Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tiền đề cho chính phủ điện tử

Bách Sen - Thanh Hải| 26/11/2017 07:44

(HNM) - Trong bối cảnh hoạt động quản lý, điều hành dựa trên giấy tờ truyền thống đã không còn phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, việc quản lý bằng số định danh, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là bước tiến nhằm cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu đặt ra.


Hành trình thực tế

Hiện nay, các loại giấy tờ của công dân được giao cho nhiều cơ quan khác nhau thực hiện quản lý. Cụ thể như: Bộ Công an quản lý sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu phổ thông; Bộ Giao thông - Vận tải quản lý giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội quản lý sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế… Bên cạnh đó, các loại thông tin khác nhau về công dân được các bộ, ngành thu thập, lưu trữ, bảo quản và khai thác theo các hệ thống thông tin chuyên ngành khác nhau.

Khảo sát của Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) tại các đơn vị công an các cấp cho thấy, việc trao đổi thông tin về dân cư giữa ngành Công an và các bộ, ngành khác như: Tổng cục Thuế, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội… còn rất hạn chế; tần suất trao đổi chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.

Bên cạnh đó, việc trao đổi dữ liệu về dân cư giữa các cơ quan trên chủ yếu thực hiện thủ công qua phương pháp văn bản truyền thống, dẫn đến dữ liệu dân cư chưa tập trung. Hệ quả là công dân sở hữu nhiều loại giấy tờ với đủ các cơ quan phát hành, như: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe các loại… với một số nội dung trùng lặp về họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch…

Nhưng khi tham gia giao dịch hành chính, người dân lại hầu như không thể sử dụng một trong các giấy tờ này thay thế cho giấy tờ kia để chứng minh tình trạng nhân thân. Nếu người nào bất cẩn làm mất một trong số những giấy tờ thì khi làm lại phải thực hiện thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức, chi phí.

Chung tay giảm chi phí cho người dân

Dẫn chứng những tiện lợi của chủ trương này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) khẳng định: Phương pháp quản lý bằng số định danh cá nhân sẽ dễ dàng hơn khi quản lý bằng giấy tờ, khai báo. Người dân chỉ cần thực hiện một hoạt động giao dịch điện tử, ngay lập tức cơ quan chức năng sẽ biết chính xác họ đăng nhập ở đâu, tạm trú ở khu vực nào. Việc sử dụng số định danh cá nhân cũng là mốc mở đầu cho việc quản lý thông tin cá nhân từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Mỗi người dân chỉ cần đăng nhập mã số của mình thì tất cả thông tin liên quan sẽ được hệ thống cung cấp đầy đủ.

Sử dụng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là điều kiện để đẩy nhanh việc triển khai mô hình chính phủ điện tử, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình cải cách hành chính. Ông Hoàng Văn Cường cho biết, để triển khai mô hình chính phủ điện tử, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 896/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Đến năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân và giao Bộ Công an xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những chi phí có thể tiết kiệm được đã được Bộ Công an, Bộ Tư pháp cung cấp và khởi động với những dữ liệu chuyên ngành được số hóa, liên kết. Thế nhưng, người dân không thể hưởng lợi một cách mạnh mẽ nếu không có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành khác. Chính phủ điện tử không chỉ là tập hợp những giải pháp đơn lẻ dựa trên các ứng dụng web của từng cơ quan, đơn vị, mà được kỳ vọng tạo ra một môi trường hiện đại, thống nhất giữa các bộ, ngành, thông qua việc liên kết các quy trình nghiệp vụ một cách hợp lý, nỗ lực giảm thiểu chi phí, đẩy mạnh nghiên cứu và đánh giá hoạt động.

Ngoài ra, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào khai thác, sử dụng, chính phủ điện tử tạo cơ hội cho các cơ quan nhà nước nắm bắt thông tin tốt hơn. Mã số định danh được coi là “chìa khóa” để các cơ quan nhà nước tra cứu trong cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lấy ra các thông tin về công dân phục vụ mục đích giải quyết thủ tục hành chính.

Thêm nữa, số liệu có tính cập nhật từ cơ sở dữ liệu dân cư giúp công tác thống kê, hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển hằng năm được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng tình hình thực tế trong nước và quốc tế. Đơn cử, có thể cắt giảm các cuộc tổng điều tra dân số định kỳ 10 năm/lần như hiện nay hay điều tra về nhân khẩu học của các ngành khác.

Vì vậy, điều cần thiết để xây dựng chính phủ điện tử là các ngành có liên quan khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ thông tin với nhau; đẩy nhanh việc cấp thẻ căn cước công dân nhằm phục vụ yêu cầu quản lý hiện đại qua số định danh cá nhân thay vì sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân như hiện nay.

Phân tích cụ thể hơn, theo Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh, kho dữ liệu số về trẻ mới khai sinh nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số tỉnh, thành phố có điều kiện kết nối thì sẽ không phải cấp bản chính, bản sao giấy khai sinh trong thời điểm nhập học. Kể cả các cơ quan bảo hiểm cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi miễn phí có thể trực tiếp kết nối để thực hiện thủ tục.

Theo luật sư Cao Minh Vượng, Đoàn luật sư Hà Nội, để tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng chính phủ điện tử, có sự vận hành đồng bộ giữa tất cả các cá nhân, cơ quan quản lý, cần có vai trò đầu tàu của Chính phủ. Đây sẽ là cơ quan ban hành nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của nhiều bộ, ngành, từ việc xem xét, liên kết các quy trình nghiệp vụ một cách hợp lý, tránh tối đa hiện tượng “trên trải thảm, dưới rải đinh” gài cắm giấy phép con dưới nhiều hình thức khác nhau...

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tiền đề cho chính phủ điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.