Để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thủ đô đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế, chính sách, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức và đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống.
Hà Nội ưu tiên cho các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất. |
Khai thông chính sách
5 năm qua, Sở KH&CN Hà Nội đã tham mưu cho thành phố ban hành nhiều chính sách, tạo môi trường thông thoáng và thuận lợi, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy KH&CN phát triển. Trong số đó phải kể đến Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, là cơ sở để định hướng xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch KH&CN hằng năm và trong suốt 5 năm qua của thành phố. Hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển KH&CN; nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò, vị trí của KH&CN.
HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2013 về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KH&CN và các nhà khoa học tham gia thực hiện chương trình trọng điểm của thành phố theo quy định của Luật Thủ đô. Nghị quyết đã đề xuất những đột phá về cơ chế, chính sách trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng như việc thuê chuyên gia trong và ngoài nước tham gia thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô.
Mới đây, thành phố đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN và ban hành Quyết định phê duyệt Điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN, góp phần hỗ trợ cơ chế, chính sách cho các đề tài khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao. Qua đó, thúc đẩy hoạt động KH&CN của các tổ chức, cá nhân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đội ngũ trí thức Thủ đô đã phát huy năng lực, trí tuệ thông qua các hoạt động tư vấn, phản biện trong việc xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách về KH&CN, cũng như vai trò trong các hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Ban Chủ nhiệm Chương trình KH&CN cấp thành phố được tập hợp với các nhà khoa học, các cán bộ có uy tín đã lựa chọn đề tài đưa vào các chương trình nghiên cứu, bảo đảm mục tiêu và tính khả thi, tránh trùng lặp, lãng phí. Qua hội nghị "3 nhà", các trường ĐH, viện nghiên cứu được tạo điều kiện giới thiệu các kết quả của đề tài, sẵn sàng chuyển giao cho cơ quan, doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận đơn đặt hàng nghiên cứu từ các sở, ngành, doanh nghiệp có nhu cầu. Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã hình thành và phát triển nhanh thị trường công nghệ, thiết bị với việc tổ chức hằng năm hoạt động Techmart và bắt đầu giao dịch công nghệ trên mạng.
Đẩy mạnh ứng dụng
Những điểm mới mang tính đột phá trong các chính sách đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các vấn đề bức thiết, nóng bỏng của thành phố cần giải quyết đã được quan tâm thích đáng thông qua các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được nhiều sở, ban, ngành, địa phương tham gia đặt hàng và trực tiếp triển khai. Từ năm 2011-2015, các chương trình KH&CN cấp thành phố đã triển khai 488 đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm. Chất lượng cũng như tỷ lệ ứng dụng kết quả vào thực tiễn của các đề tài ngày càng cao. Sản phẩm nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.
Ngành KH&CN Thủ đô đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, các chuyên gia trong và ngoài nước đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như: Dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ tại Hòa Lạc; Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại quận Tây Hồ; Dự án Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại huyện Đông Anh; Dự án cải tạo, sửa chữa trụ sở và đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng...
Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng trong nông nghiệp đã mang lại hiệu quả cao như xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nấm ăn, nấm dược liệu quy mô công nghiệp có sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm. Đề tài Nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển sản xuất lúa Indica hạt dài, Japonica chất lượng tại Hà Nội đã nghiên cứu thành công 3 giống lúa có đặc tính tốt, năng suất cao, khả năng chống sâu bệnh tốt, được sử dụng cho 2 vụ Xuân và Mùa ở các vùng sản xuất lúa tại Hà Nội. Đề tài nghiên cứu công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trong bể xử lý sinh học tích hợp năm chức năng đã góp phần thay thế các giải pháp công nghệ lạc hậu, từng bước thay thế công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị nhập khẩu…
Ngành Y tế Thủ đô có đề tài nghiên cứu tác dụng viêm dạ dày mạn tính có nhiễm Helicobacter Pylori bằng thuốc vị quản khang. Nhiều người dân đang được thụ hưởng kết quả nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật kết xương bằng đinh đàn hồi Metaizeau, điều trị gãy xương cánh tay với đường mổ ít xâm nhập và màn tăng sáng. Kỹ thuật này đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện, giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thiết bị tự động pha dịch điện giải đậm đặc đơn nguyên tại chỗ cấp cho điều trị thận nhân tạo.
Đề tài đã ứng dụng phương pháp trộn dịch bằng kỹ thuật giao thoa được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam, giúp giảm chi phí cho mỗi bệnh nhân chạy thận ít nhất 14 triệu đồng/năm. Trong lĩnh vực công nghiệp, sản xuất kinh doanh, một số đề tài khoa học được ứng dụng cho hiệu quả kinh tế cao như: Hoàn thiện thiết kế công nghệ chế tạo máy đúc bó vỉa bê tông tự hành, năng suất 30m/h và 60m/h, dùng để đúc bó vỉa bê tông di động; hoàn thiện công nghệ sản xuất van chống sét gốm MOV-ZnO điện áp 35kV…
Thời gian tới, KH&CN Hà Nội cần nỗ lực hơn nữa để đạt được những mục tiêu mà Chiến lược phát triển KH&CN đã đặt ra. Đó là đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 50% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt trên 20%/năm. Giá trị giao dịch của thị trường KH&CN tăng trung bình từ 16-18%/năm; đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến năm 2020, phấn đấu tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt 45%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.