(HNM) - Những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận...
Chăm sóc hoa tại Đà Lạt phục vụ cho thị trường Hà Nội. |
Liên kết để tận dụng thế mạnh
Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI nêu rõ: "Tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Trên tinh thần hiệu quả cùng có lợi. Tăng cường sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng và an ninh, xây dựng Đảng và chính quyền, tìm các cơ hội hợp tác đầu tư hỗ trợ nhau cùng phát triển". Như vậy, trong 5 năm tới 2016-2020 và những năm tiếp theo, để phát triển KT-XH, ngoài sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, sự liên kết hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Với lợi thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội vốn có thế mạnh về kinh tế, du lịch, nguồn nhân lực… Nhưng, Hà Nội cũng cần có sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố bạn về những mặt còn thiếu, còn yếu để có thể tận dụng và phát huy hiệu quả những thế mạnh vốn có. Những lĩnh vực mà Thủ đô có thể mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố gồm: Xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường, hạ tầng phát triển sản xuất và hệ thống phân phối, tổ chức sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của các tỉnh và sự thiếu hụt nguồn cung rất lớn của Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có thể tổ chức hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm công nghiệp tiêu dùng do Thủ đô sản xuất đến với các tỉnh, thành phố bạn. Từ mối liên kết chặt chẽ này, Hà Nội và các tỉnh, thành phố có thể cung cấp hai chiều về nguồn nhân lực cho sự phát triển chung, kể cả việc tổ chức đào tạo và đào tạo lại mà Hà Nội vốn có thế mạnh. Việc phát triển du lịch vùng với trung tâm là Thủ đô Hà Nội với những lợi thế về văn hóa, lịch sử cũng sẽ góp phần đưa ngành dịch vụ này phát triển nhanh và bền vững.
Mặc dù lợi thế đã thấy rõ, song việc tổ chức thực hiện luôn là thách thức không nhỏ. Từ những bài học kinh nghiệm về liên kết vùng của Hà Nội những năm trước cũng như thực trạng của vấn đề liên kết trên cả nước, có thể rút ra những nguyên tắc liên kết hiệu quả. Thực tế cho thấy, để việc liên kết phát triển mang lại hiệu quả cao, cần bảo đảm cho cả hai phía đều thu được hiệu quả một cách bền vững. Khi thuận lợi hay khó khăn, các đối tác đều cần có sự hỗ trợ mật thiết. Mối liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng cần có những cam kết cụ thể, có kiểm điểm đánh giá, rút kinh nghiệm để nhận thấy rõ những tồn tại yếu kém để từng bước khắc phục. Mô hình liên kết này cần được xây dựng trên cơ sở dồn sức mạnh để tạo điều kiện phát huy thế mạnh của từng địa phương trên cơ sở liên kết giữa DN và DN, hay giữa DN và nhà nước…
Những mô hình liên kết hiệu quả
Sản xuất rau an toàn trong nhà lưới tại Sa Pa phục vụ thị trường Hà Nội.Ảnh: Sơn Hà |
Để xây dựng mối liên kết bền vững, cần lựa chọn những nội dung cấp thiết nhất cho sự phát triển của các địa phương ở những lĩnh vực mang tính lan tỏa mạnh. Một số lĩnh vực có thể hợp tác ngay trong giai đoạn 2016-2020 của Thủ đô Hà Nội gồm: Phối hợp thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, phối hợp tổ chức sản xuất sạch, an toàn, công nghệ cao, giá cạnh tranh. Trước mắt, có thể tổ chức sản xuất ở các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực, từ đó tạo quỹ hàng hóa lớn, ổn định, cung ứng tại chỗ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và từng bước xuất khẩu.
Tiếp đó, Hà Nội có thể phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận thống nhất bảo vệ môi trường vùng Đồng bằng Bắc Bộ, như lưu vực các sông, hồ, ven biển, rừng… Việc liên kết để tổ chức chuỗi phân phối một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau, quả, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm trung gian để tạo nguồn cung ổn định, giá cạnh tranh phục vụ sức tiêu thụ lớn của Hà Nội đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, có thể tính đến việc xây dựng chuỗi phân phối các mặt hàng công nghiệp từ Hà Nội đi các tỉnh gồm cả tổ chức hệ thống kho vận (logistics) để phục vụ hiệu quả cho hệ thống phân phối…
Thực tế cho thấy, khi Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu, kinh tế cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng sẽ đứng trước sức ép mạnh mẽ về việc bắt tay liên kết nhằm tăng sức cạnh tranh. Sự liên kết này cần được hỗ trợ với vai trò "bà đỡ" của Chính phủ, các ngành liên quan và TP Hà Nội về chính sách đất đai, vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chính sách lưu thông hàng hóa, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính…
Trong điều kiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế của khu vực và thế giới, trước mắt là việc tham gia thị trường ASEAN (AEC), thực thi các hiệp định thương mại (FTA) và sắp tới khi Hiệp định TPP được thực thi, vấn đề liên kết để tạo sức mạnh chung của vùng kinh tế Đồng bằng Bắc bộ mà Hà Nội là trung tâm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Liên kết có hiệu quả, bền vững sẽ tạo tiền đề để phát huy sức mạnh nội lực của kinh tế Thủ đô cũng như toàn vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Xây dựng thành công mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố không chỉ đem lại những kết quả quan trọng trong giai đoạn 2016-2020 và những năm kế tiếp, mà còn góp phần tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH, đồng thời khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.