(HNM) - Trên các địa bàn giáp ranh với Campuchia tình hình buôn lậu
Đối tượng buôn lậu hoành hành. |
Tung hoành trên bộ
Với tuyến biên giới với nước bạn Campuchia dài khoảng 240km, 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát cùng nhiều cửa khẩu nội địa như Phước Chỉ, Chàng Riệc… Tây Ninh được xem là "thủ phủ" của buôn lậu thuốc lá điếu. Có mặt tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu - Tây Ninh) khoảng 16h chiều, cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh Tây Ninh dẫn chúng tôi vào hai đường mòn bên hông cửa khẩu. Đây được xem là hai đường "sống" của đối tượng buôn lậu thuốc lá từ Campuchia vào nội địa. Bên đường lau sậy, cỏ cây mọc cao hơn đầu người. Hệ thống đường nhánh nhiều tới mức kể cả cán bộ chi cục hải quan cũng phải đánh dấu tên để không bị lạc. Vào sâu hơn có nhiều đoạn đường chỉ đủ cho bánh xe máy lăn qua. "Sau khi vận chuyển hàng đến sát biên giới, cánh buôn lậu tập kết hàng tại các kho (địa phận Campuchia), sau đó lực lượng cửu vạn sẽ chia nhỏ hàng vận chuyển theo các đường mòn sang Việt Nam. Chủ hàng tiếp nhận bằng cách cho xe mô tô phân khối "ăn hàng" rồi vận chuyển theo các đường mòn này ra quốc lộ 22, đi vào đường Xuyên Á để đưa lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ hoặc dùng lực lượng cửu vạn vận chuyển vào các xã tiếp giáp biên giới (tỉnh Tây Ninh), sau đó xé lẻ rồi vận chuyển bằng mô tô đi tiêu thụ. Khu vực này địa hình phức tạp, nếu gặp lực lượng kiểm soát, lập tức cửu vạn ôm hàng chạy quay trở lại theo đường ruộng rồi lủi vào đầm lầy để thoát thân. Thêm nữa, khu vực này chỉ cách biên giới Campuchia vài chục mét nên mỗi lần phát hiện cửu vạn hoàn toàn có thể chạy sang Campuchia thoát thân…", anh Nguyễn Văn Thanh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài cho biết.
Theo Thượng tá Lê Hồng Vương, Phó Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh), các đối tượng buôn lậu, bất chấp lực lượng chức năng hoạt động ráo riết trên nhiều tuyến đường khác nhau. Thậm chí cánh buôn lậu mở ra nhiều tuyến đường nhỏ để vận chuyển. Hiện nay, dân buôn lậu hầu như vận chuyển hàng lậu vào ban đêm từ khoảng 0h đến 4h sáng hôm sau. Cũng theo Thượng tá Lê Hồng Vương, sở dĩ cánh buôn lậu phải xé lẻ hàng bởi theo quy định nếu vận chuyển 150 cây thuốc (tức 1.500 gói trở lên) mà bị bắt giữ sẽ bị khởi tố.
"Ngang dọc" sông nước
Tại huyện biên giới Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi phải "nằm vùng" một thời gian mới xâm nhập được vào "ngóc ngách" của cánh buôn lậu. Nếu trước đây, hoạt động vận chuyển hàng chủ yếu diễn ra vào ban ngày thì nay, hầu hết chuyển sang vào ban đêm, trọng điểm tại xã Thường Phước 1, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự) và xã Tân Hội (thị xã Hồng Ngự). Thông qua một người quen giới thiệu, chúng tôi gặp N.T.T, trước đây là một tay buôn lậu "có số, có má" tại vùng này, nay đã giải nghệ và chạy xe ôm kiếm sống. Dẫn chúng tôi đi sâu vào một vùng hẻo lánh của xã Thường Phước 1 vào lúc trời nhá nhem tối. N.T.T bảo: "Bây giờ đối tượng hoạt động tinh vi lắm, ngay cả ban đêm cũng có người cảnh giới vòng ngoài, vòng trong". Do đó, chúng tôi phải tìm một nơi tối tăm để "đóng chốt". Hơn 2 tiếng đồng hồ sau (khoảng hơn 20h tối), khúc kênh gần đó bỗng xuất hiện 2 xuồng máy chạy với tốc độ cao. N.T.T khẳng định đó là xuồng chở thuốc lá lậu. "Chỉ cần nghe tiếng máy là biết xuồng chở lậu, vả lại chỉ có chở hàng lậu mới phóng nhanh và liều lĩnh như thế". Chúng tôi thắc mắc vì sao không có đèn mà xuồng chạy nhanh thế, N.T.T cho biết, dân chở lậu thuộc tất cả các khúc sông lớn nhỏ như lòng bàn tay và để tránh bị lộ, đối tượng luôn thay đổi địa bàn hoạt động. Theo anh N.T.T, dân buôn lậu thường chọn địa bàn có hệ thống kênh rạch chằng chịt để hoạt động nhằm tránh sự truy quét của các cơ quan chức năng; đồng thời dễ dàng lẩn trốn khi có dấu hiệu "bị động". Còn trên bộ, cánh buôn lậu thường chọn các khu vực có nhiều tuyến đường mòn, hoặc những nơi hẻo lánh gần rừng để dễ dàng tẩu thoát khi bị cơ quan chức năng truy đuổi.
Huyện Tịnh Biên và TP Châu Đốc của tỉnh An Giang được xem là điểm nóng của tệ nạn buôn lậu. Có mặt tại phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc - nơi tiếp giáp với huyện Borey Chosa, tỉnh Tà Keo (Campuchia) vào những ngày này, có thể thấy người dân qua lại giữa hai nước khá tự do. Đứng ở biên giới phía Việt Nam có thể nhìn khá rõ chợ Gò Tà Mâu thuộc nước bạn Campuchia. Chợ này chỉ cách biên giới Việt Nam khoảng 1,5km và là nơi "tập kết" nhiều loại hàng hóa như đồ gốm sứ, mỹ phẩm, hàng điện tử, thuốc lá, rượu, đường... Từ phía Việt Nam chỉ cần đi xe máy khoảng 5 phút là có mặt tại chợ Gò Tà Mâu thông qua một tuyến đường nhỏ. Theo quan sát của chúng tôi, ngay sát chợ có một con kênh đào đủ để lưu thông bằng xuồng máy. Con kênh này chạy dọc biên giới giữa hai nước do vậy, dân buôn lậu thường xuyên vận chuyển hàng lậu bằng xuồng. Phần lớn đoạn kênh nằm trên địa phận Campuchia nên đối tượng có thể "vô tư" hành sự mà không sợ bị "hỏi thăm". Tới đoạn thuộc biên giới hai nước, nếu gặp cơ quan chức năng phía Việt Nam, dân buôn lậu có thể "án binh" an toàn trên đất Campuchia, khi thời cơ đến là có thể tuồn hàng vào nội địa chỉ trong tích tắc. Còn tại các tuyến đường bộ, dân buôn lậu chủ yếu vận chuyển bằng xe máy "độ", chạy với tốc độ bạt mạng. Khi gặp các cơ quan chức năng, đối tượng sẵn sàng va chạm để tẩu thoát.
… và không chịu chùn bước
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, tính đến giữa tháng 12-2014, đối với lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 172 vụ, thu giữ hơn 200.000 gói thuốc lá, gần 300 chai rượu ngoại… Tại tỉnh Đồng Tháp, do nằm giáp ranh với Long An lại có đường biên giới khá dài thuộc hai huyện Hồng Ngự và Tân Hồng nên tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, tổng số vụ buôn lậu được phát hiện bắt giữ là 1.696 vụ, tăng 73% so với năm 2013.
Tỉnh An Giang có đường biên giới dài, đặc biệt các kho hàng hóa nằm dọc biên giới thuộc phía Campuchia khá nhiều nên thực trạng buôn lậu luôn diễn biến phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình buôn lậu hàng hóa qua biên giới năm 2014 diễn biến phức tạp. Mặt hàng buôn lậu trọng điểm vẫn là thuốc lá và đường cát, bên cạnh đó là rượu ngoại, gỗ, mỹ phẩm, phụ tùng xe, điện tử, bánh kẹo... Từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra phát hiện 1.876 vụ vi phạm, thu giữ 928.814 gói thuốc lá ngoại và 774 tấn đường cát với tổng giá trị hàng hóa trên 39 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ). Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ quản lý thị trường của tỉnh An Giang cho biết, số vụ bắt giữ không đáng kể so với thực tế diễn ra trên địa bàn các khu vực biên giới. Ông Phạm Văn Rạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, tỉnh tập trung kiểm tra, kiểm soát hoạt động giao thương, đặc biệt là của thương nhân nước ngoài; tăng cường tuần tra, bắt giữ hàng hóa trái phép qua tuyến biên giới, nhất là việc vận chuyển buôn bán nông, lâm, thủy sản nhập lậu.
Có thể thấy, tình trạng buôn lậu tại các địa phương ở khu vực biên giới Tây nam diễn biến hết sức phức tạp và có dấu hiệu gia tăng so với mọi năm. Một số địa phương đã thành lập đội kiểm tra liên ngành cơ động tiến hành chốt chặn trên các tuyến biên giới 24/24h nhưng đối tượng buôn lậu vẫn không chùn bước.
Hà Nội: Bắt giữ hơn 200 chai rượu nhập lậu (HNM) - Tối 27-12, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cửa hàng số 63, phố Nguyễn Hữu Huân, thuộc Công ty TNHH MTV Giang Sơn do ông Nguyễn Trường Giang làm giám đốc. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 258 chai rượu ngoại các loại gồm Chivas 12, Chivas 18, Ballantines, Macallan... không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Toàn bộ số hàng trị giá khoảng 100 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm thu giữ toàn bộ số rượu trên, dự kiến xử phạt hành chính khoảng 70 triệu đồng. Thanh Hiền |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.