(HNM) - Sau 30 năm đổi mới, Hà Nội luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, thành phố vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục...
Quy định và thực thi còn khoảng cách
Đánh giá kết quả ĐTNN, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội cho rằng, bên cạnh thành công, còn không ít hạn chế tồn tại có nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan cần nhận diện, khắc phục. Theo ông Tuấn, đó là các quy định pháp lý, thủ tục liên quan đến đầu tư chưa hẳn "ăn khớp" với nhau. Khi triển khai thực tế, giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành còn một số điểm vênh, liên quan đến vấn đề trình tự, thẩm quyền, thời điểm xét và các điều kiện đầu tư. Đặc biệt, giữa quy định và thực thi còn có khoảng cách. Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, đối với hồ sơ thuộc diện cần xin ý kiến liên ngành, thường bị "ngâm" do phải chờ bộ, ngành nghiên cứu rồi có văn bản thẩm tra; sau đó mới có thể trả lời dứt khoát cho nhà đầu tư.
Sản xuất thiết bị tại Công ty Hoya Glass Disk Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Otsuka`s nhận xét, thủ tục hành chính của Hà Nội đã cải tiến rất nhiều, tuy nhiên, trong quá trình làm việc với một số cơ quan, nhà đầu tư thấy vẫn còn thủ tục rườm rà, hướng dẫn không rõ ràng nên quá trình giải quyết mất rất nhiều thời gian. Đơn cử như các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, quy hoạch, thường rất lâu, nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần, tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp. "Chúng tôi rất mong được hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính để có thể giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời hơn" - ông Otsuka`s kiến nghị.
Ngoài ra, Hà Nội cũng phải cạnh tranh thu hút ĐTNN với các địa phương lân cận, như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… Hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ nối Thủ đô với các tỉnh này, đã và đang được xây mới, hoàn thiện nhanh chóng, là điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN dễ dàng đi lại. Trong khi đó, với đặc thù giá thuê đất cao, giá nhân công cao, cũng như tiêu chí chọn lọc dự án luôn khắt khe hơn so với các địa phương khác cũng là những bất lợi trong thu hút vốn nước ngoài vào Hà Nội. Việc xuất hiện ngày càng nhiều dự án sản xuất có quy mô lớn, thu hút nhiều nhân công tại các tỉnh lân cận là minh chứng cho thực tiễn nói trên.
Đối mặt nguy cơ chuyển giá, trốn thuế
Thực tế cho thấy, "sức bền" của doanh nghiệp (DN) ĐTNN thường không đều nhau, do hoàn cảnh, điều kiện và năng lực khác nhau. Trung bình mỗi năm có khoảng 20-25 dự án ĐTNN dừng hoạt động. Đặc biệt, vấn đề chuyển giá, lách luật, trốn thuế đang là vấn nạn gây đau đầu đối với cơ quan quản lý, làm thiệt hại cho ngân sách; mất đi sự công bằng trong kinh doanh, làm tổn hại môi trường đầu tư. Vụ việc mới nhất là ngành Thuế đã ra quyết định điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế, với tổng số tiền 507 tỷ đồng đối với Công ty Metro Cash&Carry Việt Nam do liên quan đến hành động chuyển giá, trốn thuế. Trước đó, trường hợp Công ty Keangnam Vina (Hàn Quốc) - chủ dự án tòa nhà cao nhất Hà Nội, cũng là một ví dụ khi bị truy thu hơn 90 tỷ đồng, sau khi cơ quan thuế thanh tra giá chuyển nhượng và điều chỉnh giảm trừ chi phí 1.200 tỷ đồng. Có thể nói, cùng với làn sóng ĐTNN vào Việt Nam, có không ít nhà đầu tư đã lợi dụng chính sách ưu đãi, lách luật, trốn trách nhiệm, nghĩa vụ tài chính. Sau khi hết thời gian ưu đãi là tìm cách rời khỏi Việt Nam. Những quyết định cứng rắn của cơ quan chức năng là cần thiết, góp phần xác lập một môi trường kinh doanh bình đẳng; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật trên địa bàn đầu tư, kinh doanh.
Một điểm nữa chưa được như ý muốn là sự ảnh hưởng, lan tỏa giữa các dự án ĐTNN tới DN nội trên địa bàn. Trong khi mục tiêu đặt ra giữa hai khu vực này có sự gắn kết chặt chẽ, tập trung vào hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác thương mại, sản xuất; đặc biệt là biến các DN nội trở thành vệ tinh, chuyên cung cấp linh kiện cho DN ĐTNN. Thực tế trên đặt ra yêu cầu, cơ quan quản lý hỗ trợ đúng việc, đúng lúc; đồng hành cùng nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN, nhưng cũng cần để nhà đầu tư hiểu, tuân thủ pháp luật tại nơi đầu tư.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Vũ Duy Tuấn, việc thu hút vốn ĐTNN tạo ra một kênh cấp vốn mới, bổ sung cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Hà Nội cùng cả nước đã kiên trì thực hiện quá trình hội nhập, chủ động hướng dòng vốn vào những lĩnh vực quan trọng, phù hợp với định hướng và điều kiện, trên tinh thần "gạn đục, khơi trong", nhân lên kết quả, giảm thiểu hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực ĐTNN.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.