(HNM) - Hè là dịp trẻ em được thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm học tập vất vả. Do vậy, những địa chỉ giải trí, rèn luyện kỹ năng sống cho thiếu nhi trong dịp hè là rất cần thiết.
Một điểm thư viện lưu động dành cho học sinh và người dân tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: nguyễn linh |
Tại Hà Nội, hệ thống thiết chế văn hóa tương đối đồng bộ từ thành thị đến nông thôn đã phần nào đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí lành mạnh cho thiếu nhi, song do nhiều nguyên nhân, hệ thống này vẫn chưa phát huy tốt, xảy ra nghịch lý vừa thừa, vừa thiếu.
Nhu cầu đa dạng
Xã hội phát triển, đời sống kinh tế nâng lên kéo theo nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của người dân, đặc biệt là các cháu thiếu nhi ngày một đa dạng, phong phú. Ngoài điểm sinh hoạt, vui chơi truyền thống như công viên, sân chơi công cộng, nhà văn hóa thiếu nhi… những năm gần đây, Hà Nội có thêm nhiều công trình văn hóa, điểm vui chơi.
Nếu như trước đây, các em đến thư viện với mục đích chính là đọc, nghiên cứu tài liệu tại chỗ hoặc mượn về nhà, thì nay nhu cầu của các em đa dạng hơn, từ đọc, xem, nghe, đến mong muốn được sáng tạo, giao lưu kiến thức, văn hóa. Với hệ thống cơ sở vật chất tương đối hoàn thiện tại địa chỉ 47 Bà Triệu (Hoàn Kiếm) và 2B Quang Trung (Hà Đông), Thư viện Hà Nội (TVHN) đã và đang trở thành công trình văn hóa đa năng phục vụ bạn đọc.
Ngoài hình thức truyền thống, TVHN thường xuyên phối hợp với với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trưng bày, triển lãm theo chủ đề, mời các diễn giả đến nói chuyện, giao lưu với bạn đọc. Có thể kể đến các chương trình đọc sách, chiếu phim theo chuyên đề, thi đố vui, vẽ tranh, nói chuyện về kỹ năng sống cho lứa tuổi vị thành niên vào dịp hè 2016. Hệ thống thư viện công cộng từ thành phố tới cơ sở tổ chức cuộc thi "Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách hè", thực hiện luân chuyển, trao đổi sách nhằm bổ sung vốn tài liệu đa dạng cho thư viện. "Nhờ có sự đổi mới nên bạn đọc là thanh, thiếu niên đến với thư viện ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, TVHN phục vụ hơn 500 lượt bạn đọc là học sinh. Văn hóa đọc đang dần quay trở lại, thư viện không phải đi tìm bạn đọc như những năm trước. Điều chúng tôi băn khoăn hiện nay là hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở ở Hà Nội tuy nhiều nhưng một số thư viện chưa thể đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, gây ra sự lãng phí", bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc TVHN cho biết.
Cùng với thư viện, các cung thiếu nhi và hàng trăm nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội được coi là điểm đến "bổ ích" cho thiếu nhi trong dịp hè. Tiếc rằng, số nhà văn hóa có hoạt động phong phú, hấp dẫn thiếu nhi chủ yếu nằm ở các vị trí trung tâm, hoạt động theo ca và có thu phí nên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Các bảo tàng, công viên thường tổ chức các hoạt động phục vụ trẻ ở thời điểm nhất định và thu phí nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con em đến. Còn các nhà văn hóa cơ sở hiện nay lại thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu người hướng dẫn, tổ chức sinh hoạt.
Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, các tòa chung cư, trung tâm thương mại mọc lên san sát, trong khi việc quy hoạch, xây dựng công viên, vườn hoa, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư chưa được quan tâm đúng mức khiến cho một bộ phận không nhỏ trẻ em thiếu điểm sinh hoạt, vui chơi. Điều đó phần nào lý giải tại sao có tình trạng trẻ nhỏ nô đùa, đá bóng tại hành lang chung cư, vỉa hè, đường giao thông… ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng của trẻ. Mặt khác số trẻ em tìm đến các trò chơi điện tử ngày càng nhiều, tìm hiểu về những nét hay, cái đẹp của các loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian... ngày một ít đi. Trước nghịch lý vừa thừa và thiếu điểm vui chơi, sinh hoạt cho thiếu nhi, các ngành, các địa phương cũng đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ.
Đau đầu tìm lời giải
Để có thể phục vụ bạn đọc vùng nông thôn, TVHN đã thực hiện mô hình thư viện lưu động. Thứ bảy hằng tuần, xe lưu động chở 1.300 đầu sách thiếu nhi và 6 máy tính đến các trường tiểu học vùng ngoại thành Hà Nội phục vụ trẻ em. Bà Vương Thị Lý cho biết, hình thức phục vụ bạn đọc theo cách mà TVHN đang làm vừa ít tốn kém, lại hiệu quả. Thế nhưng, nguồn kinh phí đầu tư cho thư viện hiện nay rất hạn chế, đội ngũ cán bộ thư viện chưa mạnh nên dù muốn TVHN cũng khó có thể nhân rộng hình thức này. Thiếu kinh phí để hoạt động, nâng cấp cơ sở vật chất cũng là nguyên nhân khiến lượng bạn đọc thường xuyên tại thư viện huyện Ba Vì, Sóc Sơn và một số thư viện cấp huyện khác luôn trong tình trạng lèo tèo. "Trung bình mỗi ngày, thư viện huyện Ba Vì phục vụ hơn 100 lượt thiếu nhi đến mượn, trả sách nhưng vì nóng quá các cháu không thể ngồi đọc tại chỗ. Nếu được đầu tư nâng cấp, thư viện cấp huyện sẽ là thiết chế văn hóa hấp dẫn đối với thiếu nhi", ông Nguyễn Chí Nguyện, Giám đốc Nhà Văn hóa huyện Ba Vì khẳng định.
Nếu, các nhà văn hóa trung tâm, bảo tàng, công viên… bỏ thu phí thì sẽ thu hút nhiều trẻ em hơn. Còn nếu thu phí thì các thiết chế này cần được bổ sung một số hạng mục, công trình phụ trợ, đổi mới nội dung sinh hoạt, để có thể phục vụ nhu cầu đa dạng của trẻ em, bao gồm cả việc ăn, nghỉ, vui chơi. Được như thế, phụ huynh sẽ yên tâm gửi con em trong dịp hè. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, đa số đơn vị chưa thể thực hiện vì vừa thiếu quỹ đất, vừa thiếu kinh phí.
Hệ thống nhà văn hóa cơ sở cũng gặp khó khi chưa có cơ chế quản lý, vận hành, người trông coi kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ... Mặc dù vậy, không phải không có những địa chỉ được quan tâm đầu tư như huyện Thanh Trì đã chủ động đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa cơ sở cả về nội thất và ngoại thất. Nhờ vậy, người dân huyện Thanh Trì nói chung, thanh thiếu niên nói riêng nhiệt tình đến nhà văn hóa sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, góp phần đưa phong trào văn hóa quần chúng huyện Thanh Trì phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Thực tế nêu trên cho thấy, Hà Nội không thiếu trầm trọng điểm đến cho thiếu nhi, kể cả trong dịp hè. Điều cần làm không chỉ là xây dựng, bổ sung các điểm vui chơi, giải trí, mà quan trọng hơn là đa dạng hóa các hoạt động làm tăng tính hiệu quả, hấp dẫn của các thiết chế hiện có.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.