(HNM) - Tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép liên tục được cảnh báo trong thời gian qua. Mặc dù cơ quan chức năng của thành phố cũng đã vào cuộc chấn chỉnh, song sự thờ ơ, né tránh, thậm chí là thiếu trách nhiệm của một số chính quyền cơ sở đã khiến công tác xử lý thiếu dứt điểm, gây ra nhiều hệ lụy không nhỏ đối với xã hội.
Ngổn ngang vi phạm
Trung tuần tháng 4 vừa qua, phóng viên Hànộimới đã có dịp đi cùng Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố khảo sát thực trạng hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông, nhận thấy vi phạm trong lĩnh vực này vẫn diễn ra tràn lan. Cụ thể, tại xã Võng La (Đông Anh) có 4 chủ bến bãi đang sử dụng trái phép hàng chục nghìn mét vuông. Kiểm tra tại bãi chứa của Công ty TNHH Tuấn Vinh, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 2.120m3 cát đen không chứng minh được nguồn gốc. Cách đó không xa là các bãi tập kết VLXD của Công ty TNHH Minh Cường, Công TNHH Hồng Phúc, Công ty TNHH Thành Luân cũng có sức chứa "khủng" nhưng đều trong tình trạng "trắng" thủ tục giấy tờ...
Không được cấp phép bến thủy nội địa, song hoạt động trung chuyển VLXD trên sông Hồng thuộc địa bàn xã Võng La (Đông Anh) khá tấp nập. |
Đi dọc sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Hải Bối (Đông Anh), phóng viên thấy hàng chục tàu hút cát lớn nhỏ neo đậu dọc bờ sông. Một người dân chỉ tay về bãi tập kết VLXD của Công ty TNHH một thành viên Diệp Trang bức xúc cho biết, "cát tặc" chẳng ở đâu xa mà chính là đây bởi chỉ có họ mới trang bị đủ phương tiện để hút cát từ lòng sông. Khi Đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc thì chủ bãi tập kết VLXD này không có mặt (mặc dù đã được thông báo trước) và ủy quyền cho bảo vệ giải quyết. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, trên diện tích 79.000m2, công ty này đang chứa khoảng 300.000m3 cát đen ngay sát mép sông. Ông Nguyễn Hữu Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Bối cho biết, đối chiếu hiện trạng sử dụng đất với hợp đồng thầu khoán thì Công ty TNHH một thành viên Diệp Trang đã sử dụng không đúng mục đích được giao.
Qua tìm hiểu, tình trạng sử dụng đất bãi ven sông làm bãi chứa VLXD trái phép diễn ra ở nhiều nơi nhưng chưa được xử lý triệt để. Tại huyện Ba Vì, qua các đợt kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu tạm dừng kinh doanh đối với 25 bãi chứa do chưa đủ thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bất chấp nhắc nhở, các bãi chứa này vẫn hoạt động. Huyện Sóc Sơn cũng còn tới 10 bãi chứa, trung chuyển VLXD không phép đang hoạt động. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, việc để hình thành, tồn tại các bãi chứa và kinh doanh VLXD ven sông trái phép và thiếu kiểm soát là nguyên nhân làm gia tăng hoạt động "cát tặc".
Qua kiểm tra 94 bãi chứa, trung chuyển VLXD tại 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố cho thấy có tới 83,5ha đất sử dụng trái phép. Quận Hoàng Mai có diện tích đất sử dụng trái phép nhiều nhất với 381.300m2, các huyện Phú Xuyên 137.800m2, Gia Lâm 73.200m2, Đan Phượng 63.000m2, Thường Tín 52.000m2, Sóc Sơn 18.100m2, Phúc Thọ 5.700m2, Long Biên 35.900m2… Diện tích sử dụng trái phép phần lớn là đất quỹ II do cấp xã quản lý, sử dụng trong sản xuất nông nghiệp... |
Bất lực hay làm ngơ?
Theo báo cáo của Công an thành phố, trên địa bàn Hà Nội có 241 tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng đất ven sông làm bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh VLXD, trong đó 170 tổ chức, cá nhân thường xuyên hoạt động, song chỉ có 30 tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác cát, 40 tổ chức, cá nhân được giao đất đúng thẩm quyền và có tới 130 bến bãi không có phép hoặc được cấp phép sai thẩm quyền. Nguồn gốc đất hình thành các bãi chứa chủ yếu từ hợp đồng thuê thầu với UBND cấp huyện, xã, HTX hoặc đất nông nghiệp chuyển nhượng từ các hộ dân. Theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan duy nhất có thẩm quyền ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê đất mở bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD ven sông, còn hộ gia đình do UBND cấp huyện ký. Tuy nhiên, một số UBND xã, phường đã tự ý ký hợp đồng cho doanh nghiệp, cá nhân thuê đất, trái thẩm quyền.
Trước thực trạng này, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, thanh lý, hủy toàn bộ các hợp đồng cho thuê đất trái thẩm quyền, yêu cầu tổ chức, cá nhân di chuyển VLXD, trả lại hiện trạng ban đầu. Chỉ đạo là vậy, song công tác triển khai của UBND các xã, phường, thị trấn mới chỉ dừng ở việc thanh lý hợp đồng, không quyết liệt chỉ đạo cưỡng chế buộc di chuyển trả lại mặt bằng, dẫn đến tình trạng VLXD tồn đọng năm này qua năm khác ở các bãi chứa. Xã Phương Độ (Phúc Thọ) là một ví dụ. Hiện trên địa bàn còn tồn tại 2 bãi chứa VLXD của 2 cá nhân nhận thầu quỹ đất II của xã. Trong các đợt kiểm tra năm 2012 và 2013, cơ quan chức năng yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo các cá nhân di dời VLXD, thiết bị máy móc, tài sản ra khỏi khu vực đất sản xuất nông nghiệp, trả lại hiện trạng ban đầu, tuy nhiên đến nay vi phạm vẫn còn nguyên. Đáng nói, tại đây, một số băng chuyền tải cát được lắp đặt ngay mép sông, gây mất an toàn cho đê, kè sông Hồng. Tình trạng này cũng diễn ra tại các xã Cẩm Đình, Vân Nam... Dư luận và người dân địa phương đã đặt ra câu hỏi, phải chăng chính quyền địa phương đang làm ngơ cho các đối tượng khai thác, kinh doanh cát sỏi trái phép "lộng hành", trong khi các cơ quan chức năng của thành phố chưa thực sự "xắn tay" phối hợp xử lý dứt điểm vi phạm mà mới chỉ dừng ở việc đôn đốc, nhắc nhở hết năm này qua năm khác?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.