(HNM) - Theo Công an TP Hồ Chí Minh, tội phạm là người nước ngoài lọt vào Việt Nam hoạt động thì nguy hại gấp nhiều lần so với tội phạm trong nước bởi chúng có trình độ và thủ đoạn tinh vi hơn.
Theo Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Hồ Chí Minh - PA 72), thời gian gần đây xuất hiện nhiều người nước ngoài đến Việt Nam rồi làm giả thẻ ATM để rút tiền. Nhiều vụ án như vậy đã bị lực lượng công an triệt phá. Mới đây, ngày 8-4, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Công an Quận 1 làm rõ vụ 3 người nước ngoài dùng thẻ ATM giả để chiếm đoạt tiền tại trụ ATM của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 3 nghi phạm bị tạm giữ gồm: Venisislav Danchov (40 tuổi), Milen Dauranski và Simeon Simeonov (cùng quốc tịch Bulgaria). Kiểm tra túi xách của Venisislav Danchov, lực lượng chức năng phát hiện 20 thẻ ATM (trong đó có 2 thẻ VIP, 1 thẻ chưa xác định được nơi xuất xứ), hơn 80 triệu đồng cùng nhiều ngoại tệ.
Nhóm tội phạm nước ngoài bị tạm giữ tại cơ quan điều tra. |
Ngày 15-2, lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ Cicer Hakan và Igdiemkah (cùng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ, lưu trú tại Quận 1) vì hành vi sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền. Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện hai vị khách này có biểu hiện mờ ám khi vào rút tiền tại trụ ATM của Ngân hàng HSBC trên đường Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Khi bắt giữ, khám xét, lực lượng chức năng phát hiện trong túi xách của hai vị khách có 15 thẻ nhựa có đặc điểm như thẻ tín dụng và các đối tượng đã thừa nhận hành vi dùng thẻ ATM giả để rút tiền.
Phạm tội bằng công nghệ cao, qua mạng xã hội
Vẫn theo Thượng tá Phạm Ngọc Tiến, không chỉ làm thẻ ATM giả để chiếm đoạt tiền, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện, triệt phá hành vi phạm tội bằng việc sử dụng công nghệ cao của các đối tượng người nước ngoài. Ông Tiến cho biết, ngày 11-5, Công an TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) bắt giữ hơn 20 đối tượng người nước ngoài. Trong gần một năm, những đối tượng này đã dùng hàng trăm sim giả, máy tính, các thiết bị công nghệ cao để mạo danh công an, lừa đảo chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng của người dân thông qua internet. Theo lời khai của các đối tượng, Việt Nam được xem là "điểm đến" ít rủi ro cho loại hình tội phạm này. Cụ thể, các đối tượng khai nhận, trước khi vào Việt Nam, chúng được đào tạo các kịch bản lừa đảo. Khi thông thạo, bọn chúng được thuê nhập cảnh vào Việt Nam để sử dụng internet tìm thông tin về nhân thân, thông tin tài chính của một số công dân. Hằng ngày, bọn chúng thực hiện việc chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau theo yêu cầu của người thuê. Mọi giao dịch, liên lạc với người thuê đều thông qua công cụ chat trên internet.
Không chỉ vậy, tội phạm là người nước ngoài còn liên kết với tội phạm trong nước và tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội Facebook để lừa đảo. Điển hình là giữa tháng 3-2015, sau thời gian dài điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt Lê Thị Phương Trang (38 tuổi), là một mắt xích trong đường dây lừa đảo bằng hình thức tặng quà của một nhóm tội phạm người nước ngoài. Tại cơ quan điều tra, Trang khai chung sống như vợ chồng với một người đàn ông mang quốc tịch Nigeria tại Malaysia và được huấn luyện kỹ năng giao tiếp, thông tin "chuyên môn" về giao dịch vận chuyển hàng hóa quốc tế để đủ khả năng tạo niềm tin, thuyết phục các nạn nhân chuyển tiền. Sau đó, Trang về Việt Nam đảm nhận vai nhân viên giao nhận hàng của công ty vận chuyển quốc tế để thực hiện hành vi lừa đảo. Trang và đồng bọn ở nước ngoài đã lập Facebook, "kết bạn" với nhiều người Việt Nam rồi lừa gửi những món quà từ nước ngoài về cho họ nhưng với "điều kiện" họ phải đóng lệ phí hải quan mới có thể được nhận quà. Sau đó, Trang giả làm nhân viên các công ty vận chuyển của nước ngoài tại Việt Nam gọi điện cho "con mồi" thông báo hải quan phát hiện trong gói quà có một khoản tiền lớn. Nếu người nhận không nộp lệ phí, sẽ bị tịch thu. Tưởng thật, nhiều người đã chấp nhận chuyển tiền vào các tài khoản do nhóm này cung cấp. Số tiền này sau đó được băng nhóm tội phạm rút qua thẻ tín dụng tại Malaysia. Với "màn kịch" này, chỉ trong một tháng, Trang đã lừa được 10 nạn nhân với số tiền khoảng một tỷ đồng, trong đó Trang được chia 100 triệu đồng.
Đến buôn ma túy và gây án mạng
Theo đại diện Phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh (PC-45) ngoài các hành vi phạm tội trên, thời gian gần đây, tội phạm "ngoại" còn gây ra các vụ án mạng hết sức phức tạp. Đơn cử là vụ bắt đối tượng Chuah Chow Fay (quốc tịch Malaysia, lưu trú Quận 5) vào ngày 24-5. Theo điều tra, Chuah Chow Fay từng bị kết án 3 năm tù tại Việt Nam vì dùng thẻ Visa giả để mua hàng ở một siêu thị ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi ra tù, về Malaysia một thời gian, Chuah Chow Fay quay lại Việt Nam kết bạn với ông Kwok Alexk (quốc tịch Mỹ). Chiều 21-5, Chuah Chow Fay đến gặp ông Kwok Alexk ở một khách sạn Quận 5 để vay tiền. Bị từ chối, hai bên cãi cọ, xô xát, Chuah Chow Fay dùng dao rọc giấy đâm chết ông Kwok Alexk. Gây án xong Fay trốn chạy đến cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) thì bị bắt.
Đáng báo động nữa là tội phạm ma túy. Theo thống kê của Bộ Công an, từ các vụ án ma túy thời gian qua cho thấy, 90-95% lượng ma túy ở nước ta được chuyển từ nước ngoài vào. Từ vụ bắt giữ lượng ma túy lớn tại cảng Cát Lái (Quận 2) vào giữa tháng 5 cho thấy thủ đoạn vận chuyển, buôn bán ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tinh vi. Cụ thể, đêm 15-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47 - Bộ Công an) cùng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cát Lái (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) tiến hành thực kiểm lô hàng hóa được khai báo là pallet lót sàn. Khi tháo dỡ các thanh gỗ ép để kiểm tra, lực lượng chức năng sững sờ khi phát hiện nhiều thanh thép được bịt kín hai đầu, bên trong chứa… cocain. Chỉ riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất trong 4 năm qua đã phát hiện, bắt giữ gần 50 vụ liên quan đến tội phạm là người nước ngoài hoặc người Việt Nam sinh sống, định cư tại nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam hoặc vận chuyển ma túy từ Việt Nam ra nước ngoài.
Tổng kết về hành vi phạm tội của người nước ngoài của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm và trật tự xã hội (PC 45 - Công an TP Hồ Chí Minh) khẳng định, khi vào Việt Nam, tội phạm "ngoại" thường núp bóng dưới vỏ bọc là nhà đầu tư, kinh doanh, khách du lịch... Các băng nhóm tội phạm "ngoại" hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Nhiều đối tượng đứng tên thành lập công ty "ma", ký hợp đồng chấp nhận thanh toán thẻ với một số ngân hàng, sau đó sử dụng thẻ giả thanh toán qua các máy chấp nhận thanh toán thẻ để rút tiền. Ngoài ra còn có nhiều loại tội phạm "đặc thù" như băng nhóm người Indonesia đến Việt Nam chỉ chuyên dùng đinh đâm thủng lốp ô tô để trộm tiền, băng tội phạm người Philippines thì chuyên gạ và gài bẫy con mồi đánh bạc…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.