Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Văn hóa, con người trước ''cơn lốc'' thị trường

Nhóm phóng viên| 20/11/2021 07:13

(HNM) - Công cuộc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời gian qua ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật và quan trọng. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, công tác này còn không ít khó khăn, hạn chế. Trong “cơn lốc” thị trường cùng quá trình đô thị hóa nhanh và xu thế toàn cầu hóa, những mặt trái càng bộc lộ rõ hơn...

Biểu diễn hát xoan tại đình Kim Ngân (quận Hoàn Kiếm), tháng 2-2020. Ảnh: Đỗ Tâm

Những khó khăn, hạn chế

Thành tựu về văn hóa đạt được từ công cuộc đổi mới là to lớn, song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn tồn tại không ít vấn đề, ảnh hưởng đáng kể tới mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Chỉ rõ những hạn chế, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần...”.

Những tồn tại, thách thức trên khiến đời sống văn hóa chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng và đòi hỏi từ thực tế. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa truyền thống vẫn còn những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, dẫn đến tình trạng nhiều di sản bị xuống cấp, thậm chí biến mất trong “cơn lốc” đô thị hóa; nhiều di sản khác chưa phát huy được thế mạnh trong khai thác du lịch văn hóa; nhiều loại hình diễn xướng, văn hóa dân gian, lễ hội, nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một...

Dẫn chứng về sự mất mát di sản từ hệ thống kiến trúc nhà rường truyền thống của Cố đô Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: “Trong các năm 1997-1998, một số cơ quan đã phối hợp điều tra, lập hồ sơ cho hơn 700 ngôi nhà rường của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng sau hơn 20 năm, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp và rất có giá trị này chỉ còn chưa đến 30%”.

Nhìn sang đời sống văn hóa, nghệ thuật, dù đang trong giai đoạn nở rộ các loại hình phim ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, thời trang…, song vẫn không che lấp được một thực tế là tăng trưởng thiếu tính bền vững; nhiều sản phẩm văn hóa coi nhẹ vai trò bồi dưỡng, giáo dục, khơi dậy khát vọng chân, thiện, mỹ ở mỗi người. Trong khi đó, công tác thẩm định, đánh giá tác giả, tác phẩm còn nhiều tồn tại; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn chưa chú trọng tới việc định hướng thị hiếu thẩm mỹ cho người dân…

Theo nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhiều năm nay, việc sản xuất phim của ngành Điện ảnh trông chờ vào hơn 500 hãng phim tư nhân. Con số thì nhiều, song thực lực sản xuất được “phim ra phim” thì ít. Đa phần là phim giải trí đơn thuần. Từ kinh nghiệm thực tế khi tham gia các dự án nghệ thuật tầm cỡ quốc tế, nhạc sĩ Quốc Trung đánh giá: “Chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước, khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, thiếu cả những không gian văn hóa mang tính tiêu biểu, mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp văn hóa và cộng đồng”.

Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, nhìn từ sân khấu truyền thống, chưa thấy một đạo diễn nào có thể bứt phá để kế cận lớp cha ông. Đây là một báo động, một thực tế đáng buồn của nghệ thuật sân khấu.

Áp lực lên “hệ miễn dịch” văn hóa

Quá trình đổi mới đem đến nhiều thành tựu to lớn, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường, tiến trình đô thị hóa, xu thế toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các không gian mạng… cũng để lại không ít hệ lụy. Mở cửa ra thế giới, người dân dễ dàng tiếp cận với các giá trị văn minh của nhân loại, đồng thời cũng phải đối mặt với sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, trong đó có nhiều luồng văn hóa “xấu, độc”, tạo áp lực lên bản lĩnh văn hóa - “sức đề kháng” của cả cộng đồng; tác động tiêu cực đến không ít người trẻ, mà biểu hiện rõ nhất là hiện tượng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử.

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Hương, khoảng ba, bốn thập niên trở lại đây, cộng đồng và truyền thông lên tiếng nhiều về việc văn hóa truyền thống có những dấu hiệu phôi pha do lối ứng xử xô bồ, lệch chuẩn, lối sống “trên tiền”, sự xem nhẹ giá trị đạo đức của một bộ phận người dân… Mặt khác, mải miết chạy theo lối sống mới, nhiều người trẻ đã quay lưng với những giá trị truyền thống, những di sản văn hóa mà tiền nhân chắt chiu để lại.

“Hiện tượng này đến từ quá trình đô thị hóa, mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình tiếp nhận văn hóa một cách dễ dãi trong xu thế hội nhập... Nói cách khác, sự lúng túng của cộng đồng có sự thay đổi về không ít giá trị, nên có lúc, có nơi văn hóa ứng xử bị xem nhẹ, cả ở trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội”, bà Nguyễn Thị Hương nhận định.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Từ Thị Loan, Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam, môi trường mạng internet bên cạnh những mặt tích cực, ngày càng có nhiều vấn nạn, từ việc bán hàng “rởm”, “bóc phốt”, khoe thân..., đến bóp méo thông tin, bôi đen chế độ khiến dư luận hoang mang, xói mòn niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội...

Mặt trái của tiến trình hội nhập đang từng ngày, từng giờ tác động lên tư duy, thị hiếu, đời sống tâm lý của người Việt, nhất là giới trẻ. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn, làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp, cản trở sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng, bồi đắp những giá trị nhân văn, xây dựng hệ giá trị văn hóa con người đáp ứng yêu cầu mới đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Văn hóa, con người trước ''cơn lốc'' thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.