tri
Trong các nghị quyết của Quốc hội được ban hành vào những thời khắc quan trọng của đất nước có Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 1986 - 1990 mở đường cho đường lối phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới; Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1991 làm yên lòng dân trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều xáo trộn, phức tạp. Tiếp đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, theo sát diễn biến tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết 86/2014/QH13 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng đã chỉ rõ những điểm yếu của mô hình tăng trưởng hiện nay và đưa ra giải pháp nâng cao mối quan hệ giữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, để đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Có thể nói, đây là những nghị quyết có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
Trong công tác xây dựng luật, Quốc hội không ngừng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét trong các văn bản luật được thông qua tại Quốc hội.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường nhận định: Giai đoạn 2005 - 2015, hoạt động lập pháp của Quốc hội được thực hiện một cách sôi nổi, mạnh mẽ, quyết liệt với quyết tâm nâng cao cả về chất lượng lẫn số lượng các dự án luật được thông qua, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Tính từ tháng 5-2005 đến tháng 6-2015, Quốc hội đã thông qua 238 luật và pháp lệnh (30 pháp lệnh, 208 luật). Trong đó gồm 40 văn bản thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị và pháp luật về quyền con người, quyền công dân; 66 văn bản trong lĩnh vực kinh tế; 74 văn bản trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể thao, du lịch, dân tộc tôn giáo, dân số gia đình… 42 văn bản trong lĩnh vực pháp luật về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Chưa có thời kỳ nào, số lượng các dự án luật được Quốc hội ban hành nhiều như 10 năm qua.
Một điểm không thể không nhắc đến, đó là Quốc hội đã tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân. Tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, thời điểm 9 giờ 55 sáng 28-11-2013, 97,59% đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Hiến pháp, tạo cơ sở hiến định cho việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, đây là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp sửa đổi đã thể chế hóa cương lĩnh của Đảng ta, trên cơ sở phát huy dân chủ, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao quyền con người, nghĩa vụ công dân và phân định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong lĩnh vực kinh tế, Hiến pháp quy định, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hợp tác bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật.
Như vậy, về mặt nguyên tắc, sẽ không còn giới hạn phân biệt từ mặt quan điểm cho đến các cơ chế, chính sách pháp lý; không có sự phân biệt, không có sự bất bình đẳng, giữa các thành phần kinh tế trong cơ cấu kinh tế của nước ta. Nhà nước không can thiệp các quan hệ kinh tế bằng những biện pháp hành chính mà là "người" lãnh đạo, chỉ huy các hoạt động kinh tế… Đây là cơ sở để loại bỏ tư duy cát cứ đã tồn tại nhiều năm: Doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi hơn về đất đai, nguồn lực, giữ những lĩnh vực cần thiết nhất của quốc gia như xăng, dầu, khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng, đầu tư cho giáo dục... Còn các khu vực kinh tế khác, dù lớn hay nhỏ ít được hưởng sự quan tâm, ưu đãi lại chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chưa thể chen chân vào những mảng quan trọng.
Đổi mới để bắt kịp yêu cầu mới
Vui mừng trước những thành quả mà Quốc hội ta đã đạt được trong 70 năm qua, luật gia Lê Quang Vững nhận định: Sự đồng bộ trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã tạo điều kiện cho Quốc hội thực hiện vai trò của một "nhạc trưởng" trong tổ chức, điều phối sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy định của Hiến pháp. Song vẫn còn những vấn đề tồn tại, bất cập đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội để bắt kịp với những yêu cầu mới của đất nước, thời đại. Vẫn còn đó những bài học về công tác lập pháp chưa sát với thực tiễn khiến luật vừa ban hành lại phải sửa đổi, bổ sung. Hiện tượng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư khiến nhiều chính sách chưa có cơ hội đi vào đời sống.
Thực tế xây dựng, hoàn thiện pháp luật còn cho thấy, một số quy định còn thể hiện ý chí chủ quan, tính dự báo không cao, có dấu hiệu "gài" lợi ích nhóm nên sức sống không dài. Vì vậy, song song với việc ban hành các đạo luật mới, Quốc hội khóa mới cần tăng cường hậu kiểm, đảm đương nhiệm vụ bổ sung và hoàn thiện các đạo luật do Quốc hội các khóa trước đó ban hành để kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.