(HNM) - 8 giờ sáng 19-11, chúng tôi xuất phát từ Km số 0 - điểm đầu quốc lộ 1A tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - bắt đầu chuyến hành trình hơn 2.000km tới điểm cuối là TP Cà Mau.
Quốc lộ 1A mới nối từ Lạng Sơn - Hà Nội qua các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh với chiều dài 154km được đưa vào sử dụng từ khoảng năm 2000. Ở thời điểm đó, sau mỗi vụ tai nạn giao thông (TNGT), người ta thường đổ lỗi rằng, do hệ thống đường gom, đường tránh, hệ thống biển báo… chưa hoàn thiện, do sự thiếu quan tâm, tuần tra kiểm soát, xử lý của lực lượng chức năng đối với những lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Song có đi, có quan sát mới thấy, đã hơn 10 năm đưa vào sử dụng, dù hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông khá hoàn chỉnh, nhưng con đường này vẫn luôn tiềm ẩn những vụ tai nạn thảm khốc.
9h sáng vừa đến đầu cầu Sài Hồ 1, thuộc Km 33+500, chúng tôi bắt gặp một đám đông lố nhố bên đường theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn. Chiếc xe BKS 98C - 012.98 chở tinh bột sắn đang nằm dưới ruộng, chổng 4 bánh lên trời, đầu xe rúm ró. Trên đường, tịnh không có vệt phanh nào cho thấy người lái xe chủ động dừng lại trước khi chiếc xe chồm lên rồi lăn xuống ruộng. Đám đông hiếu kỳ đứng xem lao xao: "Chắc lại ngủ gật. May mà không ai tử nạn". Đúng là trong cái rủi, người ta thường tìm thấy một lý do nào đó để tự an ủi, tự cho rằng đó là sự may mắn. Nhưng ít ai nghĩ được rằng, nếu không xảy ra tai nạn thì người lái xe kia đã không phải tốn hàng trăm triệu đồng để sửa chữa chiếc xe đang nằm chổng vó dưới ruộng, đó là chưa kể hàng chục tấn tinh bột sắn kia có thể sẽ không sử dụng được nữa, người lái xe phải bồi thường cho chủ hàng.
Có mặt tại hiện trường, Trung tá Hà Văn Thắng, Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Lạng Sơn cho biết, quốc lộ 1A qua địa phận Lạng Sơn có khá nhiều xe tải chở quá trọng tải cho phép. Nhiều xe khách, nhất là xe khách tư nhân luôn có xu hướng chạy quá tốc độ, lấn làn, chở quá số người quy định. Trong khi đó, đây là đoạn đường không có đường gom, đường tránh, không có cầu vượt, cầu chui dân sinh mà người dân thì sinh sống san sát hai bên đường. Trung tá Thắng kết luận, với những lỗi chở quá tải, đi quá tốc độ cho phép, lấn làn khi vào đường cua, đường hẹp lại gặp người đi xe máy, gặp chướng ngại vật thì không tai nạn mới là lạ. Trong khi đó, lực lượng CSGT luôn phải tuần tra, nhắc nhở xử lý vi phạm gắt gao trên đường. Cũng theo Trung tá Thắng, với sự gia tăng của phương tiện giao thông cá nhân như hiện nay, xe máy đang là đối tượng gây ra nhiều tai nạn nhất và đang có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây. Nghe Trung tá Hà Văn Thắng nói, tôi lại nhớ đến vụ tai nạn mới gặp chiều 18-11 khi chúng tôi di chuyển từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Cũng tại khu vực cầu Sài Hồ 1, chiếc xe máy BKS 12K3-9536 nằm chềnh ềnh giữa đường, toàn bộ xe giập nát, bên cạnh đó là người đàn ông chừng 40 tuổi nằm bất động. Người dân khu vực cho biết, do đường từ ngõ ra quốc lộ dốc quá, người đàn ông điều khiển xe máy lao nhanh từ trong ngõ ra, vào cua rộng nên đã va chạm với chiếc xe máy đi ngược chiều. Do không đội mũ bảo hiểm nên anh ta bị đập đầu xuống nền đường. Cũng may, ngay sau đó, lực lượng CSGT đã kịp thời có mặt đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn nên đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Rời cầu Sài Hồ 1, trên suốt dọc đường đi, san sát các khu chợ từ chợ hoa quả, chợ măng ớt, chợ dân sinh… hình thành tự phát hai bên đường được người dân bày hàng hóa choán hết cả lối đi dành cho xe máy và xe thô sơ. Anh Nông Văn Lượng, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng vô tư kể: Vợ chồng tôi bán hàng ven quốc lộ 1 này từ lúc đường hình thành khoảng năm 2000. Từ bấy đến nay, đoạn này nhiều tai nạn lắm". Thấy chúng tôi thắc mắc về việc anh bán hàng chiếm đường đi, che khuất tầm nhìn, anh Lượng tần ngần: "Bán hàng thì cũng bị nhắc nhở đấy. Nhưng chỗ này đến mùa na, đu đủ đông lắm. Xe chật kín nối đuôi nhau hàng cây số. "Giao thông" đi dẹp nhiều, nhưng dẹp thế nào được!".
Đứng trực cùng CSGT, chúng tôi được biết hiện nay lực lượng chức năng nhiều địa phương tiến hành tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề. Nghĩa là hôm nào lên chuyên đề phạt xe máy, thì chỉ đi "bắt" xe máy, hôm nào ô tô lấn làn, quá tải… thì chỉ phạt ô tô. Chốt này hôm nay phạt xe máy, có nhiều xe quá tải ặc è bò từng mét nối đuôi nhau, nhưng không thấy CSGT giữ lại.
11h, trước khi ra khỏi địa phận tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi gặp Thiếu tá Trương Thúc Định cũng ở Đội CSGT số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn. Anh cho biết, có đến 70% các vụ TNGT trên tuyến đường này liên quan đến xe máy. Và chắc chắn, với sự bất cẩn của những người tham gia giao thông bằng xe máy cộng với những lỗi vi phạm về làn đường, tốc độ, vi phạm về trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ thì tai nạn là điều khó tránh.
Đã vi phạm còn chống người thi hành công vụ
Theo Thượng tá Lương Văn Toàn, Phó phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn đã tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT. Đây là một trong những lý do khiến số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con số đáng quan ngại. Chỉ riêng trên QL1A, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 35.500 người điều khiển phương tiện vi phạm. "Khó khăn lớn, đồng thời cũng là nỗi trăn trở của anh em là hiện trên tuyến vẫn còn nhiều điểm đen, đặc biệt từ lộ trình Km 80 - Km 94, thường xuyên xảy ra tai nạn. Thậm chí, có những điểm nóng như chợ na, chợ dưa hấu dù đã có chỉ đạo xử lý, song đến giờ vẫn chưa có hiệu quả" - Thượng tá Lương Văn Toàn cho biết.
Những trăn trở này quả thực không dễ tháo gỡ. Đại úy Trần Thanh Tùng, Đội phó Đội tuần tra kiểm soát (Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Để phát hiện, xử lý vi phạm, chúng tôi liên tục tuần tra, kiểm soát trên đường, kết hợp bắn tốc độ cả công khai lẫn bí mật. Vậy mà ý thức người tham gia giao thông vẫn chưa có nhiều chuyển biến".
Sang đến địa phận Bắc Giang, Thiếu tá Đoàn Thế Phong, Phó phòng CSGT tỉnh Bắc Giang cho biết, QL 1A chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Giang có chiều dài 38,5km, nằm trên địa bàn ba huyện, thành phố với 30 điểm giao cắt. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 nghìn lượt phương tiện qua lại, riêng các ngày lễ, cuối tuần, con số này có thể tăng thêm 20- 40%. Từ đầu năm đến nay, đơn vị liên tục "va" phải các vụ việc phức tạp: Hồi 22h30 ngày 21-4, tổ tuần tra kiểm soát do Trung tá Nguyễn Văn Bình làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ tại Km105 (thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) phát hiện xe con mang BKS 29A- 188.56 chạy hướng Hà Nội - Lạng Sơn với tốc độ lên tới 113km/h trong khu vực đông dân cư đã triển khai đội hình, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ dừng phương tiện, để kiểm tra. Đối tượng bị bắt giữ là Hoàng Văn Mạnh (Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La) vận chuyển 10 bánh heroin. Hồi 0h50 ngày 15-5-2012, tổ tuần tra kiểm soát do Trung tá Nguyễn Văn An làm tổ trưởng phát hiện xe ô tô mang BKS 29A- 516.65 đi hướng Hà Nội - Lạng Sơn với tốc độ 80km/h trong khu vực đô thị. Khi lực lượng chức năng ra chỉ dẫn, đối tượng không những không chấp hành mà còn có ý định lao thẳng xe vào lực lượng chức năng. Triển khai đội hình, các anh đã bắt giữ kịp thời đối tượng là Sùng A Sanh, trú tại xã Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) cùng hai phụ nữ đi cùng. Nhận thấy nơi cư trú của lái xe là địa bàn trọng điểm về ma túy cùng với những biểu hiện không bình thường, tổ công tác tiến hành kiểm tra, phát hiện dưới lót sàn xe 2 khối hộp hình chữ nhật được bọc kín. Lúc này, đối tượng bất ngờ chống trả quyết liệt nhưng ngay lập tức bị khống chế. Ngoài 16 bánh heroin, lực lượng CSGT còn thu giữ thêm một khẩu súng K59, 8 viên đạn.
Bắc Giang là địa phương "nóng" bởi tình trạng chống người thi hành công vụ của các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Từ năm 2004 đến 30-6-2012, đã có 61 vụ chống người thi hành công vụ khiến một CSGT hy sinh, 35 cán bộ bị thương. Cũng theo Thiếu tá Đoàn Thế Phong, việc chống đối biểu hiện ở nhiều hình thức, cấp độ, từ không chấp hành hiệu lệnh, cản trở, lăng mạ đến sử dụng hung khí, phương tiện tấn công người thi hành công vụ. Chẳng hạn, hồi 9h45 ngày 5-8-2012, ông Thân Văn Sử, điều khiển xe ô tô mang BKS 98H- 4226 khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe do vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã không chấp hành và lao thẳng xe vào hai chiến sĩ. Một chiến sĩ bị hất tung lên nắp ca pô, đối tượng tiếp tục điều khiển xe về đến nhà mới… để cho chiến sĩ công an xuống.
Về đến Hà Nội, trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung tá Nguyễn Trọng Nho, Đội phó Đội CSGT số 8 (Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội) cho biết, Hà Nội vừa được chọn triển khai thí điểm phạt nguội qua hệ thống giám sát tự động. Theo Trung tá Nguyễn Trọng Nho tuyến cao tốc này xe vi phạm với nhiều loại lỗi khác nhau nhưng những lỗi chủ yếu gây tai nạn vẫn là lấn làn, vượt tốc độ. Chỉ riêng trong ca tuần tra, tổ tuần tra đã xử lý hơn 10 trường hợp sai làn, vượt tốc độ trên tuyến. Khi chúng tôi có mặt, tổ tuần tra đang xử lý trường hợp lái xe Lê Thế Dũng, điều khiển xe ô tô mang BKS 36M - 9796 vi phạm lỗi dừng đỗ; Vũ Văn Thắng, xe mang BKS 89K - 4493, Trần Văn Hùng xe mang BKS 17K - 8309 với lỗi tương tự; Nguyễn Xuân Sáng, đi xe mô tô mang BKS 99T1 - 6965 đi vào đường cấm…
Tối mịt chúng tôi mới tới TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ngay trước nhà khách chúng tôi trọ, có hai tấm pa nô tuyên truyền về Ngày tưởng niệm nạn nhân bị tai nạn giao thông. Một tấm có dòng chữ: "Nhanh một giây, chậm cả đời" và vẽ vạch dừng trước đèn đỏ, tất cả mọi người đều chấp hành đèn hiệu, chỉ một người vượt đèn đỏ, bị ô tô đâm chết. Tấm thứ hai vẽ hình mặt trước người điều khiển xe máy, xa xa mờ ảo là tử thần đang cầm lưỡi hái đợi phía trước và dòng chữ: "Hãy nghĩ về tốc độ". Chợt có số điện thoại lạ gọi đến. Một người phụ nữ xưng tên là Phạm Thùy Dương, 35 tuổi, ở phố Nguyễn Lương Bằng. Chị nói 9 năm trước đi cùng em trai thì bị tai nạn, em trai tử vong, chị bị thương và phải cưa một chân. Chị hỏi tôi tối 19-11, Lễ tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông tổ chức ở đâu để đến dự.
Liệu có bao người biết có một lễ tưởng niệm như thế?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.