Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Vào từng nhà, vận động từng người tham gia

Minh Ngọc| 01/04/2022 07:45

(HNMO) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách mới, nên nhiều người chưa hiểu rõ, chưa chủ động tham gia. Nhằm đưa chính sách đi sâu vào đời sống, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội vào từng nhà, vận động từng người tham gia; đồng thời, chú trọng nhân rộng mô hình điểm về BHXH tự nguyện.

Cán bộ ngành BHXH Hà Nội gặp từng người tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện.

“Mưa dầm thấm lâu”

Hiện nay, thành phố Hà Nội đưa chính sách BHXH tự nguyện đi vào đời sống bằng nhiều cách, qua nhiều kênh thông tin, do nhiều bên cùng thực hiện. Dù triển khai theo hướng nào, thì yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan chức năng chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho lực lượng cán bộ, nhân viên, đồng thời, lựa chọn những người uy tín làm đại lý, nhân viên thu BHXH, bảo hiểm y tế ở cấp cơ sở. 

Bà Trần Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa), kiêm nhân viên thu BHXH, bảo hiểm y tế tại địa phương này cho biết, người dân nơi đây chủ yếu làm nông nghiệp, song đa số vẫn đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, nên khâu tuyên truyền cần làm rõ tính ưu việt của chính sách, giúp họ thấy rõ lợi ích lâu dài khi tham gia. Tuyên truyền viên là trưởng thôn, bí thư chi bộ các khu dân cư, đại diện hội liên hiệp phụ nữ..., còn đối tượng tập trung tuyên truyền là người trong độ tuổi lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán tạp hóa, người làm trang trại chăn nuôi... Kiên trì vào từng nhà, gặp từng người để triển khai, đến nay, xã Tảo Dương Văn có 230 người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, riêng năm 2021 phát triển được 165 người mới. 

Tinh thần “mưa dầm thấm lâu” cũng là bí quyết thành công của thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) trong quá trình đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Xuân Mai cho hay: “Việc tiếp xúc với nhiều người, gia đình giúp tôi nhận ra, dù đời sống ngày càng cải thiện, nâng cao, nhưng nhiều người dân còn thiếu điểm tựa an sinh, nhất là đối với phụ nữ ở nông thôn. Vì thế, hội chúng tôi đã đảm nhận vai trò làm lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời làm đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế. Trong quá trình triển khai, chúng tôi lựa chọn trưởng nhóm tuyên truyền là những cán bộ hội, người có uy tín trong cộng đồng, mỗi trưởng nhóm phụ trách tối đa 30 hộ có tiềm năng”. 

Theo hướng này, 6 tháng cuối năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Xuân Mai phát triển mới 140 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia của thị trấn trong thời gian này lên hơn 200 người, cao hơn nhiều so với nhiều năm trước cộng lại.

Là người mới tham gia, chị Phùng Thị Vân Anh, tổ dân phố Xuân Hà (thị trấn Xuân Mai) chia sẻ: “Việc kiết kiệm khoản tiền nhỏ mỗi tháng khi còn trẻ không khó, nên tôi đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với phương thức đóng 3 tháng một lần, mức đóng hơn 1 triệu đồng/tháng”.

Ngoài những dẫn chứng nêu trên, Hà Nội hiện có hàng nghìn cán bộ, nhân viên, tuyên truyền viên bảo hiểm xã hội tự nguyện “khéo nói, thạo việc” cùng hệ thống đại lý, nhân viên thu BHXH, bảo hiểm y tế tận tâm, tận tình, trách nhiệm. Họ là “nhịp cầu nối” đưa chính sách đến với người dân. 

Niềm vui của lao động làm nông nghiệp, trú tại thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) khi cầm trên tay cuốn sổ BHXH.

Hiệu quả từ những mô hình điểm

Không chỉ chú trọng phát triển lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt, Hà Nội còn đưa chính sách đến với người dân bằng cách quan tâm, tạo điều kiện để nhân cấy các mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, từ giữa năm 2021 đến nay, ngành BHXH Thủ đô triển khai mô hình xã, phường điểm về BHXH tự nguyện tại 30 quận, huyện, thị xã. Theo đó, mỗi quận, huyện, thị xã lựa chọn, xây dựng một xã, phường, thị trấn có tiềm năng, lợi thế về phát triển BHXH tự nguyện để thí điểm triển khai. 

Ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì) thông tin, xã phối hợp với các cơ quan chức năng cử cán bộ rà soát tất cả hộ có tiềm năng để vận động họ tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài mức hỗ trợ theo quy định, xã Vạn Thắng hỗ trợ thêm 200.000 đồng/sổ BHXH tự nguyện cho người dân tham gia trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12-2021.

Nhờ đó, những tháng cuối năm vừa qua, xã Vạn Thắng có thêm 220 người ghi tên vào danh sách BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia trên địa bàn lên 338 người, hoàn thành tốt mục tiêu xã điểm về phát triển BHXH tự nguyện của huyện Ba Vì. 

Tại quận Bắc Từ Liêm, mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện được triển khai ở phường Tây Tựu. Chia sẻ về mô hình này, bà Phan Thị Thu Giang, Phó Chủ tịch UBND phường cho hay, phường đã thành lập 14 tổ tuyên truyền, phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện và giao chỉ tiêu cho từng tổ dân phố, các hội đoàn thể, trường học. Định kỳ thứ bảy hằng tuần, đoàn viên, thanh niên đi tuyên truyền lưu động bằng loa về chính sách đến đông đảo người dân... Kết quả, năm 2021, phường Tây Tựu có thêm 241 người dân tham gia mới BHXH tự nguyện, đạt 120,5% chỉ tiêu theo mô hình phường điểm.

Ngoài mô hình xã, phường điểm, thành phố Hà Nội còn tập trung phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện thông qua hệ thống trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Chẳng hạn, tại huyện Sóc Sơn, ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, đơn vị giao nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho cán bộ chuyên trách dân số tại 26 xã, thị trấn trên địa bàn với sự hướng dẫn chuyên môn của cơ quan BHXH huyện. Lực lượng này gần dân, lại nắm rõ độ tuổi của từng người, nên có thể đưa chính sách đến những địa chỉ tiềm năng. Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn triển khai (từ ngày 15-10 đến cuối năm 2021), đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số huyện Sóc Sơn vận động được 289 người tham gia BHXH tự nguyện. Từ đầu năm 2022 đến nay, mô hình này tiếp tục được quan tâm nhân rộng... 

Thông qua những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với thực tế tại địa phương, những mô hình điểm về phát triển BHXH tự nguyện từng bước khẳng định tính hiệu quả.

Bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội dẫn chứng, trong những tháng cuối năm 2021, các xã, phường điểm về BHXH tự nguyện phát triển mới được 3.461 người. Bình quân mỗi đơn vị điểm tăng mới được 115 người, cao gấp 2,9 lần so với các xã, phường, thị trấn khác. Kết quả này mở ra hướng đi mới cho công tác phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn Thủ đô, góp phần rộng mở cơ hội cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng lương hưu và một số chính sách an sinh khác khi về già. 

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Vào từng nhà, vận động từng người tham gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.