Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thanh tra thiếu, nhân lực yếu

Thu Trang - Hằng Dương| 12/07/2016 06:46

(HNM) - Khám chữa bệnh (KCB) là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe người dân, thậm chí cả tính mạng con người. Tuy nhiên, trên thực tế, việc kiểm tra, xử lý các cơ sở y tế tư nhân của các cơ quan chức năng không kịp thời do lực lượng thanh tra y tế vừa yếu và thiếu trầm trọng.


Một thanh tra “trông” 1.000 cơ sở y tế tư nhân

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 3.000 cơ sở KCB ngoài công lập, bao gồm: Phòng khám (PK) đa khoa, PK chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Thế nhưng, toàn ngành y tế Thủ đô mới chỉ có 3 thanh tra về lĩnh vực KCB; trung bình một thanh tra phải “trông” khoảng 1.000 cơ sở y tế ngoài công lập. Do khối công việc quá lớn, lực lượng thanh tra “siêu mỏng”, khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Trong 6 tháng (từ ngày 16-11-2015 đến 15-5-2016), Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành thanh, kiểm tra được 62 lượt cơ sở, chiếm hơn 2% số lượng cơ sở KCB ngoài công lập hiện có. Như vậy, trong một năm lực lượng thanh tra chỉ tiến hành thanh, kiểm tra được khoảng 4% cơ sở và phải mất đến hơn 20 năm lực lượng thanh tra mới thanh, kiểm tra hết một vòng các cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể những PK “chui”, hoạt động không phép phải thanh, kiểm tra.

Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống cơ sở y tế tư nhân.



Bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, nhân lực trực tiếp quản lý hành nghề y, dược tư nhân từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn còn ít, trong khi đó số lượng cơ sở lớn, hình thức tổ chức ngành nghề đa dạng, trải rộng khắp địa bàn thành phố. “Một bộ phận người hành nghề y, dược ngoài công lập chưa thực sự chấp hành tốt các quy định của pháp luật, lợi dụng kẽ hở để cố tình có những hành vi đi lệch với quy định. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người dân chưa có nhiều thông tin, hiểu biết khi sử dụng dịch vụ, họ thường lựa chọn sử dụng dịch vụ thông qua các hình thức quảng cáo” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng nêu vấn đề, hạn chế lớn nhất trong quản lý hoạt động y tế ngoài công lập là lực lượng thanh tra y tế quá mỏng. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân đóng trên địa bàn phường, xã, thị trấn chưa được thường xuyên. “Hệ thống thanh tra y tế cần tăng cường phối hợp với các phòng y tế, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn để giám sát công tác thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn” - người đứng đầu ngành y tế đề nghị.

Kiểm tra hay rà soát?

Qua các số liệu của phòng y tế các quận, huyện và chính quyền các địa phương cung cấp cho phóng viên Báo Hànộimới, điều dễ nhận thấy, hoạt động kiểm tra các cơ sở hành nghề y tư nhân ở tuyến dưới khá nhiều, chiếm tỷ lệ lớn, song, hiệu quả lại không cao. Chẳng hạn, với hơn 200 cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân quận Hà Đông đã tiến hành kiểm tra gần 100 cơ sở (chiếm khoảng 50%) và xử phạt hành chính 8 cơ sở, với số tiền 81 triệu đồng. Còn tại quận Hai Bà Trưng, từ đầu năm đến nay, riêng lực lượng chức năng phường Đồng Tâm đã kiểm tra 195 lượt các cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn và tiến hành xử phạt hơn 85 triệu đồng đối với 11 cơ sở…

Một trong những rào cản khiến công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân của chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò, đó là vấn đề chất lượng nhân lực và chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế. Theo quy định, đội ngũ cán bộ y tế cấp xã, phường, thị trấn chỉ có chức năng kiểm tra (chủ yếu là thủ tục pháp lý) của các cơ sở y, dược tư nhân, mà không có chức năng quản lý hành nghề. Do vậy, việc kiểm tra chẳng khác gì rà soát, nếu nghi ngờ cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì báo cáo cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên kiểm tra, xử lý. Hơn nữa, lực lượng quản lý lĩnh vực này tại các xã, phường, thị trấn quá mỏng, lại không có chuyên môn, chủ yếu kiêm nhiệm. Bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông thẳng thắn thừa nhận, do nhân lực mỏng, ngoài việc quản lý hệ thống cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, Phòng y tế quận còn thường xuyên phải triển khai các nhiệm vụ chuyên môn khác, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các PK tư nhân…

Việc các cơ sở y tế tư nhân "mọc" lên quá nhiều, nhưng lại thiếu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ đang là thách thức với chính quyền các cấp của Hà Nội. Nhiều vụ việc đáng tiếc đã từng xảy ra tại các PK tư nhân trên địa bàn thời gian qua là bài học vô cùng đau xót. Vậy phải quản lý thế nào để nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở y tế tư nhân, đem lại niềm tin cho người dân là câu hỏi cần được trả lời.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thanh tra thiếu, nhân lực yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.