Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Để trở thành điểm đến thú vị…

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 26/11/2018 06:42

(HNM) - Để không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực sự là điểm đến thú vị, phát huy hiệu quả, thu hút du khách trong và ngoài nước, cùng với việc tập trung khắc phục những tồn tại hiện nay cần nghiên cứu mở rộng thêm không gian, kết nối với khu phố cổ Hà Nội.

Trình diễn thời trang thiếu nhi - một giải pháp tăng thêm sức hấp dẫn cho không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: Hữu Tiệp


Đề xuất mở rộng không gian phố đi bộ

Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Trật tự - Cơ động, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, Công an quận đã đề xuất thành phố đưa các điểm trông giữ xe được cấp phép ra xa khu vực trung tâm để tạo thói quen cho người dân, hạn chế dần phương tiện cá nhân, thay vào đó là sử dụng phương tiện công cộng, chống nhũng nhiễu cục bộ ở khu vực “vành đai” phố đi bộ. Đồng thời, đề nghị các cấp, ngành chức năng sớm quy hoạch lại các điểm vui chơi đặc trưng dành cho trẻ em.

Chẳng hạn, quy hoạch một khu vực riêng biệt, không ảnh hưởng đến việc đi bộ của người dân tại một tuyến phố phụ cận như phố Hàng Bài để trẻ em chơi xe điện, ô tô, xe cân bằng... có cơ quan chuyên trách bảo đảm phương tiện an toàn và an ninh.

Về lâu dài, cần sớm đưa ra mạng lưới trang web điện tử thông minh, hướng dẫn phân luồng, tuyến giao thông khu vực phố đi bộ và vùng phụ cận. Trong đó, hướng dẫn cụ thể các điểm trông giữ phương tiện do cơ quan quản lý nhà nước quản lý. Việc này cần công khai để người dân hiểu đúng chức năng, không gửi xe ở các điểm trông xe tự phát, thu không đúng giá quy định.

Ngoài ra, Công an quận Hoàn Kiếm đề xuất tiếp tục mở rộng thêm không gian phố đi bộ, kết nối với khu phố cổ Hà Nội, để tạo nên một tổng thể thống nhất, có nơi vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực… Mở rộng không gian đi bộ không chỉ bó hẹp quanh hồ Hoàn Kiếm mà cần tăng cường sự kết nối với khu vực phố cổ, Ðồng Xuân và khu vực Phùng Hưng. Hồ Hoàn Kiếm cần sự thông thoáng, văn minh và đậm chất văn hóa hơn là một tụ điểm vui chơi giải trí thông thường.

Thực hiện tốt quy hoạch

Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Những tồn tại, bất cập tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận xuất phát từ 2 nguyên nhân.

Thứ nhất là ý thức của người dân còn hạn chế. Mặc dù người dân đều nhận diện được không gian công cộng là giá trị của toàn xã hội, chứ không phải không gian chỉ để thỏa mãn nhu cầu riêng của mình, nhưng nhiều người vẫn cố tình chiếm không gian chung thành "của riêng".

“Chúng ta có tuyên truyền nhưng chưa động được vào nhận thức của người dân. Thêm vào đó, Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, tạo ra khung pháp lý nhưng chưa răn đe được... nên đã nảy sinh tồn tại”, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Thứ hai, thiếu sự giám sát cụ thể của cơ quan chức năng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Vì vậy, các cấp, ngành chức năng của Hà Nội phải có kế hoạch dài hạn, ví dụ đã triển khai thí điểm 2 năm nhưng nay mới đề cập lại vấn đề về quy hoạch bãi đỗ xe, quy hoạch điểm kinh doanh dịch vụ... là muộn. Để thực hiện dự án thì phải có kế hoạch dài hạn và phải được sự đồng thuận của người dân thì khi triển khai mới thành công.

Nói về không gian công cộng, tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm nhận định, đây là vấn đề được Hà Nội đề cập từ rất lâu. Ví dụ như trong quy hoạch khu vực hồ Hoàn Kiếm được duyệt năm 1996 đã đặt ra vấn đề hồ Hoàn Kiếm là tuyến phố đi bộ.

Khi đưa ra đề án này, Hà Nội đã đề ra hàng loạt dự án, đề xuất kèm theo, như các bãi đỗ xe công cộng ở khu vực Nhà hát Lớn Hà Nội, Vườn hoa Lý Thái Tổ, đặc biệt đề xuất cả bãi đỗ xe ở một số tuyến phố lân cận. Nhưng trong thực tiễn vẫn chưa thực hiện được các bãi đỗ xe theo quy hoạch này, dẫn đến cảnh lộn xộn như hiện nay.

Thực tế đã có nhiều buổi tọa đàm, hội thảo nhằm đưa ra các đóng góp xây dựng không gian phố đi bộ an toàn văn minh, hấp dẫn và hiệu quả. Vấn đề mà các chuyên gia ấp ủ là tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và thiếu không gian công cộng, cây xanh, vườn hoa, các tiện ích đô thị (như thùng rác, ghế đá, nhà vệ sinh). Để giải được bài toán này, rất cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tạo ra những hoạt động thú vị… Cảnh quan phải đạt được yêu cầu mỹ quan nhất định để có giáo dục thẩm mỹ đối với người dân.

Một điều quan trọng nữa là phải cải tạo, chỉnh trang lại không gian kiến trúc, trong đó phải nhận diện được công trình kiến trúc có giá trị, có điểm nhấn chiếu sáng tập trung, điểm nhấn cảnh quan... góp phần tạo lập nhận thức mới cho người dân Hà Nội và du khách. Theo mong muốn của đa số người dân là phố đi bộ cần có thêm các tiện ích đô thị hiện đại văn minh, các công trình điểm nhấn…

Tìm hiểu đặc trưng phố đi bộ ở nước ngoài, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường cho đất nước đó. Tại phố đi bộ trung tâm TP Seoul (Hàn Quốc), có nhiều thư viện, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm và nhiều cửa hàng tạp hóa. Du khách có thể thoải mái lựa chọn nhiều mặt hàng và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc.

Hoặc tại khu phố đi bộ Shinjuku (Nhật Bản), dọc theo phố đi bộ này có khách sạn, quán cà phê, cửa hàng và công viên… Vào mùa đông, dãy phố Shinjuku được trang hoàng lộng lẫy với những ánh đèn rực rỡ, tạo nên khung cảnh tuyệt vời.

Thường du khách đến các khu phố đi bộ ở nước ngoài, được thưởng lãm các công trình kiến trúc tiêu biểu, các tượng đài, tác phẩm nghệ thuật… Hàng lưu niệm, đồ chơi trong các khu phố đi bộ ở nước ngoài rất phong phú, là mặt hàng, sản phẩm thủ công cao cấp của địa phương. Nhưng ngược lại, ở phố đi bộ Hà Nội, những mặt hàng lưu niệm đồ chơi đa số lại thường có nguồn gốc Trung Quốc, do người bán hàng nhập không rõ xuất xứ.

Để phát huy giá trị của phố đi bộ, cùng với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, các ngành chức năng cần sớm ban hành Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Ngoài ra, mỗi khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm cần có một quy định riêng để quản lý. Hiện nay, thiết kế, chỉnh trang đô thị vẫn chưa được duyệt, như vậy phải có kế hoạch dài hạn, cụ thể thì mới sát nhu cầu thực tiễn.

Để không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thực sự là một điểm đến thú vị, có tác động tích cực đến phát triển thành phố, người dân cần được tham gia đầy đủ vào quá trình thực hiện để bảo đảm tính bền vững cũng như công bằng trong việc tiếp nhận các cơ hội.

Ngoài ra các cấp, ngành chức năng cần có vai trò chủ động, tạo điều kiện để các bên liên quan như các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thanh niên và cộng đồng sáng tạo, được tham gia vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian đi bộ.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Để trở thành điểm đến thú vị…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.